10 món ăn truyền thống khiến du khách hoảng hồn

Google News

Những món ăn truyền thống có từ lâu đời khiến du khách hãi hùng.

Phân gà gô trắng xám (Canada)
 
Gà gô trắng xám là loài chim lớn sống ở Bắc cực. Đây là món ăn truyền thống một nguồn thực phẩm có giá trị của người Inuit ở Bắc Canada, bởi không giống như những loài di cư khác, gà gô trắng xám thường ở lại chống chịu với mùa đông khắc nghiệt.
Chính vì sự quan trọng đó mà người Inuit luôn tìm mọi cách để tận dụng tất cả các bộ phận của gà – thậm chí là sử dụng phân của nó. Trước khi dùng, phân được làm tan băng và sấy khô. Sau đó, chúng sẽ được xay nhuyễn với thịt hải cẩu cùng một số loại tinh dầu.
Shiokara – Hải sản trộn ruột lên men (Nhật Bản)
 
Ẩm thực Nhật Bản luôn đa dạng và chứa đầy những điều thú vị. Một ví dụ điển hình cho điều này là món shiokara. Đây là món ăn hải sản trộn với chính ruột lên men của nó. Kết quả của quá trình là một hỗn hợp nhìn khá “kinh dị” với kết cấu dai, mịn như bùn. Phiên bản phổ biến nhất của shiokara là làm từ mực và thường được dùng như đồ nhắm trên bàn rượu.
Rượu máu rắn (Indonesia)
 
Trên đường phố của thủ đô Jarkata, Indonesia, có rất nhiều cửa hàng rắn hổ mang mở cửa từ lúc hoàng hôn cho tới tận sáng hôm sau. Tại đây luôn tấp nập khách tới để thưởng thức thức uống đặc biệt – rượu chiết xuất từ cây cọ trộn với máu rắn hổ mang.
Những con rắn đen sẽ được nhốt trong những chiếc hộp. Khi đủ lượng khách, đầu bếp sẽ dùng dao cắt đầu rắn và cho máu ra cốc. Xác rắn sau khi dùng xong sẽ được nướng lên làm đồ nhắm rượu.
Bodog (Mông cổ)
 
Bodog là một món ăn truyền thống kinh dị của Mông cổ. Để chế biến món ăn này, người ta sẽ rút xương của bò và cừu qua đường cổ họng. Sau đó đá nóng cháy sẽ được lấp đầy phần thịt để chúng được chín từ trong ra ngoài.
Sinh tố cóc (Peru)
 
Jugo de rana hay còn gọi là “Sinh tố cóc” là món ăn truyền thống của Peru. Cách làm món ăn rất đơn giản, chỉ cần cho cóc đã làm sạch cùng mật ong, gia vị vào máy xay và xay nhuyễn.
Vì món ăn đặc biệt này mà số lượng cóc tại Peru đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao và cũng là món ăn có từ lâu đời nên người dân đã bỏ qua cảnh báo, bất chấp nỗ lực của chính phủ.
Bánh quy làm từ…ong bắp cày (Nhật Bản)
 
Một món ăn kì lạ khác đến từ Nhật Bản là món bánh quy nướng làm từ ong bắp cày. Những con ong sẽ được luộc, làm khô và trộn với những nguyên liệu truyền thống để tạo thành bánh. Một số du khách đã thưởng thức món ăn cho biết nó có vị giống nho khô và khi ăn có thể bị mắc chân của những con ong vào răng.
Trứng luộc bằng nước tiểu trẻ con (Trung Quốc)
 
Trứng được luộc bằng nước tiểu bé trai là một món ăn truyền thống ở một số vùng thuộc Trung Quốc. Cứ đến mùa xuân, nước tiểu của những bé trai dưới 10 tuổi sẽ được thu thập và dùng cho việc luộc trứng. Người ta tin rằng những quả trứng đặc biệt này sẽ tăng cường việc lưu thông máu và phục hồi năng lượng trong cơ thể.
Bánh đầu cá (Anh)
 
Chiếc bánh làm từ đầu của những chú cá mòi, được nướng cùng với trứng và khoai tây là món ăn truyền thống ở Anh. Món ăn có nguồn gốc từ ngôi làng Mousehole ở Cornwall và các cư dân trong làng dùng món này để ăn mừng những người anh hùng đánh bắt cá trong thời tiết bão khắc nghiệt.
Mặc dù có một vài biến thể với các loại cá khác nhau, nhưng nhìn chung chúng vẫn giữ nguyên hình dáng độc đáo của mình bằng cách để những chiếc đầu (hoặc đôi khi là đuôi cá), nhô ra ngoài khỏi lớp vỏ bánh để chúng như trông giống đang nhìn lên trời.
Jumiles (Mexico)
 
Vào tháng 11 hàng năm, người dân tại vùng Taxco, Mexico sẽ tụ tập để chòa mừng lễ hội ẩm thực quan trọng nhất trong năm. Lễ hội sẽ khiến cả thành phố bừng dậy với những mùi hương tỏa ra từ các món ăn hấp dẫn. Một trong số chúng là Jumiles – món chứa loài côn trùng xanh giòn trứ danh vùng Tây Nam Mexico.
Điểm đặc biệt của nó so với những món ăn côn trùng khác là côn trùng sẽ không qua chế biến mà ăn sống ngay. Jumiles sống có vị quế và thường được thêm vào taco, tuy nhiên cũng có thể nghiền và chiên trong chính chất nhờn của côn trùng để giúp nó dễ ăn hơn.
Mắt cá ngừ (Nhật Bản)
 
Maguro no medamani là món ăn Nhật Bản được chế biến từ mắt cá ngừ. Để chế biến, người ta thường luộc hoặc hầm để chúng có độ dai sau đó ướp cùng với gừng, muối và chúng có vị na ná mực.
Theo Đỗ Hiếu/Dân Việt

Bình luận(0)