Cảnh báo một số thuốc điều trị bệnh có thể gây điếc không thể phục hồi

Google News

Điếc tai có thể do rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do thuốc. Và điếc do thuốc thường không hồi phục.

Thói quen tự dùng thuốc của người bệnh làm cho tỷ lệ điếc do thuốc nhỏ tai ngày càng tăng lên 
TS.BS Phạm Thị Bích Đào (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) lý giải nguyên nhân là do thành phần có trong một số thuốc có thể tác động lên bộ phận tai trong như mê nhĩ, dây thần kinh nghe gây tổn thương không hồi phục.
Dưới đây là một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây bị điếc được bác sĩ Đào chia sẻ:
Điếc do các thuốc nhỏ tai tại chỗ
Một số thuốc nhỏ tai không được dùng cho tai thủng, tuy nhiên thói quen tự dùng thuốc của người bệnh làm cho tỷ lệ điếc do thuốc nhỏ không phải là thấp, theo thống kê chiếm 3,1%.
Những thuốc loại này thường được ghi trong hướng dẫn sử dụng là không được dùng khi màng nhĩ tai bị thủng, thành phần của thuốc thường chứa nhóm aminoglycosid, phổ biến là neomycine.
Điếc do các thuốc dùng toàn thân
Trong quá trình điều trị bệnh, rất nhiều người không biết là có một số loại thuốc có thể gây tổn hại tới thính lực hoặc làm tăng nguy cơ giảm thính lực trên những người đã có sẵn bệnh về tai.
Tác động âm thầm này khiến cho nhiều người không biết nguyên nhân vì sao mà mình bỗng nhiên bị giảm hoặc mất thính lực.
Một số thuốc rất nhạy cảm lên hệ thần kinh thính giác của trẻ khi uống. Một số thuốc có thể làm mất sức nghe ở trẻ chưa sinh khi người mẹ mang thai uống thuốc đó. Rủi ro của các loại thuốc này tăng lên nếu trẻ hoặc người mẹ còn bị bệnh thận.
 Việc tự ý dùng thuốc, dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể làm suy giảm thính lực ở cả người lớn và trẻ nhỏ
Một số thuốc phổ biến gây tổn thương sức nghe là:
Kháng sinh nhóm aminoglycosides
Các kháng sinh này dùng để trị nhiễm vi khuẩn, bao gồm: streptomycin, kanamycin và những kháng sinh thuộc nhóm mycin.
Kháng sinh nhóm aminoglycosides thường hay được sử dụng ở vùng hẻo lánh hoặc ở những nước chậm phát triển, do giá thành thấp.
Tại Trung Quốc, hơn một nửa những trường hợp mất thính lực nặng được xác định là do sử dụng aminoglycosides.
Điều này dễ dàng xảy ra ở trẻ nhỏ nếu trẻ uống các loại thuốc kháng sinh này hoặc mẹ trẻ uống trong thời gian mang thai.
Các loại thuốc kháng sinh này thường được tiêm. Chúng chỉ nên được sử dụng đối với các bệnh nhiễm trùng nặng như viêm phổi (trong phác đồ điều trị viêm phổi có nhắc đến gentamycin).
Các thuốc salicylates
Cụ thể là aspirin. Khi sử dụng aspirin liều cao trong những trường hợp đau khớp thì aspirin sẽ gây giảm thính lực với triệu chứng ù tai.
Không như những trường hợp mất thính lực do các loại dược phẩm khác, sự mất thính lực gây ra bởi các thuốc salicylates sẽ được cải thiện trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Các tác nhân khác
Việc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét như quinine... Các thuốc kháng viêm không steroid (NAIDs) như ibuprofen, aspirin có thể làm mất thính lực nếu sử dụng quá liều bình thường.
Nó cũng có thể gây nên điếc tạm thời và có tiếng vo vo trong tai (ù tai) nhưng những vấn đề này thường mất đi sau khi ngừng uống aspirin.
 Ù tai ở một bên tai hoặc cả 2 tai và có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn... là những dấu hiệu cảnh báo sức nghe bị ảnh hưởng
Cách phát hiện thuốc ảnh hưởng đến sức nghe
Triệu chứng dễ thấy nhất là ù tai (ở người lớn) hoặc không tập trung (ở trẻ).
Mức độ của sự mất sức nghe được xác định dựa vào lượng thời gian mà bệnh nhân sử dụng những dược phẩm gây mất sức nghe.
Triệu chứng dễ thấy khi một dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực là sự ù tai ở một bên tai hoặc cả 2 tai và có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi đi hoặc đứng...
Nếu cứ âm thầm chịu đựng thì sự mất thính lực càng trở nên nghiêm trọng hơn và người sử dụng chỉ có thể nhận biết khi không còn nghe rõ được.
Thông thường người sử dụng những dược phẩm có khả năng gây mất sức nghe sẽ không phát hiện những thay đổi của khả năng nghe ở giai đoạn sớm nhất.
Như đã nói ở trên rằng ù tai là triệu chứng dễ thấy nhất, tuy nhiên lại có nhiều thuốc gây mất sức nghe nhưng không gây ra sự ù tai.
Sự mất sức nghe có thể xảy ra vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Có rất nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng đến tác động của những loại thuốc gây mất sức nghe trong hệ thống thính giác.
Đó là sự mất sức nghe sẵn có, tác động của tiếng ồn trong và sau khi sử dụng những thuốc gây giảm thính lực, khoảng thời gian dùng thuốc, chức năng thận, phóng xạ và những sự tương tác với các loại thuốc khác.
 Thăm khám bác sĩ ngay khi thấy sức nghe có vần đề sau khi dùng một loại thuốc nào đó
Một số biện pháp phòng suy giảm sức nghe
- Trẻ đưới 12 tuổi không nên sử dụng aspirin. Nếu đau và sốt, trẻ có thể uống paracetamol (acetominophen).
- Quinine và chloroquine (được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét) đôi khi có thể làm mất khả năng nghe ở người uống chúng.
- Nếu một người mẹ sử dụng thalidomide trong thời gian mang thai (để điều trị bệnh ung thư, bệnh phong, hoặc các tình trạng liên quan tới HIV/AIDS) thì có thể gây nên những vấn đề trầm trọng cho con, trong đó có những vấn đề về nghe.
- Chỉ sử dụng thuốc nhỏ tai khi có chỉ định của thầy thuốc tai mũi họng.
- Giúp người mẹ tránh sử dụng một số thuốc có thể gây tật điếc trong thời gian mang thai. Nguời mẹ mang thai nên luôn luôn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi uống thuốc trong thời gian mang thai.
- Thông báo với bác sĩ ngay khi bạn cho rằng thuốc đó đang ảnh hưởng đến sức nghe.
- Không cho phép sử dụng tiêm thuốc kháng sinh các nhóm có nguy cơ gây điếc khi không được bác sĩ chỉ định.
Theo TS.BS Phạm Thị Bích Đào/Gia đình mới

>> xem thêm

Bình luận(0)