Điều trị túi phình khổng lồ động mạch não

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh lý túi phình khổng lồ mạch máu não (Giant Intracranial Aneurysm) là chỗ dãn lớn mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi. 

Túi phình khổng lồ động mạch não có nguy cơ tai biến xuất huyết hoặc nhồi máu não về sau rất cao.
Phát hiện bệnh nhờ chụp MRI
Chị Tăng Diễm T. (nhân viên kế toán, 31 tuổi ở 126 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TPHCM) có triệu chứng đau đầu liên tục trong 3 ngày, không đáp ứng thuốc giảm đau. Khi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, chị Diễm T. được bác sĩ cho chỉ định chụp MRI và phát hiện túi phình khổng lồ hình thoi trong động mạch não chiều dài 40mm, đường kính 20mm. Sau hội chẩn giữa các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh điều trị đặt 2 stent chuyển dòng lồng vào nhau để che phủ được đoạn mạch máu phình.
TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: Túi phình động mạch não có thể biểu hiện bằng nhiều cách. Phần lớn các túi phình chưa vỡ không gây triệu chứng. Khi kích thước túi phình đủ lớn, có thể gây đau đầu kéo dài, liệt các dây thần kinh đầu mặt cổ (biểu hiện bằng nhìn đôi, lé mắt mới xuất hiện, mờ mắt, méo mặt...), hoặc yếu liệt tay chân diễn tiến nặng dần. Điều trị túi phình khổng lồ động mạch não trước đây rất khó khăn và đầy nguy cơ. Trước khi có stent chuyển dòng, phương pháp điều trị các túi phình này thường bằng mổ hở hoặc can thiệp trong lòng mạch máu gây tắc động mạch phình. Các phương pháp này có nguy cơ tử vong hoặc tàn tật sau điều trị lên đến 20 - 30% và nguy cơ tái phát túi phình sau này (túi phình lớn lên lại) lên đến 20% sau 5 năm.
Dieu tri tui phinh khong lo dong mach nao
BSCK I Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đang khám cho chị T. sau phẫu thuật. 
Đối với các túi phình khổng lồ động mạch não (kích thước trên 25mm) thì trước đây có một số hướng tiếp cận điều trị. Một là mổ hở kẹp túi phình, hai là mổ hở nối mạch máu trong ngoài sọ và cắt bỏ động mạch phình, ba là can thiệp trong lòng mạch máu tắc đoạn động mạch phình, bốn là can thiệp nội mạch bít túi phình một phần bằng coils (là các vòng xoắn kim loại). Các phương pháp này trước đây có nguy cơ tử vong tàn tật sau điều trị rất cao (20 - 30%) hoặc nguy cơ tái phát lại túi phình rất cao. Hiện nay, Stent chuyển dòng là một cuộc cách mạng lớn trong điều trị túi phình khổng lồ động mạch não, giúp tăng cao khả năng điều trị và hạ thấp nguy cơ điều trị nhóm bệnh này rất nhiều.
So với các phương pháp truyền thống, stent chuyển dòng có nhiều ưu điểm như nâng cao khả năng chữa khỏi lên đến 90 - 95% cho các túi phình động mạch não khổng lồ, giảm nguy cơ điều trị xuống thấp < 5% cho phần lớn các túi phình. Tuy nhiên, chi phí điều trị cao hơn gấp nhiều lần các phương pháp truyền thống nên hiện nay phương pháp này chỉ mới được khuyến cáo áp dụng cho các túi phình động mạch não khi không còn phương pháp điều trị nào khác.
Tuổi trung niên dễ mắc bệnh
TS.BS Minh Anh chia sẻ, túi phình động mạch não nói chung có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở nữ giới, gặp nhiều nhất ở lứa trung niên trở lên. Bên cạnh đó, các nguy cơ tim mạch nói chung như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tiểu đường... cũng làm tăng nguy cơ bệnh lý túi phình động mạch não.
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm khi tình trạng người bệnh còn tốt, đa số nhóm bệnh lý mạch máu não trong đó có túi phình động mạch não có thể được điều trị khá triệt để với nguy cơ điều trị tương đối thấp bằng can thiệp nội mạch hoặc mổ hở, tùy tình trạng người bệnh và đặc điểm thương tổn.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Bùi Hương

>> xem thêm

Bình luận(0)