Phân biệt ti vi LCD và plasma

Google News

Ti vi  hiện nay ứng dụng hai loại công nghệ chủ yếu là LCD và plasma. Về cơ bản đây cùng là những công nghệ giúp màn hình phẳng, mỏng.

- Hỏi: Tôi muốn mua ti vi màn hình phẳng nhưng không hiểu rõ ti vi LCD và ti vi plasma khác nhau thế nào. Nhờ tòa soạn phân tích rõ. Nguyễn Trung Hà (Thường Tín, Hà Nội).

 
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: Ti vi  hiện nay ứng dụng hai loại công nghệ chủ yếu là LCD và plasma. Về cơ bản đây cùng là những công nghệ giúp màn hình phẳng, mỏng. Màn hình tinh thể lỏng LCD sử dụng một ánh sáng nền phát quang để gửi ánh sáng qua các phân tử tinh thể. Ưu điểm của công nghệ này là tái hiện màu sắc tốt, độ sắc nét cao với độ phân giải tự nhiên, màn hình nhẹ, mỏng, độ bền cao.
 
Tuy nhiên, màn hình LCD lại có nhược điểm là độ phân giải không thay đổi, độ tương phản kém, góc quan sát của màn hình cũng có thể bị hẹp đối với một số model cũ. Trong khi đó, màn hình sử dụng công nghệ plasma là một mạng phosphor đỏ, lục và lam được gắn giữa hai lớp thủy tinh mỏng. Màn hình plasma phẳng và kích thước màn hình lớn, hình ảnh rất đẹp. Tuy nhiên, loại màn hình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng, tuổi thọ thấp - chỉ khoảng 15.000 giờ so với màn hình LCD có thể lên đến 60.000 giờ.

Với những đặc điểm khác biệt như vậy, ti vi plasma hình ảnh thường có gam đen tuyền rất đẹp, phù hợp đặt ở những hội trường lớn hay ở đại sảnh, nơi có nhiều ánh sáng. Trong khi đó, ti vi LCD cho hình ảnh sáng màu hơn, phù hợp lắp đặt trong phòng khách hoặc phòng ngủ gia đình.
 
Tuy nhiên, hiện nay, ti vi LCD với đèn nền cải tiến, dùng các diode phát sáng (LED) để chiếu sáng màn hình cũng cho hệ số tương phản tương tự như ti vi plasma và tiêu thụ ít điện năng hơn. Độ mỏng của màn hình led cũng được cải thiện rất nhiều so với chiếc LCD thông thường - có thể mỏng hơn đến 70%. Đèn nền led không sử dụng chất thủy ngân như đèn CCFL trong màn hình LCD nên thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, các mối hàn bo mạch của màn hình led cũng giảm thiểu việc sử dụng chì, thay vào đó là các hợp kim khác như bạc, đồng... vốn có khả năng truyền dẫn tốt hơn và ít độc hại hơn, dù chi phí cao hơn. 
        
K.Lê (ghi)

Bình luận(0)