Người bệnh sắp hết thời khổ vì xét nghiệm

Google News

Từ 1/7 tới, 38 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm. 

Nguoi benh sap het thoi kho vi xet nghiem
Người bệnh sẽ không phải mệt mỏi vì các thủ tục xét nghiệm.Ảnh: P.V 
Không công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện đã và đang khiến người bệnh khốn khổ mỗi lần đi khám, chữa bệnh. Mất thời gian, tốn kém, ảnh hưởng đến quá trình điều trị… nhưng người bệnh vẫn phải chấp nhận trong suốt thời gian dài qua.
Từ 1/7, 38 bệnh viện sẽ liên thông kết quả xét nghiệm
Từ 1/7 tới, 38 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm. Liên thông xét nghiệm nghĩa là kết quả xét nghiệm ở bệnh viện này sẽ được chấp nhận khi khám chữa ở bệnh viện khác, giúp người bệnh không phải xét nghiệm nhiều lần mỗi khi chuyển viện.
Khổ vì xét nghiệm
Đã gần đến giờ nghỉ trưa nhưng khu vực xét nghiệm Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vẫn kín bệnh nhân chờ nhận kết quả xét nghiệm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Quang K., ở tỉnh Nam cho biết: “Đầu tuần, tôi khi khám ở BV dưới huyện, các bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị viêm gan B. Nhận kết quả tôi khá bất ngờ. Để chắc chắn bệnh tình của mình tôi đã lên Hà Nội kiểm tra lại. BV yêu cầu làm lại toàn bộ các xét nghiệm, khám chữa, không dùng lại kết quả xét nghiệm tôi đã làm trước đó vài hôm tại BV huyện”.
“Khâu chờ đợi xét nghiệm, lấy kết quả xét nghiệm cũng mất cả ngày trời. Như tại BV Đại học Y số thứ tự siêu âm của tôi là 110 thì phải đến chiều mới đến lượt. Xét nghiệm máu lấy được số sớm hơn nhưng kết quả đến 11h30 mới nhận được. Sau khi có kết quả phải chờ bác sĩ kết luận… Quy trình khám, chữa bệnh mất khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức”, ông K. bức xúc.
Tình trạng phải làm lại xét nghiệm như bác K. không phải hiếm. Đa số bệnh nhân khám, chữa bệnh tuyến dưới chuyển lên đều phải làm lại xét nghiệm khi đến cơ sở y tế tuyến trên. Lý do các bệnh viện đưa ra hiện các BV chưa công nhận kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của lẫn nhau, mà chỉ có thể coi kết quả xét nghiệm của BV khác là tham khảo.
Việc không công nhận kết quả khám, chữa bệnh khiến người bệnh kêu than. Ngay cả cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phàn nàn. Kết quả thanh, kiểm tra của đơn vị này trong năm 2016 cho thấy, trong số hàng ngàn tỉ đồng bội chi quỹ BHYT có một tỉ lệ không nhỏ là việc gia tăng sử dụng dịch vụ xét nghiệm. Trong toàn bộ chi khám chữa bệnh thì chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm khoảng 20%. Mỗi năm, các BV làm tới 400-450 triệu xét nghiệm - một con số không hề nhỏ. Cũng theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau sẽ giảm ít nhất giảm 5-10% chi phí cho các xét nghiệm. Ngoài ra, các BV sẽ phải nâng cao chất lượng đạt chuẩn trong việc xét nghiệm.
Đánh giá về chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: Nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, chất lượng còn hạn chế ở các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tư nhân cũng phải tham gia liên thông và cũng phải được đánh giá chất lượng để thực hiện liên thông.
Tin vui đến với người bệnh
Tại Hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm tổ chức tại Hà Nội ngày 23.6, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, việc các BV chưa công nhận kết quả xét nghiệm liên thông gây tốn kém về tiền bạc, thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến cả quá trình khám, chữa bệnh. Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp.
“Lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, trong đó trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV hạng đặc biệt và hạng I; Đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Trước mắt, từ 1.7 tới sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm của 38 BV trực thuộc Bộ Y tế” GS.TS Tiến cho hay.
“Quá trình chuẩn bị liên thông kết quả xét nghiệm, các phòng xét nghiệm phải được đánh giá mức chất lượng, phải tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm, hiệu chuẩn thiết bị và triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến quản lý chất lượng xét nghiệm. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí.
Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm, chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000đ thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng”, PGS.TS Khuê cho hay.
Theo Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)