Con dâu làm nghề giáo chia sẻ tâm sự khiến mẹ chồng nghẹn lời

Google News

Ngày xưa, lúc anh ấy đưa con về ra mắt, mẹ cũng không ưng mấy vì con chẳng xinh đẹp cũng không phải con nhà danh giá.

Nhưng khi biết con là giáo viên, mẹ đã vui vẻ chấp nhận và nói rằng: “Làm giáo viên thì tốt rồi, nhàn hạ, ngày vài tiết dạy ở trường, về chu toàn tề gia nội trợ, còn gì bằng”.
 Mẹ trách con không biết dạy dỗ bọn trẻ, mẹ bảo: “Tưởng con nhà giáo thế nào, hóa ra…” (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, từ khi con về làm dâu, con chẳng ngày nào được như mẹ mong muốn. Cả ngày dạy ở trường, gần 6 giờ tối mới về đến nhà, sấp ngửa nấu nướng, ăn uống, tắm giặt rồi soạn giáo án, chấm bài đến đêm mới xong. Mẹ cằn nhằn vì con không làm hết được việc nhà mà chồng con phải nhúng tay vào. Lẽ ra anh ấy, con của mẹ sẽ được thảnh thơi ngồi xem tivi hay uống bia, tán chuyện với bạn bè sau giờ làm. Nhưng vì thương con nên chồng con cũng lăn vào bếp mong giúp vợ sớm xong công việc.
Khi con sinh cho mẹ liền hai đứa cháu, mẹ nghĩ là giáo viên con có khả năng dạy con cái đâu vào đấy, gọi dạ bảo vâng, nghe lời răm rắp, đặc biệt là không bao giờ làm bà phiền lòng. Nhưng sự thật lại không phải như thế. Chúng quả là nghịch ngợm, trẻ con, hiếu động, và cũng được ông bà nuông chiều cho nên nhiều lúc ỷ lại, bướng bỉnh. Con thì chẳng có nhiều thời gian với chúng bởi nguyên việc “làm nghề giáo” đã chiếm gần hết thời gian rồi. Mẹ trách con không biết dạy dỗ bọn trẻ, mẹ bảo: “Tưởng con nhà giáo thế nào, hóa ra…”.
Mẹ nghĩ, con làm nhà giáo nên rảnh rang lo tề gia, nội ngoại đều chu toàn. Nhưng sự thật là con không thể lo hết được các cuộc hội họp, hiếu hỉ, sinh nhật từ ông bà, cháu chắt bên nội liên tục diễn ra quanh năm suốt tháng. Mẹ trách con không đáng mặt làm dâu vì không đến dự sinh nhật con anh cả, chị hai, vì lúc đó con đang phải chấm thi. Mẹ trách con không quà cáp hỏi thăm bác họ bị ốm phải nằm viện, vì con phải cho học sinh ôn thi cuối cấp… Còn nhiều lắm những điều đáng trách từ con. Con ước gì có thể phân thân ra được như Tôn Ngộ Không để có thể vừa làm công việc giảng dạy, vừa lo tề gia nội trợ, vừa dạy con cái ngoan ngoãn nghe lời ông bà, vừa thăm hỏi hết tất cả họ hàng, cô dì chú bác đằng nội đằng ngoại. Con đau lòng vì mình chọn cái nghề vất vả, cũng đau lòng vì mình không phải là siêu nhân như mẹ mong muốn.
Thế nên, con cần anh ấy, con trai của mẹ gánh vác cùng con. Nhưng mẹ ngăn cản không cho anh ấy giúp đỡ, chung vai với con bởi sợ anh ấy khổ. Mẹ chì chiết anh ấy ngu dại vì không chọn công nhân viên chức văn phòng lại đi chọn giáo viên. Con thuyền gia đình vốn rất mỏng manh giờ lại càng thêm chòng chành vì mẹ muốn có sự công bằng cho riêng con trai của mẹ.
Con chọn nghề giáo vì con yêu cái nghề vất vả ấy, cũng là bởi vì nghề giáo đã chọn con. Không có nhà giáo nào tâm huyết với nghề mà có thể nhàn hạ được phải không mẹ? Con chọn nghề, chồng con chọn con. Điều đó làm mẹ đau lòng. Nhưng rồi chúng con vẫn hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ hiểu và tỉnh giấc mộng “nhà giáo nhàn hạ lắm” để chia sẻ những khó khăn vất vả của chúng con. Con hy vọng khi con phải tập trung sức lực đưa đò cho những học sinh tới bến bờ tương lai của chúng thì chiếc thuyền gia đình đừng bị đẩy đi quá xa, và mong muốn một ngày mẹ hiểu...
Theo Yến Trang/GĐVN

>> xem thêm

Bình luận(0)