Chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu vết thương cứa cổ

Google News

(Kiến Thức) - Chiều ngày 26/9 Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng đã hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu khi bị cắt vào cổ để cứu người bị nạn.

Gần đây liên tiếp xảy ra 2 vụ tôn cứa đứt cổ gây tử vong cho một phụ nữ 66 tuổi và một cháu bé 9 tuổi ở Hà Nội rất thương tâm. Để cung cấp thêm kiến thức và giúp cộng đồng, chiều 26/9, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Bệnh viện Bạch Mai - Dương Đức Hùng đã có những hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu khi bị cắt vào cổ ngay tại chỗ trước khi đưa người bị nạn tới bệnh viện cấp cứu
Theo chia sẻ của Bác sĩ Dương Đức Hùng, những trường hợp bị đứt mạch máu ở tay, khủy tay và cổ là dễ dẫn đến mất máu cấp và tử vong rất nhanh. chính vì thế sơ cứu cầm máu tại chỗ đúng cách thì cơ hội cứu sống người bị nạn sẽ cao hơn.
Chuyen gia huong dan cach so cuu vet thuong cua co
 Cách cầm máu tại chỗ sơ cứu nạn nhân bị cắt vào cổ gây mất máu. 
Để sơ cứu tại chỗ cho những người bị nạn do bị cắt vào cổ như hai trường hợp bị tấm nhôm cứa không quá phức tạp. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những vật dụng như bút bi, cành cây, nẹp tre, thước kẻ, áo đều có thể sử dụng để cố định vết thương tạm thời giúp cầm máu trước khi đưa tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất cấp cứu.
Đầu tiên để cầm máu, bạn phải ép vết cắt vào để nó thắng được áp lực dòng máu thì nó sẽ ngừng chảy.
Với vết thương bị cắt ở cổ, đầu tiên bạn phải dùng tay ép vào vết cắt trên cổ nạn nhân. Ngay sau đó lấy một chiếc áo, hoặc khăn gấp lại đặt lên vết thương để ép giữ lại.
Bước tiếp theo bạn cần làm là lấy một chiếc que, thước hoặc bất cứ một dụng cụ khác như cành cây... đặt dọc cổ phía đối diện vết thương và dùng một mảnh áo hoặc khăn khác quấn quanh cổ để giữ miệng vết thương giúp máu ngừng chảy hoặc chảy chậm lại.
Trong trường hợp bạn không thể tìm được dụng cụ que, thước... nào để nẹp bạn có thể dùng chính tay đối diện vết thương của người bị nạn đưa ngược lên đầu lại dụng cụ để nẹp và băng giữ vết thương ở cổ để cầm máu.
Cuối cùng bạn cũng có thể băng ép vết thương ở cổ bằng cách dùng dây băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân rồi buộc lại để cố định vị trí băng ép. Sau khi bạn sơ cứu cầm máu tại chỗ xong mới đưa người bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất đừng phân biệt tuyến cơ sở tuyến trung ương.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm: "Việc sơ cứu cấp cứu cho những người bị nạn chảy máu phải làm càng nhanh càng tốt thì cơ hội cứu sống nạn nhân sẽ cao hơn. Bạn cũng không nên cuống hay hốt hoảng khi tiến hành sơ cứu".
Mời các bạn xem video clip: Hướng dẫn cách sơ cứu cho trẻ hóc dị vật.

Thu Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)