Nhiễm độc thủy ngân và những vụ án kinh hoàng nhất lịch sử

Google News

(Kiến Thức) - Lịch sử từng ghi nhận nhiều vụ án nhiễm độc thủy ngân xảy ra, cướp đi sinh mạng của vô số người và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Thông tin xuất hiện thuỷ ngân trong không khí Hà Nội đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Theo các chuyên gia môi trường, thủy ngân trong không khí là rất nguy hiểm bởi thuỷ ngân là chất cực độc, nếu hít phải có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, nhiều nền văn minh trong lịch sử đã sử dụng thủy ngân như một loại thần dược có khả năng chữa bệnh, thậm chí là trường sinh bất lão. Chính vì vậy, có không ít vua chúa, nhà giả kim... sử dụng thủy ngân vào những mục đích riêng nhưng đều phải nhận lấy hậu quả khủng khiếp. Từ đó xảy ra khá nhiều vụ án nhiễm độc thủy ngân gây chấn động dư luận thế giới.
Trong những tài liệu cổ xưa, các thầy thuốc sử dụng thủy ngân để điều trị cho những bệnh nhân bị xoắn ruột. Theo đó, các thầy thuốc cho một lượng thủy ngân khoảng hơn 200 gam vào dạ dày người bệnh. Họ cho rằng thủy ngân nặng và linh động sẽ luồn lách trong ruột để "làm thẳng" lại các đoạn ruột bị xoắn. Tuy nhiên, những tài liệu này không ghi rõ tác dụng của cách chữa trị này hiệu quả thế nào.
Nhiem doc thuy ngan va nhung vu an kinh hoang nhat lich su
 Tần Thủy Hoàng được cho là dùng thủy ngân để trường sinh bất lão.
Thủy ngân không chỉ được sử dụng trong chữa bệnh mà còn được dùng làm phương thuốc trường sinh bất lão của các bậc đế vương thời xưa. Trong đó, trường hợp nổi tiếng nhất là hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Một truyền thuyết kể rằng, với ước vọng trường sinh, Tần Thủy Hoàng có thể đã uống một loại “linh đan” có chứa thủy ngân mỗi ngày. Phương thuốc trường sinh này bào chế theo đơn của các đạo sĩ. Điều này đã khiến Tần Thủy Hoàng chết từ từ vì nhiễm độc thủy ngân.
Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời năm 210, vị hoàng đế quyền lực của Trung Quốc được chôn cất trong một ngôi mộ rất nguy nga dưới lòng đất. Khi khai quật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, các chuyên gia tìm thấy khoảng 8.000 chiến binh, thê thiếp, người hầu được nung bằng đất sét cùng nhiều hiện vật giá trị. Trong đó, điều kỳ lạ nhất là kết quả xét nghiệm mẫu đất xung quanh khu vực ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng cho thấy đất ở khu vực đó có nồng độ thủy ngân rất cao.
Theo những tác phẩm cổ xưa, Tần Thủy Hoàng có các con sông thủy ngân lỏng bao quanh. Theo quan niệm của người Trung Quốc, dòng sông thủy ngân có thể ban cho ai đó một sự sống bất tử. Theo một số chuyên gia, có lẽ do niềm tin mù quáng vào sự trường sinh bất lão nên Tần Thủy Hoàng đã nuốt thủy ngân để được trường sinh. Tuy nhiên, đến cuối cùng vị hoàng đế này băng hà năm 49 tuổi.
Thêm vào đó, những dòng sông thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn có tác dụng diệt khuẩn, đồng thời là vũ khí kịch độc có thể giết chết những kẻ nào dám xâm nhập chốn yên nghỉ của hoàng đế. Cũng chính vì mối nguy hiểm từ những dòng sông trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng nên các chuyên gia khảo cổ chưa dám tiếp cận lăng mộ của vị hoàng để nổi tiếng của Trung Quốc này.
Ngoài lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các chuyên gia khảo cổ cũng phát hiện thủy ngân bên dưới kim tự tháp người Maya ở Teotihuacan. Ngoài ra, thủy ngân cũng được tìm thấy ở một số di chỉ khác của người Maya. Trong văn hóa của người Maya, thủy ngân được sử dụng để biểu tượng hóa một con sông hay hồ ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, chất kim loại này rất hiếm do khó khai thác vào thời điểm đó.
Người Trung Quốc thời xưa còn sử dụng thủy ngân để tránh thai. Theo đó, nếu không muốn có thai thì phụ nữ sẽ phải uống thủy ngân. Hiệu quả sử dụng thủy ngân để tránh thai rất tốt nhưng vô cùng có hại cho cơ thể người dùng nhưng không trực tiếp gây chết người. Chính vì vậy, nước trà tránh thai của phi tần hoặc cung nữ trong hậu cung của vua chúa Trung Quốc thường có một lượng thủy ngân nhỏ.
Nhiem doc thuy ngan va nhung vu an kinh hoang nhat lich su-Hinh-2
 Căn bệnh Minamata quái ác xuất hiện ở Nhật Bản gắn liền với mối nguy hiểm của thủy ngân.
Thủy ngân còn gắn liền với căn bệnh Minamata ở Nhật Bản. Từ năm 1932-1958, Công ty Chisso đã xả thải chứa hàm lượng thủy ngân cao ra Vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto. Hậu quả là nhiều loại thực vật, động vật bị nhiễm độc thủy ngân do quá trình sinh sống trong lưu vực Vịnh Minamata khi Công ty công nghiệp hóa học Chisso xả chất thải độc hại ra bên ngoài.
Do không biết những hải sản được đánh bắt ở Vịnh Minamata nhiễm độc thủy ngân nên người dân sống ở khu vực đó vẫn ăn những loại thực phẩm đó. Chính vì vậy, căn bệnh Minamata xuất hiện, khiến nhiều người bị mù, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là tử vong trong giai đoạn từ năm 1950-1960.
Đến năm 1960, một cụ nhiễm độc thủy ngân khác xảy ra ở lưu vực sông của tỉnh Niigata trên đảo Honshu. Những người mắc phải căn bệnh do ăn  các loại hải sản bị nhiễm độc thủy ngân được gọi là bệnh Minamata Niigata. Nguyên nhân của căn bệnh nguy hiểm này xuất phát từ chất thải chứa thủy ngân của Công ty điện tử Showa. Theo một số báo cáo, hơn 2.000 người thiệt mạng do bệnh Minamata và hơn 1.000 người khác đang bị ảnh hưởng.
Đến năm 2003, Chisso bị buộc phải trả khoảng 86 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân mắc bệnh Minamata đồng thời được yêu cầu phải dọn sạch ô nhiễm môi trường do tập đoàn gây ra cũng như chi trả tiền trợ cấp hàng năm, chi phí thuốc men... cho bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị.
Video cá biển chết trắng dọc miền Trung do nhiễm độc (nguồn: VTC):
Tâm Anh (tổng hợp)

Bình luận(0)