Cách làm rượu nếp cẩm thơm ngon, đơn giản cho Tết Đoan Ngọ 2018

Google News

Rượu nếp cẩm là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thay vì mua ngoài hàng, chị em có thể tự chế biến tại nhà với cách làm cực đơn giản sau, không cần ủ lâu nhưng hương vị vẫn thơm ngon đúng điệu.

Ngày Tết Đoan Ngọ đang gần kề, chị em thi nhau học cách làm các món bánh, xôi, chè… để chiêu đãi cả gia đình. Rượu nếp cẩm sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho mâm cúng vào dịp đặc biệt này.
Rượu nếp cẩm thơm ngon cho ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa: Internet 
Rượu nếp cẩm lên men có vị ngọt của gạo nếp cẩm, vị cay cay của men rượu giúp tiêu diệt các loại sâu bọ, mầm bệnh trong cơ thể, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe cho cả gia đình.
Dưới đây là cách làm rượu nếp cẩm truyền thống đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian để ủ và có thể thực hiện ngay tại nhà:
Cách làm rượu nếp cẩm cực đơn giản tại nhà
Nguyên liệu
- 500g gạo nếp cẩm
- 1,5 cái men ngọt
- Lá chuối hoặc lá sen
Hướng dẫn thực hiện:
Gạo nếp cẩm đem ngâm trong nước khoảng 8-10 tiếng để gạo nở đều. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn nên ngâm qua đêm. Đây chính là bí quyết giúp gạo nếp cẩm nhanh mềm và chín khi nấu.
Sau khi ngâm, gạo nếp cẩm vo sạch rồi nhặt bỏ các hạt bị hỏng. Cho phần gạo đã chuẩn bị vào nồi cơm điện, thêm nước xâm xấp mặt là được. Trong thời gian nấu, nếu nước cạn mà gạo chưa chín mềm, bạn có thể cho thêm nước sôi vào và nhấn nút nấu lần nữa.
Khi cơm nếp cẩm đã chín, bạn xới ra đĩa to rồi dàn mỏng cơm để nhanh nguội.
Tiếp đến, bạn cần chuẩn bị phần men làm cơm rượu. Men đem cạo hết lớp vỏ trấu và vỏ nâu ở bên ngoài rồi cho men vào cối giã thành bột mịn. Dùng rây rắc đều men lên mặt cơm nếp cẩm đã nguội.
Sử dụng đũa hoặc tay trộn đều men với gạo rồi gói kín trong lá chuối hoặc lá sen đều được (lưu ý, bạn nên đục một vài lỗ trên lá).
Dùng bình hoặc thùng xốp để ủ rượu nếp cẩm. Đặt vào thùng xốp một chiếc đĩa sâu rồi cho phần cơm gạo nếp cẩm đã gói lá chuối vào. Đậy kín nắp và ủ trong 2 ngày để cơm tiết ra nhiều nước và có mùi thơm của men rượu đặc trưng.
Sau khoảng thời gian này, nếu không muốn rượu nếp cẩm lên men thêm vì khi ăn có thể dễ say thì có thể lấy ra cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.
Bạn có thể ăn rượu nếp cẩm trực tiếp hoặc kết hợp với sữa chua. Đây là món ăn bổ dưỡng, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, đồng thời giúp làm đẹp da… nếu bạn thường xuyên sử dụng.
Chúc bạn thành công với cách làm rượu nếp cẩm thơm ngon cho ngày Tết Đoan Ngọ cực đơn giản này nhé!
Theo Đông Anh/PNSK

>> xem thêm

Bình luận(0)