Chớ vội mừng khi thấy con răm rắp nghe lời

Google News

Theo TS. Vũ Thu Hương, trẻ vâng lời răm rắp không hẳn đã tốt và “cãi lời” người lớn chưa chắc đã dở. 

“Mẹ chưa nói hết câu, con đã cãi mấy câu. Con người ta thì ngoan ngoãn, vâng lời, con nhà mình thì mẹ nói một đằng, con làm một nẻo”, chị Nguyễn Thị Nhuần (huyện Gia Lâm, Hà Nội) than thở về cậu con trai.
Chị nói, nhìn những đứa trẻ khác vâng lời mẹ răm rắp mà… thèm. Mẹ bảo đứng dậy là… đứng lên ngay. Mẹ bảo không xem nữa là tắt ngay ti vi. Mẹ bảo đi học thêm thầy này cô kia thì không trái lời. Trong khi đó, cậu con trai nhà chị thì luôn làm ngược ý của mẹ. Mẹ bảo học bài thì con nói lát nữa. Mẹ bảo đi học đàn thì con nằng nặc đăng ký chơi bóng rổ. Mẹ bảo học thêm Toán nhà cô giáo chủ nhiệm thì con nói thích tự học ở nhà…
Cho voi mung khi thay con ram rap nghe loi
Trẻ tỏ ra khó chịu khi bị ép nghe lời răm rắp. Ảnh minh họa 
Theo TS. Vũ Thu Hương, trẻ vâng lời răm rắp không hẳn đã tốt và “cãi lời” người lớn chưa chắc đã dở. Bởi, bất kể cái gì trẻ cũng răm rắp nghe lời bố mẹ, bố mẹ không đưa ra chỉ thị thì không biết làm gì, không dám làm gì cả thì không ổn. Con sẽ rất thụ động, không thể tự mình quyết định việc gì khi thiếu cha mẹ.
Những đứa trẻ bị ép nghe lời răm rắp sẽ vô cùng khó chịu. Thông thường, các cha mẹ sẽ bực bội vô cùng vì quen ép con nghe lời nhưng đến khi con lớn, con không nghe theo nữa. Hệ quả của việc đó là con sẽ tìm cách nói dối cha mẹ, lảng tránh nói chuyện và từ chối làm bạn cùng cha mẹ. Đến khi đó, muốn biết chuyện gì đang xảy ra với con sẽ không đơn giản. Nhiều bố mẹ lại phải đọc trộm nhật kí hoặc xâm phạm vào các chi tiết đời tư khác của con.
Theo TS Vũ Thu Hương, đào tạo những đứa con nghe lời răm rắp không phải là tốt. Các cha mẹ cần lựa chọn nên dạy con thế nào, có cần con nghe lời răm rắp hay không?
Cha mẹ cần làm rõ những điều sau:
1. Các con chỉ cần nghe lời của cha mẹ và người lớn trong các nguyên tắc của cuộc sống. Đó là luật pháp, là các quy định. Nếu làm sai các quy định, nếu làm trái luật pháp, đương nhiên các con phải chịu phạt.
2. Trong các vấn đề cần có sự quyết định, cha mẹ cần cho con làm quen với các quyết định và trả giá nếu như quyết định chưa hợp lý. Dần dần, con sẽ quen với việc đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.
3. Trong gia đình rất nên có các quy định rõ ràng. Với các quy định đó, cả nhà phải tuân thủ, không có trường hợp ngoại lệ. Đến lúc đó, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Bố mẹ lưu ý, nếu bố mẹ làm sai quy định cũng cần bị phạt để làm gương cho con cái.
4. Khi con còn nhỏ, để con có thể nghe và làm theo mọi việc một cách hợp lý, các cha mẹ nên đưa ra nhiều phương án và cho con chọn lựa. Khi đưa ra phương án cũng nên nói trước các hậu quả của phương án để con có thêm thông tin khi chọn.
5. Khi gia đình có điều gì cần bàn bạc, cha mẹ nên cho con cùng tham gia. Nếu trong trường hợp con đưa ra ý kiến hợp lý, cha mẹ nên nghe theo con. Khi đó, con sẽ thấy được tôn trọng và sẽ chững chạc hơn nhiều.
6. Khi cha mẹ muốn con lắng nghe và làm theo lời khuyên của mình, hãy nghĩ cách lựa lời với con.
Tốt nhất là, để khuyên nhủ hoặc yêu cầu con làm việc gì, cha mẹ phải dựa trên cơ sở các quy định. Ngoài ra, cuộc sống của ai cũng cần tự chủ. Các cha mẹ cần tôn trọng và tạo điều kiện cho con tự quyết hơn là ép con phải nghe lời mình răm rắp.
Theo Đan Linh/PNVN

>> xem thêm

Bình luận(0)