Ông Ba Bị là hòa thượng Tăng Cang chùa Thiên Mụ?

Google News

Hòa thượng Trung Đình chính là ông Ba Bị hay dọa trẻ con trong truyền thuyết, ngài là người tu hành chính đắc, không quan tâm chuyện đời và ăn mặc kỳ dị.

Phía sau chùa Thiên Mụ (Huế) có một ngôi mộ tháp mà người nằm dưới đó có thể là “ông Ba Bị” bắt cóc trẻ con nổi tiếng trong truyền thuyết.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, người nằm dưới mộ là một nhân vật có thực trong lịch sử và lại mà một cao tăng đắc đạo. Không ai rõ ngài tên thật là gì? Quê quán ở đâu? Chỉ biết người đời gọi ngài là Trung Đình Hòa thượng. Nhiều người nói ngày chính là Tăng Cang chùa Thiên Mụ. Cuối đời ngài tự thiêu, để lại một ngón tay cho chúng sinh.
Bàn tay kỳ lạ
Chùa Thiên Mụ hay còn có tên gọi khác là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, quay mặt ra dòng sông Hương thơ mộng. Chùa được xây dựng vào năm 1601 và được coi là chùa của chúa Nguyễn từ những ngày đầu khởi dựng.
  Chùa Quốc Ân. 
Dạo một vòng quanh chùa Thiên Mụ, chúng tôi gặp được một sư thầy đang tu hành trong chùa này. Khi hỏi về Hòa thượng Trung Đình thì vị sư thầy cho biết: “Ngài Trung Đình hòa thượng chính là ông Ba Bị mà người dân hay dọa trẻ con đó.
Giai thoại về Ngài rất ít nên thầy cũng không biết nhiều. Chỉ biết Ngài là một người đã tu hành chính đắc và là một hòa thượng tăng cang do Chúa ban. Mộ của Ngài ngay sau lưng chùa đây này”. Vừa nói vị sư thầy vừa chỉ ra hướng khu lặng mộ phía sau chùa.
“Ngài sống không quan tâm gì đến chuyện đời, ăn mặc kỳ dị. Hằng ngày Ngài vắt cái bao lên vai đi khắp mọi nơi, đói ăn, mệt ngủ. Tối đến ngài hay đến các đình làng để ngủ, rồi hay cho quà con nít nên con nít rất thích ngài. Cuối đời Ngài tự thiêu, Ngài có để lại một ngón tay cho chúng sanh”, vị sư thầy cho biết thêm.
Nói xong, vị sư thầy bước đi, chúng tôi chạy theo để hỏi xin tên thầy, thầy cười bảo: “Coi như có duyên với nhau các con hỏi thầy trả lời, muốn biết thêm các con lên chùa Quốc Ân mà tìm”.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm lên chùa Quốc Ân. Đây là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là Thảo am Vĩnh Ân.
Tại đây, khi chúng tôi vừa mở lời, thầy Thích Minh Chơn - Người thừa hành mọi công việc ở chùa Quốc Ân, dẫn chúng tôi lên điện chính của chùa. Khi đến bên bệ cao nhất ở gian chính, thầy chỉ vào bàn tay dựng đứng ngay dưới chân các tượng tam thế nói: “Mấy con hỏi cái này có phải không?”
“Thầy cũng không biết bàn tay ni ở mô ra, nhưng nó được thờ ở đây lâu lắm rồi, phải mấy trăm năm rồi. Cách đây một thời gian cũng có người đến đây tìm hiểu về bàn tay ni. Nghe họ nói thì có liên chi đó đến ngón tay còn lại của một vị hòa thượng tự thiêu ở chùa Thiên Mụ mấy trăm năm trước”, Sư thầy Thích Minh Chơn cho hay.
Theo quan sát, bàn tay nêu trên làm bằng gỗ sơn son thếp vàng và có ngón áp út cong xuống rất kỳ lạ.
Bàn tay thờ trên Tam Bảo của chùa Quốc Ân có ngón tay quặp xuống được đồn đán là di thể của Hòa thượng Trung Đình để lại trước khi tự thiêu tại chùa Thiên Mụ.  
Khi chúng tôi nói liệu bàn tay có liên quan đến sự tích Hòa thượng Trung Đình hay không thì Sư thầy Thích Minh Chơn nói: “Thầy cũng không biết có liên quan đến nhau thật hay không, nhưng bàn tay ni là được tạc riêng để thờ. Nguyên nhân vì răng cũng chịu vì có nhiều điều lịch sử bí ẩn mà không có sách sử Phật giáo mô ghi lại cả”.
Tăng Cang chùa Thiên Mụ?

Ra khỏi chùa Quốc Ân, chúng tôi liên hệ ngay với một người quen thuộc dòng dõi Hoàng tộc xưa để nhờ tìm hiểu về Hòa thượng Trung Đình  - Vị thiền sư đầy bí ẩn.

Khi tìm hiểu về thưở ban đầu của chùa Thiên Mụ có một đoạn kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.

Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ". Tại đây vào thế kỷ 18, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần đã từng có một vụ hỏa thiêu của một vị thiền sư cổ quái, kỳ dị.

Chùa Thiên Mụ trước đây vốn là chùa của nhà Chúa, sau này là Hoàng tộc nhà Nguyễn và do Hoàng tộc quản lý. Chùa không có trụ trì mà chỉ có những vị cao tăng, thiền sư nổi tiếng khắp nơi được vời về để làm Tăng Cang của chùa. Nhiều người vẫn đòn đoán rằng, Hòa thượng Trung Đình chính một cao tăng và là Tăng Cang chùa Thiên Mụ.
Theo suy luận của chúng tôi, nếu như Trung Đình hòa thượng là một Tăng Cang thì nhất định sẽ có nhiều câu chuyện hấp dẫn và nhiều sự tích còn được lưu giữ lại. Vì vậy, chúng tôi đã nhờ người quen thuộc dòng dõi Hoàng tộc xưa dò hỏi thông tin về Hòa thượng Trung Đình.
Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, người này thông báo: “Không có một vị cao niên nào trong họ biết về Trung Đình hòa thượng. Người này cũng cho biết tất cả sách vở còn lưu giữ lại không ghi nhiều về những vị Tăng Cang chùa Thiên Mụ”.
Người này cười nói: “Có thể Trung Đình hòa thượng không phải là một Tăng Cang. Nhưng vì cảm động cũng như kính trọng trước việc phổ độ chúng sanh của Ngài, nên chúa Nguyễn Phúc Thuần ban tặng Ngài danh hiệu Trung Đình sau khi ngài tự thiêu. Cùng với đó, việc Ngài tự thiêu ở chùa Thiên Mụ, nên nhiều người từ đó nghĩ Ngài là Tăng Cang của chùa cũng nên.”
Theo Nguyễn Vương - Nhật Linh/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)