Cái kết đắng lòng khi nhờ mẹ đẻ chăm lúc ở cữ

Google News

Là con gái, đừng vì vẻ hào nhoáng của một ai đó mà vội nhận lời cầu hôn, hãy nhìn cả cách anh ta đối xử với gia đình, với bè bạn mỗi khi gặp chuyện!

Hóa ra, phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng. Câu nói đó, liệu rằng có chính xác không? Đối với bạn, tôi không biết, còn bản thân thì tôi từng được nếm trải và cảm thấy rất đúng. Câu chuyện mà tôi muốn kể sau đây là một minh chứng về điều ấy.
Ngày nay, tình yêu nơi công sở, có lẽ, là một gam màu ổn định đối với tôi, bởi nó không quá thơ ngây như tình yêu thời sinh viên, nhưng cũng không quá tính toán đến rợn người như các cặp quen nhau khi đã ngót ngét ba mươi tuổi. Năm ấy, ngày mới chân ướt chân ráo vào công ti ở Sài Thành, chính anh là người đã từng bước từng bước một giúp đỡ tôi từ ngày này qua ngày khác. Vì tôi là một đứa mù công nghệ, anh lại làm quản lí trưởng mảng IT của công ti chuyên cài đặt phần mềm máy tính có tiếng. Bất ngờ thay, việc tôi được giao lúc bấy giờ lại là phụ trách mảng bán hàng cho công ti qua mạng đòi hỏi phải giỏi kĩ thuật xử lí vi tính nhanh nhẹn nhằm quảng cáo sản phẩm đến mọi người, tạo đơn hàng cho khách một cách nhanh chóng nhất.
Ảnh minh họa: Internet. 
Lần sinh nhật thứ 23, tôi gặp anh ở quán nhậu – nơi tôi muốn tự mình đón sinh nhật một cách lặng lẽ nhất. Bạn hỏi sao tôi lại chọn cách đón sinh nhật âm thầm như vậy ư? Bởi gã khốn mang tên Nguyên, người yêu cũ đã bỏ tôi mà đi. Hắn ta theo Huyền- người con gái khác giàu có hơn, đẹp đẽ hơn, danh giá hơn, quan trọng cha cô ta là giám đốc công ty mà hắn ta đang theo làm. Hắn ta nói, một cô gái mới ra trường đi làm như tôi không đủ tư cách đi cùng hắn đến lễ đường của hôn nhân. Người mà hắn chọn phải là một cô nàng có hậu thuẫn đủ để giúp cho sự nghiệp hắn ngày một thăng tiến. Ồ, anh ta tốt nghiệp hạng ưu khoa Mỏ truyền thống của đại học Mỏ, Địa chất từ bao giờ vậy nhỉ? Ồ, anh ta, từ khi nào lại xem thường tôi đến thế kia chứ? Nếu thấy tôi vô dụng, tại sao ngay từ ban đầu còn quen? Nếu thấy tôi chẳng đủ khả năng cho anh ta một gia đình đúng nghĩa đủ đầy vật chất, tại sao, anh ta còn quen tôi tận mấy năm để được gì, được gì cơ chứ? Tại sao lại có thể tệ bạc đến như vậy, tại sao lại đối xử với người cùng anh vượt qua thời gian anh thất nghiệp do không tìm được việc đến thế kia cơ chứ? Tại sao?
Mãi suy nghĩ, tôi mệt mỏi nằm gục xuống bàn mà khóc, khóc cho quên sầu, quên đi nỗi nhớ về Nguyên, về những quán xá chúng tôi từng hẹn, về các con phố tôi và Nguyên cùng nhau trao nụ hôn ngọt ngào lẫn đắm say, về từng cái nắm tay ấm áp trong mùa đông giá lạnh. Tóc tai rối bời, năm chai bia nằm ngổn ngang dưới đất, tôi chẳng buồn để ý, bởi giờ đây ngoài hắn ta thì chẳng còn điều gì khiến tôi đau đớn hơn thế nữa. Đúng là, Nguyên đã bỏ tôi thật rồi. Ừ, đã không còn như trước nữa. Tôi liếc mắt nhìn quanh, thầm thở phào nhẹ nhõm vì nãy giờ không ai hay biết bộ dạng thảm hại của tôi. Cũng đúng thôi, quán này quá nhỏ, lại nằm trên đoạn đường hẻo lánh, gập ghềnh khó đi với trời thì mưa ào ào như trút nước. Thời điểm này, có mấy ai đủ kiên nhẫn mà ra đây để nhậu? Đã thế, tôi còn chọn góc khuất tít sau quán mà ngồi ôn lại kỉ niệm. Cầm điện thoại, lướt tin nhắn, không một tin nào được gửi đến cả, tôi cười nhạt. Người đã đi thì đi rồi, sao vẫn móng ngong? Biết không còn sớm, tôi kêu chủ quán tính tiền, trước mặt tôi khi ấy lại là anh – Long:
_ Bác Hải chủ quán đâu rồi anh? Sao em chưa từng thấy anh làm ở đây nhỉ?
_ Bác Hải về quê có việc gấp, anh chỉ ra ngó quán đêm này phụ thôi.
_ Dạ, tính tiền giùm em!
_ 225 ngàn nha em!
Tôi lục lại ví, bỗng phát hiện mình thiếu mất hai chục, khẽ ngẩng lên nhìn anh, tôi lí nhí:
_ Dạ, em…em đem thiếu tiền…
_ Vậy lần sau trả cũng được, em là khách quen đúng không?
_ Dạ.
_ Em vui lòng ghi tên và số điện thoại vào sổ này phụ anh nhé!
_ Vâng…
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Long, người mà tôi chọn làm chồng. Sau đó, anh tặng tôi một chiếc áo mưa để mặc đi về bởi khi nãy tôi chủ quan quên đem theo. Hành động ân cần đó của anh, đã bước đầu tạo nên sự rung động trong trái tim vốn như vỡ ra hàng nghìn mảnh của tôi. Kể từ đó, tôi siêng đến quán nhưng chỉ thấy mỗi bác Hải còn anh ở đâu tôi không hề hay biết. Cuối cùng, vì nửa muốn quên đi gã sở khanh đó, nửa muốn tìm một bờ vai vững chắc để dựa vào nên tôi mặt dày xin số anh từ bác Hải.
Rốt cuộc, sau nửa năm làm anh em, anh chính thức tỏ tình với tôi. Yêu nhau không lâu, tại nhà hàng ở Sài Gòn – nơi tôi đang công tác xa quê, anh quì xuống và cất lời cầu hôn tôi. Anh thừa nhận rằng, anh yêu tôi nhiều lắm. Anh nói rằng, tình cảm anh dành cho tôi, anh không muốn nói nhiều, chỉ muốn thể hiện bằng hành động cho tôi hiểu. Và tôi thật sự rất hạnh phúc trong cái giây phút anh quì xuống cầu hôn tôi trước mọi người. Từ đó, tôi và anh chính thức về chung một nhà với sự chúc phúc của gia đình đôi bên. Ngày anh rước dâu, tôi còn nhớ vẻ mặt của mẹ nơi quê nhà đầy lo âu và khắc khoải khi tự tay đem đứa con gái mình nuôi nấng bấy lâu về nhà chồng nơi đô thị phồn hoa. Tôi muốn đón mẹ về sống chung với vợ chồng, với gia đình chồng nhưng mẹ chối từ, mẹ bảo rằng mẹ thích không khí yên bình thôn quê, mẹ đã quen với hàng xóm lâu năm nơi đây rồi. Tôi tôn trọng quyết định của mẹ, vậy nên tôi theo chồng về Sài Gòn.
Đối với việc làm dâu xa nhà, tôi vốn không buồn nhiều. Bởi năm ấy, một khi tôi chấp nhận học Đại học thì tôi đã xác định mình sẽ ở Sài Gòn lâu dài để làm việc. Quãng thời gian từ năm đầu Đại học đến tận bây giờ, cũng đủ để tôi đỡ mít ướt mỗi khi nhớ về mẹ mà tập trung lo cho gia đình, cho sự nghiệp.
Và rồi, đến ngày tôi ở cữ, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Tôi bỗng thấy nhớ mẹ kinh khủng, nhớ lắm từng món ăn mẹ nấu nơi quê nhà, nhớ lắm vòng tay ấm áp của mẹ mỗi khi tôi gặp chuyện lại dang rộng mà an ủi. Vậy nên, tôi bèn nhờ mẹ già dưới quê lên chăm sóc, tiện thể phụ tôi làm việc nhà. Từ đó, mọi chuyện đã không còn như trước.
Ngày mẹ tôi lên thành phố, không một ai ra đón trừ tôi. Mẹ tôi ở nhà thông gia nên rất giữ ý, bà ăn chẳng dám ăn mà làm thì quần quật suốt từ sáng đến tối. Không những thế, buổi sáng, khi cả nhà vẫn đang ngủ, mình mẹ dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả gia đình. Tuy nhiên, vì là người dân dã thôn quê, quanh năm không ra khỏi lũy tre làng nên những món ăn mẹ nấu không hợp với những người thành phố như gia đình chồng. Vì thế, thay vì cảm ơn mẹ vợ, mọi người lại tỏ ra khó chịu với sự nhiệt tình của bà. Càng ngày, họ coi mẹ tôi chẳng khác gì người giúp việc trong nhà. Hễ thấy mẹ làm gì chướng mắt là lại la ó om sòm với điệp khúc “bà là người nhà quê, bà chẳng biết gì cả, đừng có đụng tay vào kẻo hỏng”.
Đỉnh điểm, có lần bố chồng đi vắng, nhà còn 2 mẹ con, mẹ tôi bật TV xem đỡ chán nhưng vừa bật thì bỗng nhiên 1 tiếng nổ nhỏ vang lên, màn hình tivi tối sầm lại và mùi khét bốc lên. Cùng lúc đó mẹ chồng từ nhà vệ sinh đi ra thấy vậy liền to tiếng, bảo:
_ Bà đúng là phá hại, bà có biết cái tivi bao nhiêu tiền không? Bán cả cái nhà rách nát của bà đi cũng chẳng đủ đền đâu, mọi hôm chả sao tự dưng làm cháy TV…
Khi ấy, mẹ tôi đứng như trời trồng, miệng lắp bắp xin lỗi. Tức nước vỡ bờ, tôi thấy mà xót nên chạy lại với ý định can ngăn mẹ chồng đừng nói nữa.
Tuy nhiên, vừa nhìn thấy tôi, bà ta càng lên cơn thịnh nộ nên ra sức kêu gào vì tiếc của. Đến lúc mẹ chồng nói là rước về toàn lũ ăn hại, nhìn đã thấy ngứa mắt thì tôi không chịu được nữa liền to tiếng với bà, mẹ đẻ vào can thì bà ta còn cầm tay tôi và kéo cả mẹ tôi đuổi ra khỏi nhà vì dám cãi lời. Giọt nước tràn li, tôi giận lắm, định ôm theo cả con bỏ đi nhưng mẹ can ngăn. Mẹ nói, ở quê tôi, gái một đời chồng, mang tiếng cả đời. Mẹ cứ ra sức xin lỗi bà ta để bà ta đừng chấp con dâu. Còn mẹ, nếu bên chồng thấy mẹ vô dụng quá thì mẹ xin về.
Lúc ấy, khi biết quyết định rời đi của mẹ và thái độ của gia đình nhà chồng, tôi quá sốc bèn ốm nặng. Đêm đến, mình mẹ bắt xe buýt về quê, mẹ nói rằng từ giờ tôi phải sống hạnh phúc bên chồng con, đối với mẹ, như vậy là đủ. Còn việc thông gia đối xử tệ bạc như vậy, mẹ dặn tôi đừng phản kháng. Nhưng tôi vui vẻ sao nổi trong chính căn nhà mà ai cũng đối xử phũ phàng với mẹ ruột của mình? Kể cả anh, cũng hắt hủi mẹ, cũng chẳng bao giờ nói tốt cho mẹ lấy nửa lời. Lần nào mẹ tôi bị mẹ chồng nói nặng, chồng còn hùa theo, a dua thêm mắm dặm muối.
Cuối cùng, tôi lựa chọn phương án ly hôn. Bởi sau đó, tôi biết một sự thật trắng trợn là Long chỉ giả vờ tử tế với tôi vì tôi là một con cờ hái ra tiền trong tay anh ta. Tôi giúp anh ta quảng cáo sản phẩm của công ty anh lập riêng sau khi cưới thành công ngoài mong đợi. Đó là điều mà anh ta chọn cưới tôi sau khi theo dõi sự chuyên nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm nơi công ti cũ tôi làm ngày mới ra trường. Hóa ra, đàn ông trên đời, tử tế chỉ có vài, mà kẻ đểu thì hàng trăm. Long, và cả gia đình bên chồng đều vì cái lợi trước mắt mà chọn tôi làm dâu. Là tôi đã nhìn lầm người.
Là con gái, đừng vì vẻ hào nhoáng của một ai đó mà vội nhận lời cầu hôn, đừng chỉ nhìn cách anh ta đối xử với bạn mà chấp nhận về một nhà mà hãy nhìn cả cách anh ta đối xử với gia đình, với bè bạn mỗi khi gặp chuyện! Đừng chỉ chọn bằng con tim mà còn cần sự tỉnh táo của lí trí để chọn lựa. Bởi hôn nhân, chẳng khác gì một canh bạc, bạn thắng hay thua là do chính bạn chọn!
Theo Nhã My/Phụ nữ Sức khỏe

>> xem thêm

Bình luận(0)