Can thiệp tim nhanh kịch phát trong 32 phút

Google News

(Kiến Thức) - Các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư vừa lập kỷ lục khi chỉ mất 32 phút can thiệp đã điều trị thành công tim nhanh kịch phát nguy kịch ở trẻ sơ sinh 15 ngày tuổi.

Cơn tim nhanh kịch phát trên thất
Bệnh nhân là cháu Nguyễn Anh Đức (15 ngày tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện lúc 4h chiều ngày 15/8/2016 với biểu hiện quấy khóc, không đi ngoài được (chậm đi ngoài), khó thở, tim đập nhanh (nhịp tim 260 lần/phút), da tái. Sau một giờ vào viện, tình trạng trẻ bỗng nặng lên, li bì, da tái. Ngay lập tức, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản và chuyển bé đến Khoa Hồi sức sơ sinh, cho thở máy, chẩn đoán theo dõi sốc tim. Sau đó, trường hợp này đã được hội chẩn tim mạch và được chẩn đoán: Cơn tim nhanh kịch phát trên thất.
Can thiep tim nhanh kich phat trong 32 phut
Rút ống nội khí quản ngay tại giường. 
BS Quách Tiến Bảng, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sau khi được chẩn đoán “Cơn tim nhanh kịch phát trên thất”, em bé đã được cắt cơn bằng thuốc tiêm truyền nhưng kết quả kém. Khi chuyển sang dùng thuốc bằng đường uống thì có đáp ứng, tim về bình thường. Bé tiếp tục được hội chẩn can thiệp thăm dò và triệt đốt cơn tim nhanh, bởi nếu chỉ dùng thuốc, cơn tim nhanh có nguy cơ tái phát, rất nguy hiểm.
Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm Can thiệp Tim mạch và Điện sinh lý, Bệnh viện Nhi T.Ư, sau khi gây mê, bé đã được triệt đốt đường phụ nhĩ thất bên trái qua vách liên nhĩ. Việc triệt đốt được thực hiện vào ngày 25/8. Ca này có khó khăn là trẻ sơ sinh, cơ thể non, quả tim bé, các mạch máu rất mỏng manh... Trên cơ thể non và mỏng manh, các mạch máu nhỏ như vậy, nếu không khéo léo rất dễ gây tổn thương trong quá trình can thiệp. Tuy vậy, bằng kinh nghiệm và sự khéo léo, chỉ 32 phút, ca triệt đốt đã thành công, cơn tim nhanh kết thúc đột ngột. Em bé được rút ống nội khí quản ngay tại giường. Sau 2 giờ, cháu bé đã bú mẹ bình thường. “Vết tích” của ca triệt đốt chỉ là 3 lỗ nhỏ trên cơ thể giống như vết kiến cắn.
Khả năng tái phát thấp
Ngày 26/8/2016, tiếp xúc với phóng viên KH&ĐS, mẹ em bé không giấu được sự vui mừng khi con mình đã được các bác sĩ can thiệp tim mạch thành công. Mẹ bé cho biết, khi bé sinh ra, bác sĩ cho biết có “tăng âm đường ruột”, e ngại vấn đề tắc đường ruột. Thời điểm đưa bé vào viện, mẹ bé thấy con có biểu hiện khó chịu, lại đã 3 ngày không đi ngoài... nên đưa đến viện, nghĩ rằng chỉ có vấn đề đi vệ sinh của bé... Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Hải, trước đây, một ca can thiệp tim mạch như vậy ở trẻ nhỏ thường mất 3 - 4 tiếng; ca nào nhanh cũng mất 90 phút. Đạt được kỷ lục 32 phút/ca như thế này đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ và sự hoàn thiện của kỹ thuật can thiệp. Bên cạnh đó là sự phối hợp thuần thục của cả ê kíp. Bản thân bác sĩ Hải rất vui vì lần đầu tiên có một ca triệt đốt thành công trong thời gian ngắn kỷ lục. Do thời gian can thiệp ngắn nên giảm nguy cơ nhiễm trùng; thời gian chiếu tia ngắn nên giảm tác hại của tia X...
Can thiep tim nhanh kich phat trong 32 phut-Hinh-2
Em bé đã được điều trị thành công. 
Theo các bác sĩ, trường hợp can thiệp như cháu Anh Đức thì khả năng tái phát rất thấp (dưới 5%). Trước đây, khi chưa có kỹ thuật triệt đốt cơn tim nhanh bằng sóng cao tần, trẻ sơ sinh có cơn tim nhanh kịch phát dễ bị sốc tim, nguy hiểm đến tính mạng. Cơn tim nhanh có thể xuất hiện ngay từ khi trẻ trong bào thai (qua siêu âm tim có thể phát hiện ra). Cơn tim nhanh cũng có thể là nguyên nhân gây phù hay thai chết lưu... Khi phát hiện trẻ có vấn đề bất thường như quấy khóc, da tái, nhịp thở nhanh... cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức để các bác sĩ chẩn đoán, can thiệp kịp thời.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):
Lâm Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)