Được chồng “bật đèn xanh” cũng không dám về ngoại ăn Tết

Google News

Nhiều chị em chia sẻ, mình cũng có đôi lần được chồng đồng ý cho về ngoại. Nhưng cuối cùng cũng không dám vượt qua nhiều định kiến của nhà chồng.

Anh đồng ý: em về nhà em, anh về nhà anh
Chị Hoàng Hải Hà trú tại Hà Đông, Hà Nội tâm sự chị lấy chồng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà mẹ đẻ chị ở Lê Lợi, Hà Đông. Từ ngày lấy chồng chưa khi nào chị ở lại Hà Nội ăn tết với bố mẹ vì hai vợ chồng thuê nhà ở gần nhà bố mẹ đẻ nên ngày Tết ưu tiên nhà nội.
Năm nào hai vợ chồng chị 28 ở Hà Nội về Nghệ An đến mùng 2 lại ra Hà Nội để đi chơi họ hàng và du xuân. Năm nay, chồng chị Hà phải trực Tết cơ quan ngày 30 Tết nên anh bàn với vợ đảo lịch ưu tiên so với mọi năm.
Chị Hà cảm thấy không thích thú. Mặc dù, lý do chị đưa ra cũng hơi ích kỷ nhưng chị thấy về ăn Tết nhà nội trước hợp lý hơn là ở lại Hà Nội đến mùng 2, mùng 3 mới đi chơi, gặp gỡ bạn bè thì lại phải về quê chồng.
Cùng suy nghĩ như chị Hà, chị Bùi Thị Hương trú tại Đống Đa, Hà Nội kể quê chồng ở Lạng Sơn, quê chị ở Phủ Lý. Lấy chồng 6 năm chưa khi nào chị ăn Tết nhà ngoại.
Duoc chong “bat den xanh” cung khong dam ve ngoai an Tet
Ảnh minh họa. 
Trước Tết nghe mọi người rục rịch chuyện về ngoại, về nội ăn Tết chị cũng xao lòng muốn về ăn Tết ở nhà ngoại. Nhưng khi chồng chị bảo nếu em thích thì hai mẹ con về ngoại, anh và con gái lớn về nội, chị Hương rất suy nghĩ bởi nếu chia về hai nơi, cả gia đình Tết tách ra làm đôi sẽ rất buồn.
Chị muốn dù vất vả đi lại thì vợ chồng, con cái vẫn phải đi với nhau nhưng chồng chị không muốn. Anh lại suy nghĩ khác vì là con trưởng nên tết nhất phải lo cho chu toàn để bố mẹ còn mở lòng với họ hàng làng xóm.
Sau khi suy nghĩ đề nghị của chồng, chỉ còn 1 tuần nữa là về Tết, chị Hương đã quyết định về nội ăn Tết đến mùng 3 cả nhà cùng xuống nhà ngoại, điều đó cũng làm cho bố mẹ chị bớt áy náy.
Bố mẹ không dám giữ con
Chị Ngô Thị Hạnh trú tại Hoàng Mai, Hà Nội lại chia sẻ về một "nỗi khổ" khác của mình. Chị mới lấy chồng hồi tháng 3, vừa sinh con được hơn tháng. Quê chồng chị ở Thanh Hoá. Hai vợ chồng cưới nhau xong chị ở luôn nhà mẹ đẻ để nhờ ông bà trông con lúc chị sinh nở.
Dù con nhỏ còn non nớt mới được hơn tháng, chị muốn để con ở lại ăn Tết với gia đình khi nào cháu cứng cáp mới cho về nhà nội nhưng bố chị một mực không đồng ý vì ông cho rằng chị đi làm dâu Tết phải về nhà nội.
Bố mẹ chị sợ ông bà thông gia buồn lòng, trách mắng con gái không biết ăn ở. Dù chị là con duy nhất, bố mẹ chị Tết vắng con sẽ rất buồn song ông cũng nhất quyết bảo sẽ thuê xe chở chị về đến nhà chồng ăn Tết đến mùng 4 ra Hà Nội.
Thấy bố “cổ hủ”, chị đành nghe theo. Bố chị còn nói rõ rằng chị phải tập quen với ý nghĩ đã lấy chồng thì theo chồng, lễ tết là phải trọn đạo dâu con. Bố mẹ chị đẻ con gái, nuôi xong gả chồng là coi như xong phận, không đòi hỏi gì ở chị, ông bà không cần chị phải băn khoăn áy náy gì hết.
Hay chị Minh ở Trương Định cũng có hoàn cảnh tương tự. Chị bảo năm nay biết thân phận tự thu xếp về nội rồi. Năm ngoái, vận động mãi mới được chồng đồng ý, 28 Tết chị đưa con về nhà ngoại.
Ở nhà dọn dẹp, chuẩn bị Tết với ông bà, chị háo hức chờ đợi đêm 30 sum vầy bên bố mẹ như khi còn nhỏ. Ai dè, xong bữa cơm trưa 30, bố chị gọi taxi, giục mẹ chị xếp đồ, bảo chị về nhà chồng. Khi chị Minh thưa rằng chồng đã cho phép thì ông bà ngoại lại hỏi: "thế ông bà nội đã cho phép chưa". Với bố mẹ chị, con gái đi lấy chồng mà giao thừa, mùng Một lại đòi về nhà mình là không có học, không biết sống. Ông bà sợ làng xóm người ta cười chê mình không biết dạy con; sợ phía nhà chông chê con mình không biết sống. Vì thế, dù lòng rất vui khi con về, ông cũng nhất quyết đuổi mẹ con chị đi. Thế là tự dưng ngày Tết tưởng vui thành ra con khóc, mẹ khóc, bà khóc.
Chị Minh đã kết luận sau khi chia sẻ câu chuyện của mình: "Về nhà ngoại ăn Tết, câu chuyện tưởng chỉ là sự việc cần giải quyết giữa hai vợ chồng nhưng hóa ra không phải. Tết là dịp đối nội đối ngoại cho tất cả mọi người nhìn vào, thế nên, với người lớn tuổi nó càng nặng nề chuyện gia phong. Mình đã cố gắng, đã làm cách mạng, đã thành công với chồng. Nhưng cuối cùng thì mình chịu thất bại, vì chính bố mẹ mình dù mong mỏi cũng không dám cởi mở tư tưởng để thay đổi trong gia đình. Có lẽ, nếu muốn có một cuộc cách mạng thành công, coi cái Tết là dịp sum họp bất kể bên nội, ngoại, thì cần sự thay đổi của cả một xã hội, một thế hệ".
Theo Khánh Ngọc/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)