Chồng bắt phải rút hết tiền đưa cho mẹ, tôi phải làm sao?

Google News

Mẹ chồng xúi chồng tôi bắt tôi phải rút tiền mang về cho bà mượn với lý do sửa bếp.

Vợ chồng tôi mới kết hôn gần 1 năm nhưng đã xảy ra không ít những lần to nhỏ cãi vã. Mỗi lần vợ chồng lục đục như thế tôi cảm thấy rất buồn và áp lực. Nguyên nhân chủ yếu là do mẹ chồng tôi.
Chong bat phai rut het tien dua cho me, toi phai lam sao?
Ảnh minh họa. 
Hiện tại tôi đang là học viên của một trường đại học trên thành phố, còn chồng tôi là bộ đội công tác ở quê. Tôi với anh mới lấy nhau chưa được bao lâu nhưng vì hoàn cảnh công việc nên chúng tôi rất ít khi được gặp nhau. Tuy vợ chồng xa cách là thế nhưng vẫn luôn xảy ra những lần tranh cãi nảy lửa khiến tôi cảm thấy vô cùng áp lực.
Sau khi kết hôn chúng tôi có một tháng sống cùng bố mẹ chồng. Mới về làm dâu nên cái gì trong nhà chồng đối với tôi đều lạ lẫm, nên làm việc gì tôi cũng rất dè dặt, đoán trước đoán sau tôi mới dám nói lên ý kiến của mình. Một phần là vì sợ chồng, phần vì sợ mất lòng mẹ chồng vì mẹ chồng tôi rất khó tính. Bà hay để ý những hành động và lời nói của tôi, không những vậy bà còn sẵn sàng lên tiếng mang rõ tính chất mẹ chồng dạy bảo nàng dâu theo kiểu phong kiến khi không vừa mắt. Cuộc sống hôn nhân của tôi càng trở nên nặng nề, áp lực hơn khi chồng tỏ rõ tính gia trưởng, nhu nhược.
Trong khoảng thời gian sống chung ấy, tôi nhớ có lần bà đã chẳng ngần ngại ném vào mặt tôi những lời nói cay độc dù chuyện chẳng có gì to tát. Hôm ấy, cả nhà dùng bữa xong xuôi, mọi người đều đã ăn xong và ngồi xem ti vi, chỉ còn mình tôi ngồi ăn vì tính tôi ăn chậm. Biết ý, tôi một mình bê mâm xuống bếp rửa nhưng lại thấy lẩm nhẩm đau bụng nên tới chỗ chồng nói nhỏ nhờ anh rửa hộ mâm bát vì đau bụng. Không ngờ mẹ chồng tôi ngồi bên nghe thấy bà liền đứng phắt dậy chỉ thẳng mặt tôi nói : “Nhà này không có kiểu sai chồng rửa bát”. Lúc ấy, tôi như đứng hình với câu nói của bà. Tôi nghĩ chuyện chồng giúp vợ rửa bát có gì mà bà phải phản ứng dữ dội và độc miệng với tôi như vậy. Nhưng nghĩ đến lời bố mẹ đẻ dặn “một điều nhịn là chín điều lành” nên tôi kìm nén, vừa ôm bụng đau rửa bát, vừa tủi thân khóc một mình.
Mẹ chồng đã vậy, chồng tôi chẳng những không hiểu chuyện còn bênh mẹ chê trách vợ. Anh là người nhu nhược, gia trưởng chỉ nghe lời của mẹ mà không biết nghĩ cho vợ. Tưởng rằng lên thành phố không còn phải chịu cảnh ngày nào cũng giáp mặt với mẹ chồng nữa là tôi đỡ khổ nhưng tôi vẫn chẳng thoát được sự cay nghiệt, ghê gớm của bà. Vừa đi học vừa phải đi làm để nuôi bản thân thế mà chồng tôi không thương vợ, dăm lần bảy lượt, chồng tôi nghe mẹ xúi lên vay tiền tôi cho bà mượn nhưng tôi bảo tôi chưa lấy lương nên cũng đành chịu. Có lẽ vì lần nào về cũng thấy tôi mua quà nên bà nghĩ tôi trên này đi làm kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng ai thấu được những vất vả nhọc nhằn mà tôi đã phải cố gắng để kiếm tiền. Vài lần như vậy nên tôi chán chẳng còn thiết tha về nhà với chồng nữa.
Ngày mưa cũng như ngày nắng, sáng tôi đi học, tối về lại lọ mọ đi dạy thêm. Nhờ bản tính tiết kiệm, tôi đã để được một khoản nho nhỏ trong ngân hàng để lo lúc sinh đẻ. Nhưng nào ngờ chồng tôi biết được kể cho mẹ nghe, bà xúi chồng tôi bắt tôi phải rút tiền mang về cho bà mượn với lý do sửa bếp. Lúc ấy tôi uất ức lắm, tôi bực chồng bao nhiêu thì căm ghét mẹ chồng bấy nhiêu. Không phải dễ dàng gì mà tôi có số tiền tiết kiệm ấy, hơn nữa đây là tiền tự tôi kiếm được với dự định để dành cho con sau này ấy thế mà bây giờ tôi phải lấy đưa về cho mẹ chồng. Đưa thì không đành mà không đưa thì tôi chắc chắn không yên thân với mẹ chồng và chồng. Tôi không biết bây giờ phải làm thế nào nữa, bế tắc vô cùng, tôi phải làm sao đây?
Theo Nguyên Thảo/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)