Phát hoảng công thức của chất kịch độc mạnh nhất hành tinh

Google News

“Gu” là một chất kịch độc nổi tiếng của Trung Quốc được sản sinh từ nỗi sợ hãi, và ẩn sau đó là cả một câu chuyện đầy kịch tính.

Phat hoang cong thuc cua chat kich doc manh nhat hanh tinh
Các phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền Nam Trung Quốc bị buộc tội đầu độc những người đàn ông đến từ miền Bắc bằng một chất độc đặc biệt được làm từ những loài vật có chứa nọc độc. 
Vào giữa thế kỷ thứ 18, việc đón nhận sự hiếu khách của những người phụ nữ ở khu vực vùng núi phía Nam Trung Quốc được xem là một mối hiểm họa khó lường. Mọi người truyền nhau các câu chuyện về những người phụ nữ thường quyến rũ lữ khách, phục vụ những người đàn ông các món ăn đã được tẩm một loại chất kịch độc cực mạnh có tên là độc “Gu” khiến những người đàn ông mà họ yêu sẽ không bao giờ quay về ngôi nhà của họ ở phía Bắc.
Dựa trên nội dung những câu chuyện này thì độc Gu có được từ việc bắt nhốt những con rắn, bò cạp và rết độc vào trong một cái lọ và buộc chúng phải chiến đấu và ăn thịt lẫn nhau. Con vật sống sót sẽ có chứa một loại độc tố tổng hợp. Độc Gu được cho là một loại độc có tác dụng chậm. Nghe kể rằng loại độc này không có mùi vị nên các nạn nhân bị trúng độc này sẽ không hề nghi ngờ và vẫn sống bình thường khoảng 10 ngày sau đó cho tới khi họ bắt đầu bị bệnh.
Ở vùng núi, nếu một người bị nhiễm độc Gu và có thể trở lại nhà của người yêu mình trong khoảng thời gian đã hứa thì cô người yêu sẽ cho anh ta thuốc giải độc. Nhưng nếu anh không trở lại, chất độc sẽ phát tác từ trong ra ngoài, khiến “tim và bụng bị sưng và đau do độc tố gây nên” – Marta Hanson, giáo sư về lịch sử y học của đại học John Hopkins viết trong cuốn “Bàn về các loại bệnh dịch trong nền y học Trung Hoa”.
Ngược dòng lịch sử trở về năm 610, Gu cũng được miêu tả là một dạng pháp thuật đen hay ma thuật với việc sử dụng chất độc là yếu tố chủ yếu. Để pha chế ra công thức mạnh làm chất độc Gu cần có “5 loài vật có nọc độc” ở Trung Quốc: rắn, rết, bọ cạp, cóc và nhện độc. Các loại côn trùng, sâu bọ, và bò sát được gọi là “chong” và được cho là những linh hồn ác quỷ hay quỷ dữ có khả năng khống chế con người.
Phat hoang cong thuc cua chat kich doc manh nhat hanh tinh-Hinh-2
Loài rết độc nguy hiểm ở khu vực phía Nam Trung Quốc là một trong những sinh vật thường được dùng để làm ra chất độc Gu. 
Theo lịch sử chất độc Gu có liên quan đến một vài khu vực và nhóm người ở Trung Quốc nhưng phổ biến nhất là từ nhóm phụ nữ ở Lĩnh Nam và Miao – các nhóm dân tộc thiểu số ở miền Nam – và chính những thành kiến của người dân miền Bắc đã tạo ra sự kỳ thị với phụ nữ miền Nam.
Theo Xu Chunfu, một quan lại triều đình từng viết về chất độc Gu năm 1556 thì có một số phương pháp để tạo thành chất độc Gu hoàn hảo. Công thức nổi tiếng nhất đó là thu thập đủ “5 loài vật có độc” khác nhau, nhốt chúng vào một chiếc lọ và để chúng tấn công nhau.
Ngày nay, việc này vẫn được thực hiện trong ngày diễn ra Lễ hội Dragon Boat Festival, được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng 5 âm lịch. Một số người nói rằng chiếc lọ được để ở nơi tối tăm suốt cả năm. Và sinh vật sống sót cuối cùng – kẻ đã “chén” hết những con vật khác trong lọ – sẽ chính là nguồn nguyên liệu để làm nên chất độc chết người.
Xu cũng nhắc đến một công thức khác trong đó những người làm ra chất độc Gu sẽ giết một con rắn độc, tẩm ướp xác rắn bằng một loại thảo mộc, và vẩy nước lên xác nó. Xác rắn sẽ được để trong vài ngày cho tới khi phân hủy và bắt đầu bị mốc. Người ta sẽ nghiền xác rắn thành bột mịn và đem ngâm rượu.
Phat hoang cong thuc cua chat kich doc manh nhat hanh tinh-Hinh-3
Xác rắn độc bị phân hủy và mốc được sử dụng trong một trong những công thức làm ra Gu. 
“Trong y học, chất độc Gu đã trở thành một chất ám chỉ các nguồn gốc nguy hiểm: kích thích tình dục, ma thuật, những nhóm người không phải là người Hán, và các chất độc tự nhiên. Trong suốt thời gian sau đó, đặc biệt là vào thời nhà Tùy (581 – 617) và dưới các triều đại nhà Đường (618 – 907), các nguồn tài liệu Trung Quốc bắt đầu đề cập tới chất độc Gu với những phương pháp ma thuật đặc biệt có liên quan tới các nhóm văn hóa dân tộc thiểu số”, Hanson viết.
Chất độc Gu có liên quan đến các vùng Miao và Lĩnh Nam bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 17 và đến giữa thế kỷ thứ 18, nỗi sợ hãi loại độc này ngày càng tăng cao. Theo Hanson, mốc thời gian này không phải là ngẫu nhiên. Những miêu tả về các nạn nhân của chất độc Gu đã tăng mạnh chỉ sau khi xảy ra cuộc nổi loạn của người Miao trong hai năm 1735 và 1736.
Người dân phía Bắc Trung Quốc không đồng tình với nền nông nghiệp, cấu trúc xã hội, văn hóa và đặc biệt là sự độc lập của phụ nữ Miao. Phụ nữ Miao bị cho là những người “man rợ” vì không buộc chân, không ăn mặc kín đáo, tự do quan hệ trước hôn nhân và có khả năng săn bắt cũng như trồng trọt như đàn ông – theo Louisa Schein trong cuốn Những nhóm thiểu số: Người Miao và Nữ giới trong văn hóa chính trị của Trung Quốc.
Sau khi không thể gây ảnh hưởng của người miền Bắc Trung Quốc tới những khu vực này, chất độc Gu đã trở thành truyền thuyết và tin đồn về nó lan rộng khắp cả nước nhằm cách ly các nhóm dân tộc ra khỏi nỗi sợ hãi về việc kết hôn với người Miao. Những điều này đã được Norma Diamond viết trên tạp chí Dân tộc học: “Nhóm nữ giới này liên tục bị chỉ trích là nguồn gốc của sự nguy hiểm, hơn cả những người đàn ông có vũ trang, gây đe dọa tới sự ổn định của chính quyền Trung Hoa trên toàn lãnh thổ”.
Phat hoang cong thuc cua chat kich doc manh nhat hanh tinh-Hinh-4
Hình ảnh những người phụ nữ Miao. Người dân Trung Quốc không chấp nhận điệu nhảy và trang phục của những phụ nữ này. 
Năm 1556, Xu khắc họa những nỗi lo lắng sâu sắc về chất độc Gu. Ông giải thích rằng khi chất độc ngấm vào cơ thể, nó sẽ phá hủy từ trong ra ngoài và khiến nạn nhân cảm thấy như bị thiêu đốt trong người. Các triệu chứng trúng độc cũng tương tự như bị thoát nhiệt, bị sốt kéo dài, chán ăn và giảm cân, và bị nôn mửa.
“Một người phụ nữ quyến rũ người đàn ông bằng những phương pháp ma thuật sẽ bị coi là có sử dụng chất độc Gu”, Hanson viết trong luận án của mình. Trong hầu hết các câu chuyện, những nạn nhân của chất độc Gu đều là đàn ông. Truyền thuyết kể lại rằng sau vài ngày “quan hệ”, người phụ nữ có thể ngăn người tình của mình quay trở về nhà bằng cách dùng chất độc Gu “cố định thời gian 1 năm”.
Chất độc này sẽ giết chết người đàn ông đó nếu anh ta không quay trở lại theo đúng thời gian đã hứa. Tuy nhiên, có một vài tin đồn nói rằng những người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người Miao đã bắt trẻ em làm thức ăn cho những loài vật sản xuất độc tố Gu của mình. Khi côn trùng tạo ra độc Gu được ăn thịt những bé trai và bé gái, chất thải của chúng sẽ có ánh bạc hoặc vàng.
Tuy không có đủ căn cứ xác thực cho thông tin trên nhưng nỗi lo sợ chất độc Gu vẫn lan rộng và ưu điểm của việc này là nó mang lại nhiều phương pháp khác nhau để phát hiện và chữa trị loại độc này. Zhang Lu, một thầy thuốc ở Giang Nam vào thế kỷ 17 đã viết lại một phương pháp phát hiện chất độc Gu ở vùng Lĩnh Nam: “Trường hợp phải dùng cơm trong nhà (của những người sống ở đó) thì hãy lập tức dùng sừng tê giác để khuấy (thức ăn). Nếu (thức ăn) xuất hiện bọt trắng nghĩa là nó đã bị bỏ độc. Còn nếu không có bọt trắng nghĩa là nó an toàn”.
Phat hoang cong thuc cua chat kich doc manh nhat hanh tinh-Hinh-5
Một số người khuyên những người đàn ông nên mang theo rễ cây cam thảo để phòng ngừa. 
Năm 1942 Chen Guoqun viết rằng các du khách nên mang theo một đôi đũa bạc và chọc vào thức ăn cùng đồ uống mà họ được mời dùng trong nhà của người Miao. Nếu đầu đũa đổi màu, thức ăn đó có thể có độc. Xu Chunfu đã viết ra khoảng 15 công thức, trong đó mỗi cái có tác dụng để điều trị một loại chất độc Gu khác nhau. Những công thức này cần được áp dụng ngay khi thấy có bất kỳ cảm giác khó chịu nào ở chân tay sau khi dùng các món ăn.
“Thuốc giải độc này được tạo ra dựa trên ảo tưởng và nỗi sợ hãi của đàn ông về những mối quan hệ thân mật với phụ nữ Lĩnh Nam (và Miao)”, Hanson viết.
Những câu chuyện không thật về chất độc Gu là sản phẩm của sự thành kiến đối với những nhóm dân tộc thiểu số. Nó liên quan đến những người phụ nữ Lĩnh Nam và Miao vào cuối thế kỷ 19, và một vài học giả viết rằng người Miao thậm chí bị cấm tham dự các khu chợ ở nhiều nơi ở Trung Quốc trong những năm 1900. Nỗi sợ chất độc Gu và những nhận định của nhiều người đã khiến các nhà sử học cố gắng tìm hiều rõ về những khác biệt giữa các nền văn hóa Trung Hoa.
Tuy câu chuyện về chất độc Gu có thể chỉ là một truyền thuyết dân gian nhưng những tác động của nó đã tạo ra ranh giới địa lý và sự ngăn cách dân tộc thực sự kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Nhưng ý tưởng đưa các sinh vật vào trong một hộp kín để chiến đấu với nhau đã khơi gợi trí tưởng tượng của nhiều người. Ngày nay, truyền thuyết về chất độc Gu vẫn tồn tại và độc tố nổi tiếng này cũng được đưa vào các bộ phim như Crouching Tiger, Hidden Dragon và loạt phim truyền hình Sleepy Hollow như một phương pháp để thao túng những người yêu nhau và gây tử vong.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):
Theo Kim Chi/VnTinnhanh

>> xem thêm

Bình luận(0)