Hồ Hoàn Kiếm và bí ẩn lớn chưa thể lý giải

Google News

(Kiến Thức) - Từ khi có hồ Hoàn Kiếm đến bây giờ, chưa bao giờ hồ cạn nước. Nhiều người thắc mắc rằng, không biết hồ lấy nguồn nước nơi đâu, vì sao nước hồ có màu xanh?


Tảo sừng - loài hiếm trên thế giới

Điều khiến nhiều người quan tâm đến hồ Hoàn Kiếm, bởi bốn mùa nước hồ đều có màu xanh trong. "Xưa kia người ta cho rằng nước hồ xanh là do chất tiết của mỏ đồng dưới đáy hồ. Thế nhưng, các nhà khoa học đã chứng minh màu nước hồ xanh là do trong hồ có nhiều chủng tảo lục chứ không phải do có mỏ đồng", PGS.TS Hà Đình Đức cho biết.

GS.TSKH Dương Đức Tiến chuyên gia nghiên cứu tảo hàng đầu Việt Nam cho biết, năm 1967, TS Tiborhortobargyi, Viện trưởng Viện Sinh lý Thực vật Hungary đã tiến hành nghiên cứu tảo hồ Hoàn Kiếm. Ông đã phát hiện ra các taxon (đơn vị trong phân loại học) tảo lục chiếm số lượng áp đảo trong thành phần các loài tảo ở hồ Hoàn Kiếm. Chính vì thế nó đã tạo cho màu nước có màu xanh trong  (lục thủy).

Qua nghiên cứu TS Tiborhortobargyi, đã tìm ra hơn 30 loại taxon (đơn vị loài, dưới loài). Những loài tảo này có nhiều gai ở đầu (tảo sừng). Đây là loài tảo hiếm trên thế giới. Theo GS.TSKH Dương Đức, taxon ở đâu cũng có nhưng chỉ có hồ Hoàn Kiếm có nhiều gai. Năm 1979, GS Dương Đức Tiến bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô đề tài về tảo hồ Hoàn Kiếm. Các nhà khoa học Liên Xô khi đó đánh giá cao đề tài của ông  và coi đó là một công bố mới về loài tảo. Có một chủng tảo Chlorella của hồ Hoàn Kiếm hiện nay đang được lưu giữ tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, chủng tảo này có khả năng chịu nhiệt cao, có thể dùng trong các khoang tàu du hành vũ trụ. Chất trong tảo đó có thể sản sinh ra oxy, hàm lượng dinh dưỡng cao, tạo tuần hoàn trong khoang tàu.

GS.TSKH Dương Đức Tiến nghiên cứu về tảo. 

Bí ẩn chưa thể lý giải

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, nhà nghiên cứu về rùa Hồ Gươm thì hồ Hoàn Kiếm là một đoạn của con sông Hồng cổ sau khi chuyển dòng. Nước hồ xanh ngắt quanh năm nên người xưa gọi là hồ Lục Thủy. Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Minh thế kỷ XV, vua Lê trả thanh kiếm báu cho Thần Rùa, hồ đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm hay gọi nôm na là Hồ Gươm). 

Xưa kia hồ rất rộng và kéo dài từ Hàng Đào xuống tận phố Lò Đúc và đổ ra sông Hồng. Hồ có dáng vẻ hình cung như vầng trăng khuyết nên còn gọi là Nguyệt Hồ, giữa hồ nổi lên doi đất là làng Cựu Lâu (khu vực Hàng Khay ngày nay), trông hồ như hình dáng con bướm, thân bướm là làng Cựu Lâu. Hai cánh bướm là hai phần hồ trên và phần hồ dưới. 

Thời Trần đưa thủy quân luyện tập trên hồ nên gọi là hồ Thủy Quân. Đến thế kỷ XVI, chúa Trịnh dựng phủ chúa với nhiều lâu đài, cung điện xây dựng bên bờ phía Tây của hồ, lúc này nhìn từ phủ chúa ra hồ, phía hồ trên gọi là hồ Tả Vọng (nhìn từ bên trái) và phía hồ dưới gọi là hồ Hữu Vọng (nhìn từ bên phải). Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội, chúng cho san lấp hồ Hữu Vong để mở mang phố xá nên hồ này bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn lại hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Một góc hồ Hoàn Kiếm. 

PGS.TS Hà Đình Đức cho hay, nguồn nước trong hồ Hoàn Kiếm là nước tự nhiên, tương đối ổn định, không bao giờ cạn, đến nay chưa có nhà khoa học nào giải thích được điều đó. Trước đây có người cho rằng hồ Hoàn Kiếm thông với sông Hồng và phụ thuộc vào mực nước sông Hồng. Nhưng thực tế cho thấy, kể cả mùa lũ sông Hồng thì nước hồ Hoàn Kiếm cũng không dâng cao. Những năm đại hạn như năm 1993 hay năm 2004, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội đạt mức thấp kỷ lục nhưng nước hồ Hoàn Kiếm cũng không bị ảnh hưởng đáng kể.

TIN LIÊN QUAN:
TIN ĐỌC NHIỀU:

Đại Cát

Bình luận(0)