Gặp gỡ điệp viên bị kẻ thù treo giải thưởng hơn 50 lượng

Google News

Chiến sĩ tình báo này “nguy hiểm” đến mức kẻ thù truy nã đặc biệt, treo giải thưởng hơn 50 lượng vàng cho cái đầu của ông.

Thoắt ẩn, thoắt hiện, khi dưới vỏ bọc doanh nhân, lúc vào vai sỹ quan Sài Gòn. Người chiến sĩ tình báo đưa người lọt vào hang ổ địch điều nghiên chuẩn bị cho trận đánh và đưa cán bộ cấp cao, đồng đội đang bị vây hãm trong nội thành thoát về cứ. Ông “nguy hiểm” đến mức kẻ thù truy nã đặc biệt, treo giải thưởng hơn 50 lượng vàng cho cái đầu của ông.
Gap go diep vien bi ke thu treo giai thuong hon 50 luong
Lực lượng trinh sát - điệp báo thuộc Phòng Quân báo Miền năm 1969. 
Ông là Ðại tá Hoàng Ðạo (Tư Sắc), Cụm trưởng Cụm điệp báo chiến dịch A54 - một trong những nhà tình báo tài ba của Phòng Quân báo Miền.
Xây tổ trong lòng địch
Ngồi đối diện với đại tá Hoàng Ðạo, thật khó tin người đàn ông mộc mạc, chất phác lại là một điệp viên lừng danh. Mấy năm nay, sức khỏe ông giảm sút, đi lại khó khăn.
Mình 90 tuổi rồi. Cậu đừng tưởng Dương Văn Minh dễ dàng đầu hàng. Khi đánh Xuân Lộc, mình và Dương Văn Nhật bàn với nhau để Dương Văn Nhật đã bí mật vào Sài Gòn gặp anh trai, đề nghị buông súng đầu hàng tránh đổ máu nhưng Minh lờ đi.
Ðại tá Hoàng Ðạo nói Hoàng Ðạo, Tư Sắc hay Nguyễn Sa đều là những bí danh. Tên thật của ông là Võ Văn Bính, quê Quảng Trị.
Ông kể: Học xong lớp chính trị – quân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng, tháng 10/1954, mình được điều động về Cục 2 Bộ Tổng Tham mưu. Ðầu năm 1955, mình vượt giới tuyến vào Nam, đi ô tô vào Ðà Nẵng rồi lên xe lửa đi Nha Trang, Ðà Lạt bắt liên lạc. Mình xây trang trại trồng rau và hoa xuất khẩu làm bình phong hợp pháp ở Ðà Lạt rồi vào Sài Gòn xây dựng cơ sở, lập tiệm Radio - Tivi “Hoà Tuyến” trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng tháng Tám) xây dựng mạng lưới trinh sát công khai – tình báo.
Trong thời gian ngắn, ông Hoàng Ðạo đã tổ chức thành công một mạng lưới trinh sát công khai ở nội ô và ngoại thành Sài Gòn – Gia Ðịnh. Cơ sở của ông bao gồm nhiều nguồn tin giá trị, đang đảm nhận nhiều chức vụ cao, quan trọng trong bộ máy chiến tranh của địch, như anh Nguyễn Tấn Miêng có cháu ruột là Ðoàn trưởng Ðoàn biệt kích 100 của chế độ Sài Gòn; hai trung tá, một là chỉ huy phó tỉnh Bình Dương, một là chỉ huy phó pháo binh Quân đoàn 3 đóng ở Biên Hoà. Cơ sở còn anh Lê Luận có người làm Quân tiếp vụ Bộ Quốc phòng Sài Gòn; anh Long Thành, cán bộ tình báo Nam Bộ có cháu là thiếu tá làm ở Phòng hành quân Quân đoàn 4 Cần Thơ.
Cụm điệp báo của đại tá Hoàng Ðạo đã cung cấp nhiều tài liệu cực kỳ quan trọng như mật mã pháo binh hành quân, biên chế các binh chủng của chính quyền Sài Gòn, tin đảo chính, phong trào Phật giáo chống chế độ gia đình trị Ngô Ðình Diệm, đặc biệt là tài liệu binh yếu địa chí các mục tiêu căn cứ của Mỹ - ngụy…
Gap go diep vien bi ke thu treo giai thuong hon 50 luong-Hinh-2
Ðại tá Hoàng Ðạo (Tư Sắc). 
Xuất quỷ, nhập thần
Ðại tá Hoàng Ðạo nhớ lại: Mình nhận được bức điện khẩn của Phòng Quân báo Miền giao nhiệm vụ đón một cán bộ đột nhập vào Sài Gòn nghiên cứu chiến trường. Bất ngờ đó lại là anh Trần Xuân Lực, một đồng đội cũ của mình. Bọn mình quen nhau từ hồi cùng tham dự Ðại hội chiến sỹ thi đua của Ðại đoàn 325 Bình Trị Thiên tại Hà Tĩnh năm 1951.
Trần Xuân Lực là trung đoàn trưởng trung đoàn 16 chủ lực của Miền. Ông yêu cầu điều nghiên mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất và vùng phụ cận. Cụm trưởng Hoàng Ðạo đưa sơ đồ mục tiêu sân bay cho ông Lực nghiên cứu rồi lên phương án đột nhập vào hang hùm.
Ông Trần Xuân Lực được tạo vỏ bọc là người gốc Nghệ An di cư vào Nam làm công nhân đồn điền cao su Phú Riềng xuống Sài Gòn thăm con trai đi lính Sư đoàn 25 đóng quân ở Củ Chi. Việc kế tiếp là… xóa dấu vết Việt Cộng. Ðó là các nốt chai và vết hằn trên bàn chân ông Lực do quai dép cao su để lại.
Ông Hoàng Ðạo phân công ông Hai Xê đón ông Lực từ Trảng Bàng bằng xe Honda đột nhập vào nội thành Sài Gòn. Ông Hai Xê chở ông Lực đến chợ Tân Bình giao cho ông Ðặng Ðức. Theo đúng kế hoạch, ông Ðức đưa ông Lực vào sân bay. Cả hai mua vé đón khách, leo lên tầng trên cùng để vừa có điều kiện quan sát, vừa tránh đám mật vụ theo dõi. Các mục tiêu như “nhà tám mái” của tướng Wesmorland, hàng rào, các lô cốt bố phòng trong sân bay đều lọt vào tầm mắt.
Ông Lực tiếp tục được đưa đến quan sát các mục tiêu phụ cận như Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Ðộc Lập, toà Ðại sứ Mỹ và đường quân giải phóng sẽ đột phá hàng rào vào sân bay trước khi về căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh) an toàn.
Gap go diep vien bi ke thu treo giai thuong hon 50 luong-Hinh-3
Lực lượng điệp báo chuẩn bị phương án cho Tổng tấn công Mậu Thân. 
“Sau đợt 1 cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, mình gặp lại anh Lực tại chỉ huy sở Phân khu 1. Ðó cũng là lần cuối cùng. Trong một trận đánh ác liệt, anh Lực bắn đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh” - đại tá Hoàng Ðạo bùi ngùi.
Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, lực lượng trinh sát - điệp báo của đại tá Hoàng Ðạo đã đưa tiểu đoàn 2 Quyết Thắng đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn, Trung đoàn 16 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, trại huấn luyện Quang Trung, Trường đua Phú Thọ, chợ Thiếc. Ông Nam Miêng lái chiếc Peugeot GA 0603 chở 30 quân biệt động tấn công địch ở sân Golf Phú Nhuận. Bị đánh bất ngờ, Mỹ - Thiệu choáng váng.
Ðịch dốc toàn lực phản công. Vùng An Phú Ðông, Thạnh Lộc - nơi đặt chỉ huy sở Phân khu 1 bị bao vây, càn quét, lùng sục. Hàng tốp trực thăng vũ trang thay nhau oanh kích vào các địa hình nghi có quân giải phóng bám trụ. Trước tình hình đó, Quân uỷ Miền có điện khẩn yêu cầu ông Trần Ðình Xu, Tư lệnh Phân Khu 1 về căn cứ Trung ương Cục để báo cáo tình hình chiến trường.
Việc đưa ông Trần Ðình Xu ra vùng an toàn được giao cho Cụm trinh sát - điệp báo A54 của đại tá Hoàng Ðạo. Lúc bấy giờ, mọi ngả đường dẫn ra cứ đã bị địch phong toả nghiêm ngặt, việc đi lại vô cùng khó khăn, nếu quyết đi thì chấp nhận hy sinh.
Sau khi nghiên cứu hoạt động của giang thuyền địch trên sông Sài Gòn, đêm xuống, ông Hoàng Ðạo và ông Hai Xê quyết định sử dụng xuồng ba lá đưa ông Trần Ðình Xu qua sông rồi vào nhà một cơ sở nghỉ tạm. Sáng hôm sau, cả ba người đi Honda từ cửa khẩu đường 13 Lái Thiêu về nội thành Sài Gòn. Ðại tá Hoàng Ðạo chạy trước mở đèn báo hiệu cho xe ông Hai Xê chở ông Trần Ðình Xu chạy phía sau. Vị chỉ huy cao cấp của Việt Cộng tướng tá cao to, hoá trang thành người thành phố bình tĩnh đi qua các chốt kiểm soát đặt tại cầu Vĩnh Phú, cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky mà địch không hề hay biết.
“Bọn mình chở đồng chí Trần Ðình Xu chạy theo đường Lê Văn Duyệt hướng về Ngã tư Bảy Hiền rồi theo Quốc lộ 22 về Tây Ninh an toàn. Dọc đường, từng đoàn xe quân sự chở quân lục soát hai bên đường để tìm diệt quân giải phóng nhưng địch không ngờ người cần tìm đang ung dung trước mắt bọn chúng” - đại tá Hoàng Ðạo nhớ lại.
Theo Tiền PHong

Bình luận(0)