Truy nguyên nhân khó chữa béo phì

Google News

(Kiến Thức) -Xúc xích, bánh kẹo, nước uống có ga… chứa phụ gia khiến cho người ăn bị béo phì và rất khó kiểm soát, điều trị do bị rối loạn chuyển hóa.

Trao đổi với KH&ĐS, TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Thực phẩm, Viện Công nghệ sau thu hoạch khuyến cáo, xúc xích, bánh kẹo, nước uống có ga… chứa phụ gia khiến cho người ăn bị béo phì và rất khó kiểm soát, điều trị do bị rối loạn chuyển hóa. Do đó, người dân cần có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế các thực phẩm chứa phụ gia nhằm tránh gặp phải nguy cơ trên.
Truy nguyen nhan kho chua beo phi
Ảnh minh họa. 
Thèm ăn vặt, lười vận động do rối loạn chuyển hóa
Theo ông, những sản phẩm nào thường chứa nhiều phụ gia? Nếu lạm dụng phụ gia có gây ảnh hưởng sức khoẻ gì không?
Phụ gia thực phẩm có nhiều loại và được sử dụng trong khâu sản xuất, chế biến thức ăn với nhiều mục đích khác nhau gồm phụ gia bảo quản, tạo màu, tạo vị... Thực phẩm, đồ ăn chứa nhiều chất phụ gia gồm đồ ăn sẵn, nước uống có ga, bánh kẹo, sữa... Về mặt thương mại và chế biến, phụ gia có nhiều ưu điểm nhưng lạm dụng (ăn nhiều và thường xuyên) dễ gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông có thể nêu một số khía cạnh nào đó về việc lạm dụng chất phụ gia gây ảnh hưởng sức khoẻ?
Các chất này khi vào cơ thể, tùy liều lượng thường có sự tích lũy hoặc đào thải nhất định. Nhưng việc dùng nhiều và thường xuyên sẽ khiến cho cơ thể gặp nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa (gồm rối loạn tiêu hóa và rối loạn chuyển hóa chất).
Quá trình chuyển hóa tiêu hóa khiến cho hệ vi sinh vật biến đổi, việc tổng hợp các chất béo trong cơ thể nhanh hơn nên chúng ta thường hấp thu tốt, thường xuyên cảm thấy nhanh đói, hay thèm ăn, cơ thể mệt mỏi và lười vận động... Điều này khiến các chất vào cơ thể chưa tiêu hao được thông qua các hoạt động hằng ngày như làm việc, suy nghĩ lại được cung cấp tiếp nên dễ dàng dẫn đến béo phì.
Với người vận động nhiều có thể béo ở phần bụng và mông. Còn người ít vận động, ngoài hai bộ phận trên thì bắp tay, bắp chân cũng vì thế sẽ tích lũy mỡ cao hơn... Ngoài ra, khi ăn nhiều các thực phẩm này còn dẫn đến rối loạn chuyển hóa chất, gây mất cân đối nhu cầu cơ thể. Mức ảnh hưởng của quá trình này là vừa gây béo phì vừa gây bệnh như đái tháo đường, mỡ máu, tim mạch...
Khó kiểm soát bệnh lý
Ông vừa phân tích về rối loạn tiêu hóa, vậy còn rối loạn chuyển hóa chất cụ thể là như thế nào?
Chất đạm như thịt, cá... khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đạm tan, chính là axit amin cần thiết cho cơ thể. Nếu thiếu các axit amin này cơ thể sẽ héo dần như cây thiếu chất. Còn tinh bột chuyển hóa thành đường, hay chất béo từ thực vật hay động vật vào cơ thể để cung cấp năng lượng, tạo nên các hormon nội tiết...
Tất cả quá trình này luôn có sự cân bằng theo nhu cầu của cơ thể, số thừa ra sẽ tích lũy ở một phần nào đó của cơ thể hoặc đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi bị rối loạn sẽ gây nên sự mất cân bằng, nơi cần thì không có hoặc nơi không nên có lại nhiều, hoặc chuyển hóa không kiểm soát gây nên bệnh. Tất cả các yếu tố này sẽ dẫn đến khả năng béo phì cũng như các bệnh lý khác.
Như ông nói, các yếu tố trên gây nên tình trạng béo phì. Vậy loại béo phì này có đặc điểm gì khác so với những dạng béo phì khác?
Tôi đã từng tham gia nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này nên hiểu, khi đã bị béo phì do rối loạn chuyển hóa thì muốn kiểm soát cân nặng, nhu cầu ăn hay bệnh tật... sẽ rất khó. Đây cũng là lý do khiến nhiều người ăn ít nhưng vẫn béo hoặc tập thể dục nhưng không giảm cân tốt, thậm chí còn béo hơn. Đặc biệt là có không ít người bị béo phì một cách đáng sợ như đã lên hàng chục cân mà không rõ lý do.
Chúng ta cần làm gì để phòng tránh vấn đề này?
Trước hết, người tiêu dùng cần hạn chế sử dụng các thực phẩm ăn nhanh nói riêng và các chất phụ gia trong thực phẩm nói chung. Nên hướng đến sử dụng thực phẩm an toàn, hữu cơ, tự nhiên không có chất phụ gia, bảo quản... Nên vài tuần mới ăn một lần thực phẩm ăn nhanh thay vì ăn hằng tuần.
Xin cảm ơn ông.
Hiền Dung

Bình luận(0)