Giật mình khi con hỏi chuyện "yêu" của bố mẹ

Google News

Chỉ vì ngại trả lời những câu hỏi "nhạy cảm" của con mà bố mẹ bỏ mặc trách nhiệm phải giáo dục giới tính cho trẻ từ trong gia đình.

Theo số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam là một trong 5 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nạo phá thai với trung bình khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca/năm. Riêng độ tuổi vị thành niên chiếm hơn 20%, con số này đang còn được dự đoán sẽ gia tăng trong những năm tới.
Có khá nhiều nguyên nhân được đưa ra phân tích, lý giải cho thực trạng đau lòng này. Nguyên nhân chính là do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính vị thành niên, khi mà nhu cầu tâm sinh lý các em phát triển theo đúng quy luật.
Phụ huynh “đỏ mặt”
Giat minh khi con hoi chuyen
 Đối với các nước phương Tây, giáo dục giới tính được đưa vào nhà trường như một môn học bắt buộc. Các em được hưởng một nền giáo dục bài bản, và phù hợp với lứa tuổi. - (Ảnh minh họa).
Những năm gần đây, học sinh tiểu học đã dần được làm quen với giáo dục giới tính từ lớp 4, lớp 5 qua các bài học. Tuy nhiên, việc đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy cho con em khi nào là phù hợp, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh.
“Hôm đó cả nhà đang ăn cơm tối, vừa ăn vừa xem chương trình dành cho bé trên truyền hình. Đột nhiên bé nhà tôi hỏi, “Ba mẹ khi nào thì lại "quan hệ" để cho con có em bé bế vậy?” Tôi và chồng vừa sốc vừa đỏ mặt khi nghe đứa con 11 tuổi của mình hỏi về điều đó. Sau đó tôi đã cấm bé không được nhắc tới những câu như thế, nếu còn nhắc sẽ bị đánh đòn", chị N.T.T, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP. HCM chia sẻ.
Chị T. kể vì quá sốc và bực mình nên chỉ lo răn đe bé không được hỏi những câu tương tự, chứ không hỏi vì sao bé lại biết để giải thích.
Mấy ngày sau đó, khi đưa con đi học, chị đã gặp giáo viên của bé kể lại sự việc, được biết trong chương trình học đã được làm quen về việc giáo dục giới tính. Chị T. đã bày tỏ thái độ không đồng tình về việc đưa giáo dục giới tính vào chương trình học của con. Chị T cho rằng như vậy là quá sớm.
Giat minh khi con hoi chuyen
Nhiều phụ huynh còn khá "ngại ngùng" khi trẻ hỏi về vấn đề nhạy cảm. (Ảnh minh họa).
Ở Việt Nam, việc bố mẹ trực tiếp trò chuyện với con về vấn đề giới tính và việc đưa giáo dục giới tính vào trường học dường như vẫn còn là khái niệm lạ lẫm.
Cấp tiểu học, chương trình lớp 5 có đề cập về sự hình thành em bé nhưng khá ít ỏi. Cấp THCS, môn Sinh học lớp 8 có phần giới thiệu về cơ thể người, kinh nguyệt và vệ sinh cá nhân. Đến bậc THPT, nội dung giáo dục giới tính chỉ được lồng ghép, tích hợp trong một số môn như Sinh học, Giáo dục công dân và một vài chương trình ngoài giờ.
“Né tránh” vấn đề
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng tâm lý trẻ em tại Viện tâm lý thực hành cho biết: "Việc giáo dục giới tính lúc nhỏ của trẻ bắt đầu từ khác biệt qua việc vệ sinh. Phải cho bé biết vòng giao tiếp an toàn, như mẹ mới được tắm cho con gái, người thân mới được ôm ấp yêu thương... "
"Giới tính cần được nhìn nhận như một vấn đề để có phương pháp giáo dục sớm hơn. Ngoài các phụ huynh còn “đỏ mặt” và phản đối khi con nhỏ nhắc tới vấn đề giới tính thì các thầy cô giáo vẫn có tâm lý “ngại ngùng” khi nói về giới tính, bộ phận sinh dục hay quan hệ tình cảm. Lúc giảng dạy lại không đi sâu phân tích, chỉ giải thích vòng vo, khiến học sinh vừa tò mò, vừa khó hiểu, điều đó mới đáng lo", bà Ánh phân tích thêm.
Chuyên gia Ngọc Ánh cho rằng: "Khi các bé có thắc mắc về những vấn đề nhạy cảm, người các bé tìm đến đầu tiên là bố mẹ. Nhưng sẽ ra sao khi tất cả những thắc mắc đó đều bị chặn ngay bởi những người mà trẻ tin tưởng nhất? Thậm chí quát mắng trẻ “toàn hỏi mấy chuyện vớ vẩn”. Với quan điểm giáo dục giới tính thì không cần phải dạy, lớn lên rồi tự khắc sẽ biết, điều đó càng làm tăng tính tò mò ở trẻ".
Từ đó, vì chưa được giải đáp thỏa đáng, các em sẽ tự mình tìm hiểu để thỏa mãn tính tò mò, tìm đến những “người bạn” khác là phim ảnh, sách báo với nội dung không lành mạnh, và muốn khám phá “cảm giác lạ lẫm”. Chính vì thế, không ít những câu chuyện đau lòng đã xảy ra khi trẻ bước vào tình yêu, tình dục sớm.
Việc giáo dục giới tính cho trẻ trong giai đoạn hiện nay, không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà cấp thiết hơn hết, là nhiệm vụ và trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.
Gần gũi, thẳng thắn chia sẻ với con cái những vấn đề về giới tính sẽ giúp trẻ tự tin và xây dựng những mối quan hệ giới tính lành mạnh và phù hợp với những chuẩn mực xã hội.
Theo Thy Huệ/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)