Ham mê ăn tiết canh lợn: Rước Thần chết vào nhà!

Google News

Tính đến 24/7, cả nước có 75 ca bệnh liên cầu lợn, 5 ca tử vong do ăn tiết canh và thịt lợn chưa chín (theo Cục Y tế dự phòng).

Xưa, bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Bệnh tật thì theo miệng mà vào...”. Tiết canh lợn là một trong số đó.
Ngày 1.10, BV bệnh nhiệt đới TW, Hà Nội, tiếp nhận ông T.Q.M 57 tuổi, ở Thái Bình. Sau ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông sốt cao, đi lỏng... đến BV tỉnh đã biểu hiện sốc, được chuyển ngay về Viện Nhiệt đới. Viện chẩn đoán nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng đã suy đa tạng do vi khuẩn liên cầu lợn (LCL).
Ham me an tiet canh lon: Ruoc Than chet vao nha!
 Một bệnh nhân đang điều trị do nhiễm liên cầu khuẩn lợn - Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Ngày 2.10, ông V.V.D, 52 tuổi, ở Ninh Bình, nhập Viện nhiệt đới khi đã hôn mê. Ông ăn tiết canh sau 3 ngày thì sốt, rồi hôn mê, BV tỉnh cũng chuyển thẳng tuyến trên. Viện Nhiệt đới thấy biểu hiện lâm sàng bệnh LCL và xét nghiệm vi sinh đã khẳng định chẩn đoán...
Tính đến 24.7, cả nước có 75 ca bệnh LCL, 5 ca tử vong do ăn tiết canh và thịt lợn chưa chín (theo Cục Y tế dự phòng). Nhiều nhất là Hà Nội và Bến Tre, đều 8 ca, còn lại ở 23 tỉnh, TP khác. Hàng năm, Viện nhiệt đới TW nhận khoảng 100 ca bệnh LCL từ các địa phương và thường tăng trong dịp lễ, tết.
Điểm ca bệnh LCL năm 2017
Tháng 1, bệnh nhân nam, 57 tuổi, ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp, ăn lòng nướng và thịt lợn, bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, huyết áp tụt... Đến BV nhiệt đới TPHCM kịp thời, qua được nguy kịch tính mạng. Chẩn đoán viêm màng não do LCL.
Bà Phan Thị B, 51 tuổi, ở huyện Buôn Đôn, ĐăkLăk, bị sốt, nôn ói nhiều lần; xuất huyết tím đen từng mảng dưới da vùng cổ, ngực, cánh tay, tím môi và các đầu chi... BV Chợ Rẫy, TPHCM, chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn do LCL. Trước khi đi viện một tuần bà ăn tiết canh lợn.
Tháng 2, những ngày Tết Nguyên đán, BV nhiệt đới TƯ tiếp nhận ông P.V.Q, 63 tuổi, ở Nam Định, ăn tiết canh ngày 30 tết. Mồng 2 Tết, sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử da; sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; đã không qua khỏi. Hai ca khác là N.Đ.T. 37 tuổi, ở Bắc Ninh và P.T.Đ 37 tuổi, ở Ninh Bình cũng ăn tiết canh lợn, đều được chẩn đoán viêm màng não mủ (MNM) do LCL.
Khoa Truyền nhiễm BV Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn Hải, ở huyện Kiến Xương, sốt rất cao, đau đầu và nôn liên tục..., sau gần một tuần ăn tiết canh trưa và tối cùng ngày. Cấy dịch não tủy xác định “thủ phạm” viêm MNM là LCL.
Tháng 3, ông Nguyễn Đình Nhàn và Trần Văn Phi, cùng 50 tuổi, ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, nhập BV tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn... Ông Phi bị nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng, gia đình xin về, đã tử vong. Ông Nhàn qua được, nhưng thính lực giảm. Trước đó, khi liên hoan hội đồng ngũ có món tiết canh dê, pha lẫn tiết dê và lợn.
BV tỉnh Thái Bình có 2 ca LCL, trong đó ông N.D.B, 60 tuổi, ở huyện Tiền Hải, 3 ngày sau ăn tiết canh ở quán, bị sốt cao, đau đầu, đau rát thượng vị...; trụy mạch, khó thở; rối loạn tim mạch, rối loạn ý thức; toàn thân tím đen; huyết áp tụt phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch... Đến Viện Nhiệt đới TƯ đã ngừng tim, phải cấp cứu khoảng 15 phút tim mới đập trở lại. Mấy ngày sau các tạng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng đầu ngón tay, chân bị hoại tử...
Tháng 4, BV tỉnh Bắc Giang có 4 ca mắc LCL: 3 ca ở huyện Việt Yên, cùng mổ và ăn thịt lợn ốm; 1 ca ở huyện Lạng Giang.
Tháng 5, bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam, phát bệnh sau khi mổ thịt lợn ốm... Được đưa lên Viện Nhiệt đới TƯ, điều trị kịp thời, xuất viện sau 10 ngày. Từ đầu năm nay, huyện này có ba ca tử vong do LCL.
Tháng 7, 40 người ở huyện Sông Mã, Sơn La ăn đám giỗ có thịt dê, lợn. 20 người (khai) ăn món tiết canh đều đau bụng, buồn nôn và đi ngoài..., cấp cứu ở BV huyện; những người không ăn thì bình thường. BV huyện nghi do LCL nhưng không có điều kiện xét nghiệm.
Ngày 01.8, BV tỉnh ĐăkLăk nhận bệnh nhân Y Prô Niê, SN 1961, ở huyện Krông Bông, sốt cao 400c, đau đầu dữ dội, nôn và tiêu chảy, ý thức lơ mơ nhưng có cơn kích thích la hét, rối loạn tri giác, dấu hiệu màng não dương tính, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng. Nuôi cấy dịch não tủy dương tính với LCL, chẩn đoán viêm MNM - một bệnh cảnh phải ngay lập tức điều trị tích cực, nếu không sẽ tử vong hoặc tàn phế bởi để lại nhiều di chứng thần kinh, tâm thần... Được biết, ngày 26.7, bệnh nhân ăn tiết canh và lòng lợn (mua ở chợ về chế biến). Từ đầu năm, ĐăkLăk có 4 ca LCL, 1 ca tử vong.
Liên cầu khuẩn lợn có độc tính rất cao
Liên cầu khuẩn lợn (liên kết thành chuỗi - Streptococcus suis), có ở đường hô hấp, tiêu hoá, sinh dục, nhiều nhất ở mũi, hầu họng lợn; có 35 type gây bệnh cho lợn và hầu hết động vật máu nóng nhưng nhiều nhất là cho lợn và người. Bệnh ở người thường do type 2; LCL thường vào máu (gọi là nhiễm khuẩn huyết) gây sốc nhiễm khuẩn; gây viêm MNM hoặc cùng lúc cả hai, nếu không điều trị kịp thời rất dễ tử vong.
Bệnh được phát hiện năm 1960 và số ca bệnh ngày càng tăng. Các nước có bệnh là Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Hungari, Croatia, New Zealand, Argentina, Nhật, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc; tỉ lệ tử vong trung bình 17,5%.
Một vụ dịch nhỏ ở Trung Quốc năm 2005, có 39 tử vong/215 ca bệnh (18,1%). Khoảng 80% ca bệnh là nam và hơn 40% tuổi từ 50 - 60. Ở Việt Nam, phát hiện ca đầu tiên năm 2003 và hơn 10 năm qua số ca bệnh có xu hướng tăng; tăng mạnh mùa nắng nóng và nguy cơ phát dịch.
Nếu phát bệnh, thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày, thường đột ngột sốt cao 40 - 410C; có khi chỉ 3 ngày sau sốt đã sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng.
Khi nhiễm khuẩn huyết, thường sốc nhiễm trùng nhiễm độc (do LCL tiết ra nhiều độc tố), gây tụt huyết áp, suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử da diện rộng..., tử vong rất nhanh. Nếu viêm MNM, thường đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh; cứng gáy, khó thở, rối loạn tri giác, lơ mơ rồi đến hôn mê (rối loạn ý thức); qua khỏi thường có di chứng ù tai, điếc, mù, mất trí nhớ.
Theo BV nhiệt đới TPHCM, từ 2008 - 2010, LCL gây ra 43,15% số ca viêm MNM, tử vong 12,73%. Theo Viện Nhiệt đới TƯ, năm 2014, LCL gây ra gần 70% số ca viêm MNM nhập viện. Hiện nay tuy hồi sức, cấp cứu có nhiều tiến bộ nhưng tử vong vẫn cao, năm 2015, có 13 tử vong/96 ca bệnh (12,5%). Mắc cùng lúc hai thể bệnh này thì nguy kịch bội phần...
Cả hai thể bệnh này đều gây rối loạn đông máu, biểu hiện chảy máu tím bầm dưới da và tắc mao mạch gây hoại tử da rộng... Nếu qua được phải điều trị 3 - 4 tuần đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng di chứng thị, thính nặng nề: 60% ù tai, giảm thính lực; 20% điếc hoàn toàn; hoặc mù hoàn toàn… Năm 2016, ở TPHCM tuy không có tử vong, nhưng 10/15 ca bị điếc... Từ đầu năm 2017, Bến Tre có 11 ca thì 1 ca mù, 5 ca ù tai, giảm thính lực hoặc điếc...
LCL còn gây viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, là những bệnh cảnh ít kém phần trầm trọng.
Điều tra dịch tễ thấy nhiễm LCL do ăn tiết canh 70%, còn lại là lòng lợn, tiết, thịt chưa đủ tiệt khuẩn (600C/10 phút LCL chưa chết), nem, cháo. Những người chăm sóc, giết mổ, chế biến, tiếp xúc với máu, dịch tiết, phân, nước tiểu, bị nhiễm LCL qua vết trầy xước da hay đường thở.
Ngoài ra, ruồi, gián, chuột là trung gian truyền bệnh... Nguy cơ nhiễm tăng lên khi lợn ốm, chết hoặc bệnh tai xanh (bệnh tai xanh do virus nhưng nhân lợn suy yếu, LCL tăng sinh, bội nhiễm)…
Đặc biệt, ít người biết khoảng 60 - 100% lợn bình thường mang LCL nhưng lợn không phát bệnh do khả năng đề kháng qua nhiều thế hệ, nên cho rằng ăn sẽ an toàn là sai lầm tai hại! Hiện không có vacxin phòng bệnh và người không có miễn dịch vĩnh viễn với LCL, vì thế mắc rồi vẫn mắc lại!
Tốt nhất là không ăn tiết canh và nấu kỹ sản phẩm; không mổ, ăn thịt lợn ốm, chết, bệnh tai xanh, thịt có màu đỏ khác thường... Ngăn chặn mua bán, vận chuyển; tiêu hủy lợn bệnh, chết. Dùng găng tay và dụng cụ bảo hộ khi chăm sóc, chế biến thịt; rửa tay xà phòng. Người nuôi, giết mổ, chế biến nếu sốt cao đột ngột phải đi khám ngay.
Theo BS Bình Nguyên/LĐO

>> xem thêm

Bình luận(0)