“Sát thủ bóp cổ Boston“: Bí ẩn chưa có lời giải

Google News

Tháng 6/1962 đến tháng 1/1964, 13 phụ nữ độc thân ở Boston, tuổi từ 19 đến 85 bị sát hại. Cảnh sát gọi thủ phạm là “Sát thủ bóp cổ Boston”.

Kết quả điều tra cho thấy hung thủ "hoá thân” thành thợ sửa chữa hoặc người giao hàng để đột nhập, ra tay sát hại nạn nhân. “Họ bị cưỡng hiếp, được phát hiện trong tình trạng lõa thể. Nguyên nhân cái chết được xác định là do bị thắt cổ, đôi khi do vết dao. Đặc biệt, hung thủ thường thắt nơ cổ trang trí cho nạn nhân bằng bít tất hoặc vỏ gối”, trang Crime Museum miêu tả.
"Sát thủ bóp cổ Boston"
Ngày 14/6/1962, người dân Boston hân hoan chào đón sự trở về của Alan Shepard, phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Cùng thời điểm này, thành phố bất ngờ bị phủ lên một màu u ám khi cảnh sát phát hiện cái chết của Anna E. Slesers, bà mẹ đơn thân 56 tuổi.
Xác nạn nhân được phủ bởi chiếc áo choàng. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nạn nhân xấu số bị xâm hại tình dục. Bà Anna bị hung thủ đánh mạnh, bóp cổ. Hắn thắt cổ người phụ nữ này bằng sợi dây áo choàng.
Hiện trường có vẻ giống như một vụ cướp. Ví của Anna bị vứt trên sàn và mọi thứ bên trong vương vãi khắp nơi. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ vàng và nhiều đồ vật có giá trị vẫn nguyên vẹn. Máy quay đĩa vẫn chạy nhưng loa đã tắt. Do đó, cảnh sát đưa ra giả thuyết đây có thể là “vụ cướp bất thành”.
Hai tuần sau, trong một khu nhà ở Newhall Street, thi thể nữ y tá về hưu 65 tuổi, Helen Blake, được tìm thấy trong tình trạng không mảnh vải che thân. Bà cũng bị thắt cổ với chiếc áo lót cuốn quanh, được thắt một chiếc nơ ở dưới cằm.
Cùng ngày, cảnh sát phát hiện xác của bà Nina Nichols, 68 tuổi, trong chính ngôi nhà của mình ở khu vực Brighton. Nạn nhân được xác định bị thắt cổ bằng túi nylon sau khi bị hãm hiếp. Cảnh sát nhận định hung thủ nắm rất rõ những thông tin cá nhân của bà Nichols.
Sau những vụ giết người tàn bạo này, Cảnh sát trưởng Edmund McNamara cảnh báo phụ nữ trong thành phố nên khoá cửa khi ở nhà và thận trọng với những kẻ lạ mặt. Cảnh sát không được nghỉ phép bởi tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Kể từ đó, hơn chục vụ việc khác đã diễn ra. Nạn nhân phần lớn là những người phụ nữ đơn thân, sống một mình. Cảnh sát Boston gọi thủ phạm là “Sát thủ bóp cổ Boston”.
“Sat thu bop co Boston“: Bi an chua co loi giai
Albert DeSalvo - “Người đàn ông mặc đồ xanh”. Ảnh: The New York Times. 
"Người đàn ông mặc đồ xanh"
Tháng 3/1964 diễn ra một loạt các vụ tấn công và xâm hại mới ở các bang Massachusetts, Connecticut, New Hampshire và Rhode Island. Lần này, nạn nhân chủ yếu là những nạn nhân trẻ.
Chưa đầy 8 tháng, đã có 25 lá đơn được gửi tới các sở cảnh sát, tuy nhiên kẻ sát nhân vẫn bặt vô âm tín.
Cảnh sát New England gọi kẻ gây án là “Người đàn ông mặc đồ xanh”, bởi tên này thường mặc bộ quần áo lao động màu xanh và tự giới thiệu là công nhân sửa chữa nhà.
Theo hồ sơ, tháng 10/1964, một cô gái trẻ là nạn nhân của “Người đàn ông mặc đồ xanh” đến gặp cảnh sát báo lại rằng, một gã tự nhận là thám tử xông vào nhà và có hành vi xâm hại tình dục với cô. Theo mô tả, cảnh sát xác định được, hắn chính là Albert DeSalvo. Sau khi ảnh của DeSalvo được in trên báo, nhiều phụ nữ khác xác định tên này chính là kẻ tấn công họ.
Albert DeSalvo được xác định từng thực hiện những vụ án xâm hại tình dục tại Cambridge, Massachusetts. Hắn tìm gặp những cô gái trẻ, nói với họ rằng đang tìm kiếm gương mặt mới cho các công ty người mẫu. Nếu ai cảm thấy hứng thú, họ sẽ phải đồng ý cho hắn động chạm, kiểm tra các số đo trên cơ thể.
Vào tháng 3/1960, Albert DeSalvo bị đưa ra vành móng ngựa và kết án 18 tháng tù. Tuy nhiên chỉ 11 tháng sau, tên này được tại ngoại do cải tạo tốt.
Cảnh sát tin rằng, ngay sau khi ra tù, DeSalvo đã bắt đầu thực hiện hàng loạt những vụ tấn công các cô gái trẻ trên khắp 4 bang của nước Mỹ.
Những nghi ngờ chưa có lời giải
Khi bị bắt và được tới Bệnh viên tâm thần Bridgewater để theo dõi tâm lý, DeSalvo kết bạn với George Nassar, một kẻ giết người hàng loạt khác. Cả 2 thống nhất sẽ chia đôi số tiền thưởng nếu một trong 2 tự nhận mình là “Sát thủ bóp cổ Boston”. DeSalvo đồng ý làm việc đó.
Tháng 11/1964, DeSalvo nói với luật sư của mình rằng hắn muốn “kể cho ông nghe vài điều khủng khiếp”. Gã trai khẳng định mình chính là "Sát thủ bóp cổ Boston" nhưng vị luật sư lại không tin điều đó. Nam thanh niên kể chi tiết những vụ gây án với cảnh sát, từ trang phục của nạn nhân cho đến từng căn hộ hắn đã từng đột nhập vào.
Dù vậy, vẫn chưa có mối liên hệ thực sự nào giữa Albert DeSalvo và “Sát thủ bóp cổ Boston”. Do còn nghi ngờ, cảnh sát đã phải đưa Gertrude Gruen, một nạn nhân đến nhận dạng. Quan sát Albert DeSalvo, Gruen khẳng định DeSalvo không phải là người hãm hại cô.
Do không có bằng chứng cụ thể, Albert DeSalvo không được công nhận là “Sát thủ bóp cổ Boston”. Tuy nhiên, hắn vẫn nhận án chung thân vào năm 1967 với những vụ phạm tội dưới mác “Người đàn ông mặc đồ xanh”. DeSalvo bị quản thúc tại nhà tù Walpole và bị đâm chết chỉ 6 năm sau đó.
Sau gần 50 năm, vụ án “Người đàn ông mặc đồ xanh” đã kết thúc, nhưng ai là “Sát thủ bóp cổ Boston” vẫn còn là điều bí ẩn.
Tháng 7/2013, Sở cảnh sát Boston bất ngờ phát hiện ra một chi tiết mới, dấu vết DNA của Albert DeSalvo được tìm thấy trong thi thể của Mary Sullivan, nạn nhân cuối cùng của “Sát thủ bóp cổ Boston”.
Sau khi lấy thêm mẫu ADN từ răng và xương đùi của DeSalvo, cảnh sát kết luận hắn chính là kẻ thực hiện vụ hiếp dâm và giết hại Mary Sullivan. Vụ án một lần nữa được lật lại, liệu DeSalvo có nói thật, hắn chính là “Sát thủ bóp cổ Boston” mà cảnh sát vẫn luôn tìm kiếm, một kẻ sát nhân mà sau 50 năm, người ta vẫn chưa tìm ra lời giải.

Theo Thanh Chung/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)