Những điều chưa biết về lễ tang Công nương Diana

Google News

12 năm sau khi Công nương Diana qua đời, người quản gia kể lại nỗi đau đớn của mình và phản ứng hoang mang của Hoàng gia Anh. 

Điều gì thực sự xảy ra đằng sau cánh cổng cung điện trong giờ đen tối nhất: Một hoàng tử quá sợ hãi khi đọc cuốn sổ tang. Nữ hoàng nắm chặt đôi bàn tay đầy lo lắng. Đó là những tiết lộ của một người trong cuộc trước sự ra đi đầy đau thương của Công nương Diana. Suốt 12 năm, Dickie Arbiter đã giữ kín những điều bí mật cho cuộc hôn nhân "cơm không lành, canh không ngọt" của Thái tử Charles và Công nương Diana.
 Quan tài với thi thể Công nương Diana được mang vào bên trong Tu viện Westminster Abbey để tiến hành nghi thức tang lễ.
Trước đây, ông cho biết nỗi buồn sâu sắc của mình khi hôn nhân của họ tan vỡ. Hồi đầu tuần này, ông kể về nỗi đau của mình và của Hoàng gia cũng như đất nước trước cái chết đột ngột của Công nương Diana. 
Những hình ảnh sốc trên truyền hình 
Một chiếc xe tiến gần khi tôi bước lên lối đi riêng trên con đường tới Cung điện Kensington. Cửa kính trượt xuống khi chiếc xe đi chậm lại, và tôi nhận ra đó là Công nương Diana. Bà mỉm cười và vẫy tay chào tôi như vẫn thường làm. Tôi nhận thấy bà khá hạnh phúc. Tôi biết bà chuẩn bị trở lại miền nam nước Pháp. Bà vừa đi nghỉ dưỡng ở đó với con trai, nhưng giờ tất cả gia đình Hoàng gia đã về Scotland, còn bà định trở lại Pháp theo lời mời của người bạn - tỉ phú Dodi Fayed. Họ đang ở giữa một mùa hè lãng mạn ngắn ngủi, tán tỉnh nhau, song tôi vui vì biết bà không phải đơn độc khi lũ trẻ chuẩn bị trở lại trường học. Hai tuần sau, khi đang chúi mũi vào TV, tôi sững người trước những hình ảnh truyền hình trực tiếp về một chiếc ôtô méo mó, vặn vẹo nằm chắn ngang một đường hầm sâu hun hút ở Paris.
Thông tin chi tiết về vụ việc không được tiết lộ nhiều, nhưng ít nhất Công nương Diana còn sống. Paul Burrell, quản gia của Công nương, khóc nức nở và chạy ào vào căn phòng ở điện Kensington khi tôi nói với vợ mình Rosemary về thông tin cập nhật đầy tuyệt vọng. Chỉ sau 3h sáng một chút, điện thoại reo. Người gọi là Penny Russell-Smith, thư ký báo chí. "Bà ấy đi rồi" là tất cả những gì Penny nói. Tôi tắm rửa, mặc quần áo và rời văn phòng. Khi sự thực bắt đầu lắng xuống, tôi mới cảm thấy một sự mất mát to lớn. Tôi biết Công nương Diana đã 17 năm. Chúng tôi bên nhau rất nhiều lúc làm việc, công du và ở khách sạn. Chúng tôi thường cười sảng khoái với nhau dù quan điểm cá nhân khá khác biệt. Trong nhiều năm, tôi làm việc như người phát ngôn cho Công nương Diana và Thái tử Charles. Công nương từng thất vọng về tôi nhiều lần. Tuy nhiên, mọi chuyện tốt đẹp khiến những vụn vặn không hay được bỏ qua. Làm sao Công nương có thể ra đi như thế? Tôi gần như không chịu nổi khi nhìn vào những hình ảnh khủng khiếp trên truyền hình. Nhưng tôi biết rằng tôi phải gạt cảm xúc qua một bên. Tôi có việc phải làm.
Kế hoạch tang lễ - điều trớ trêu!
Nữ hoàng Elizabeth II hầu như vẫn cười và vỗ tay không tiếng khi bà thấy biển hoa tưởng niệm Công nương Diana. Song thực ra, gia đình Hoàng gia rất hoang mang.  
Với vụ việc cực kỳ khó khăn này, chúng tôi đã làm tốt nhất có thể và hứa hẹn với giới báo chí sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn vào buổi sáng. Tôi gọi điện cho lâu đài Windsor, Sandringham và Holyrood để yêu cầu treo cờ rủ. Nhưng vấn đề khó khăn là ứng xử ra sao với điện Buckingham. Nữ hoàng đang ở Balmoral, do đó không thể treo cờ rủ ở Buckingham. Theo truyền thống, không bao giờ được treo cờ rủ ở đây kể cả khi người thống trị băng hà để thể hiện sự liên tục của chế độ quân chủ. Hình như không có ai có thể trả lời vấn đề hóc búa này trong ngày định mệnh 31/8/1997.
Quyết định cuối cùng là treo cờ Liên hiệp rủ thay cho lá cờ Hoàng gia. Vào 5h sáng, người dân lũ lượt đến đặt hoa tưởng niệm tại các cửa quanh cung điện. Nhưng số lượng hoa tăng lên nhanh chóng, đồng nghĩa với việc lực lượng bảo vệ phải thay đổi cách thức. Theo đúng cách thức, lực lượng an ninh không được bất cứ thứ gì cản trở trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Vậy là, tôi phải xin lỗi cảnh sát vì họ phải thay đổi lộ trình canh gác. Vấn đề cuối cùng vậy là đã giải quyết xong. Tôi làm việc với căn cứ không quân RAF Northolt để phối hợp với truyền thông chuẩn bị cho cuộc hành trình trở về nhà từ Pháp của Công nương Diana. Nỗi buồn đau vẫn bao trùm không khí ngày Chủ nhật mùa hè. Sáng hôm sau, ngày giờ tang lễ được quyết định. Lễ tang sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 6/9. Chúng tôi có 5 ngày để thu xếp mọi việc cho sự kiện Hoàng gia lớn nhất kể từ sau đám cưới của chính Công nương vào 16 năm trước. Nghi thức rước linh cữu Công nương Diana sẽ đi theo con đường tương tự trong kịch bản lễ tang cho Hoàng Thái hậu sắp tròn 97 tuổi. Lộ trình sẽ bắt đầu từ nhà thờ Hoàng gia, xuống đại lộ trung tâm, trước khi vào Tu viện Westminter.
Thật trớ trêu về những gì chúng tôi đang làm không phải cho sự mất mát của bất cứ thành viên Hoàng gia nào thuộc nhóm tôi phụ trách truyền thông. Chỉ 10 ngày trước đó, chúng tôi đi đúng lộ trình này, thảo ra kế hoạch chính xác cho tang lễ của Hoàng Thái hậu. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi sẽ làm điều này ngay sau đó, nhưng lại cho một thành viên Hoàng gia khác hoàn toàn - một trong những người mà chúng tôi không thể nào tiên đoán sẽ xảy ra thảm kịch như vậy. Song dẫu sao, kế hoạch dự định hữu ích đối với chúng tôi khi mọi thứ vẫn còn in nguyên trong tâm trí. Do đó, mọi thứ chắc chắn sẽ suôn sẻ.
Những sự ấm áp giữa nỗi buồn mênh mang
Nhưng tại sao Nữ hoàng không trở lại London để nói chuyện với người dân? Tất nhiên, chúng tôi biết sự thật. Nữ hoàng cùng gia đình đã đối phó với thảm kịch này theo cách riêng của họ. Mối quan tâm chính của Nữ hoàng là bảo vệ Hoàng tử William (15 tuổi) và Harry (12 tuổi), tránh bị phương tiện truyền thông soi mói cũng như để họ phải chứng kiến không khí buồn đau tràn ngập khắp London. Trong ngày tang lễ, giới truyền thông trong và ngoài nước đến tham dự rất đông.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao không có thành viên Hoàng gia nào kính cẩn tiễn biệt Công nương Diana tại nhà thờ Hoàng gia? Tại sao không ai trong số họ viết sổ tang? Chúng tôi phải quyết định trả lời mối quan tâm của truyền thông theo cách riêng. Giữa guồng quay điên rồ của sự kiện, tôi trở lại nhà thờ và may mắn không thấy có ai ở đó. Tôi thì thầm trò chuyện với cố Công nương về quãng thời gian chúng tôi bên nhau, tưởng tượng ra bà cười khúc khích rồi lại tranh cãi tiếp với tôi.
Trong sự yên tĩnh của nhà nguyện, tôi cảm ơn Công nương vì bà đã vô cùng tử tế với con gái Victoria của tôi. Nhờ bà, giờ Victoria đang bắt đầu học tập ở Mỹ. Tôi cảm ơn vì Công nương thường xuyên giành thời gian viết thư, dặn dò con gái của tôi. Sau đó, bên ngoài cung điện, Nữ hoàng và Thái tử Charles di chuyển đến trước đám đông, trò chuyện và lắng nghe lời chia buồn từ họ. Tại một thời điểm, Nữ hoàng được một bé gái 11 tuổi tặng vài bông hoa trên đỉnh một vòng hoa và cô bé nói: "Không, thưa Nữ hoàng... Đây là hoa tặng cho Người". Tôi rất vui khi vào những thời khắc kết thúc ấy, Nữ hoàng nhận được một cử chỉ ấm áp như vậy.
Theo Lao Động

Bình luận(0)