Khỏi tàn phế bằng khớp có chất tạo xương

Google News

(Kiến Thức) - Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (HTVKCXĐ) thường gây tàn phế ở người trẻ 30 – 50 tuổi. 

Thế nhưng, với loại khớp mới có vật liệu dẫn xương kích thích nguyên bào xương tạo xương mới sẽ giúp cho khớp thay được đảm bảo vững chắc, bệnh nhân hết đau, hết tàn phế và có thể lao động nặng.
Căn bệnh gây tàn phế ở tuổi sung sức
TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, HTVKCXĐ (hay còn gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi) là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 20 - 50 tuổi, có thể tổn thương ở một hoặc hai bên.
Khoi tan phe bang khop co chat tao xuong
Phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. 
Ở giai đoạn sớm thường bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn muộn hơn, triệu chứng chính là đau khớp háng bên tổn thương. Đau thường xuất hiện từ từ, đau tăng lên khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi, hạn chế biên độ vận động khớp háng như bệnh nhân ngồi xổm khó khăn hoặc không ngồi được, bệnh nhân không xoay hoặc dạng khép háng bình thường được, trong khi gấp duỗi gần như bình thường. Giai đoạn muộn đau nặng, bệnh nhân bẹp chỏm và bán sai khớp sẽ dẫn đến ngắn chi và biến dạng chi dưới ở tư thế gấp khép và xoay trong gây mất chức năng khớp háng – không đứng và đi lại được trở thành người tàn phế. Đặc biệt, HTVKCXĐ sẽ dẫn đến ngắn chi và biến dạng chi dưới, bị co rút phần mềm và teo cơ.
Khớp háng vận động tốt sau phẫu thuật
Theo TS Nguyễn Quốc Dũng, HTVKCXĐ ở giai đoạn sớm khi chỏm chưa xẹp bằng phẫu thuật bảo tồn chỏm gồm: Điều trị nội khoa, ghép xương, bơm tế bào gốc vào chỏm xương... để kéo dài tuổi thọ của khớp, nhưng đến giai đoạn IV, V, VI bắt buộc phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần (TKHTP). Trước đây, TKHTP loại không có HA (một vật liệu dẫn xương kích thích nguyên bào xương tạo xương mới) bao phủ rất kém, tỷ lệ phải thay lại cao. Nguyên nhân do bệnh nhân tuổi trẻ, mức độ hoạt động sau thay khớp cao. Đặc biệt là các yếu tố bệnh nguyên của bệnh HTVKCXĐ như sử dụng corticoid, lạm dụng rượu liên quan đến chất lượng xương kém nên khả năng cố định của chuôi khớp và ổ cối nhân tạo kém, tổn thương hoại tử xương lan ra ngoài chỏm xương đùi là nguyên nhân gây thất bại đối với chuôi khớp háng nhân tạo. Với loại khớp mới có chất liệu dẫn xương kích thích nguyên bào xương tạo xương mới để lấp đầy khoảng trống giữa xương và chuôi khớp ngăn chặn sự phát triển của tế bào sợi và bề mặt giữa chúng do đó đạt được sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của xương lên bề mặt chuôi khớp, đảm bảo chuôi khớp được cố định vững chắc kéo dài.
TS Nguyễn Quốc Dũng cũng cho hay, theo dõi trên 43 bệnh nhân với 74 khớp được thay từ tháng 6/2015 – 6/2016 cho thấy, 100% bệnh nhân hết đau sau 6 tháng. Tất cả bệnh nhân đều hài lòng và có biên độ vận động gấp khớp háng sau phẫu thuật không dưới 900 (được coi là tốt). Bệnh nhân có thể ngồi ghế, lên xuống cầu thang, đạp xe và quay trở lại với công việc cũ. Không có bệnh nhân nào bị đau giữa đùi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phục hồi nhanh hơn ở các bệnh nhân phẫu thuật ở giai đoạn sớm, càng ở giai đoạn muộn với thời gian bệnh dài thì teo cơ và co rút phần mềm nặng phục hồi kém hơn.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Thúy Nga

Bình luận(0)