Cuộc hôn nhân của thái giám già với kỹ nữ và cái kết bất ngờ

Google News

Vào cuối thời nhà Thanh, có ột thái giám tên gọi là Trương Tịnh Hiên. Khi về già, họ Trương xuất cung, sống một mình.

Trương Tịnh Hiên tuổi tác đã cao, sức khỏe ngày một yếu, mắt mờ chân chậm nên muốn tìm một người vợ về nhà đặng chăm sóc mình những khi trái gió trở trời. Sau đó, thông qua bà mai, Trương Tịnh Hiên bắt đầu làm quen với một kỹ nữ tên là Trình Nguyệt Trinh.

Mẹ của Trình Nguyệt Trinh là bà Vương nói rằng, nếu như Trương có thể trả 300 lạng bạc tiền chuộc thân cho Trình Nguyệt Trinh cũng như giúp nhà mình trả toàn bộ các khoản nợ của nhà họ Vương thì sẽ gả Trình Nguyệt Trinh cho. Trương Tịnh Hiên đồng ý yêu cầu của bà Vương. Không lâu sau, đám cưới giữa thái giám già và cô kỹ nữ họ Trình được tổ chức linh đình tại kinh đô. Đó là chuyện xảy ra vào năm 1910.

Cuộc hôn nhân của thái giám già với kỹ nữ và cái kết bất ngờ - Ảnh 1

Cảnh sinh hoạt trong cung đình xưa.

Cuộc sống tân hôn của Trương Tịnh Hiên và Trình Nguyệt Trinh mới được hơn một năm thì cuộc Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, triều Thanh bị lật đổ, chế độ phong kiến kéo dài nhiều ngàn năm ở Trung Quốc tan rã. Điều quan trọng là, một khi triều đình phong kiến sụp đổ thì những kẻ làm thái giám như Trương Tịnh Hiên vốn đã bị coi thường nay càng bị người đời khinh rẻ hơn.

Mặc dù nói rằng, thái giám mang từ trong cung ra không ít của cải nhưng thực tế là những của cải ấy chẳng có món nào ra hồn cả. Hai mẹ con Trình Nguyệt Trinh thấy lão thái giám họ Trương không còn giá trị lợi dụng nữa nên tìm cách dứt bỏ.

Sau khi bàn tính kế hoạch, hai mẹ con Trình Nguyệt Trinh nhân cơ hội Trương Tịnh Hiên ra ngoài tiếp khách đã lén lấy trộm vàng bạc trong nhà rồi bỏ đi. Vợ bỏ đi, Trương Tịnh Hiên tìm kiếm khắp nơi nhưng không có kết quả. Đột nhiên, một hôm, Trương nhận được tráp của tòa án. Mở ra đọc Trương mới biết rằng, hóa ra cô vợ họ Trình của mình gửi đơn lên tòa án đòi ly hôn với mình.

Luật sư mà Trình Nguyệt Trinh thuê để bảo vệ quyền lợi cho mình là Tào Nhữ Lâm, luật sư số 1 thời Dân quốc lúc đó. Trong đơn ly hôn, Tào Nhữ Lâm đã thay mặt thân chủ Trình Nguyệt Trinh đưa ra 3 lý do đòi ly hôn với thái giám họ Trương: Thứ nhất, Trương Tịnh Hiên là thái giám, vốn không có khả năng đàn ông nhưng lại vẫn lấy vợ, điều này làm tổn hại thuần phong mỹ tục đồng thời cũng không nhân đạo. Thứ hai, Trương Tịnh Hiên thường xuyên ngược đãi, vũ phu với vợ. Trình Nguyệt Trinh không thể nào chịu đựng được. Thứ 3, Trương Tịnh Hiên đã từng kết hôn một lần, nay vẫn chưa giải quyết xong với vợ đầu đã lấy vợ bé, như vậy là vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa hy hữu, hai bên cãi nhau nảy lửa. Trương Tịnh Hiên khẳng định, ly hôn thì được nhưng Trình Nguyệt Trinh nhất định phải trả lại cho mình 300 lạng bạc tiền chuộc thân khi trước đã phải bỏ ra để cưới được Trình Nguyệt Trinh. Ngoài ra, số tiền Trình Nguyệt Trinh và mẹ ăn trộm từ nhà mình bỏ trốn cũng phải hoàn trả. Nếu như Trình Nguyệt Trinh không trả lại tiền thì nhất định không ly hôn.

Luật sư Tào Nhữ Lâm cãi rằng: Nhân thân không phải là thứ đồ vật để sở hữu do vậy không thể mua bán. Từ thời nhà Thanh đã cấm chuyện này, huống hồ đây đã là thời Dân quốc. Do đó, nếu như yêu cầu Trình Nguyệt Trinh bồi thường 300 lạng bạc chuộc thân thì đồng nghĩa với việc thừa nhận chuyện mua bán người. Ngoài ra, việc ly hôn không liên quan tới tiền chuộc thân. Do đó, không có lý do nào để Trình Nguyệt Trinh phải hoàn trả số tiền chuộc thân khi ly hôn với Trương Tịnh Hiên.

Về số tiền Trình Nguyệt Trinh mang theo có một phần lớn là các món và trang sức quý, theo lý thì những món đồ này thuộc về Trình Nguyệt Trinh chứ không phải của Trương Tịnh Hiên, do đó không phải là ăn cắp và cũng không cần trả lại.

Trương Tịnh Hiên lại nói, để được bà Vương và Trình Nguyệt Trinh đồng ý kết hôn, Trương đã phải thay bà Vương và Trình Nguyệt Trinh trả toàn bộ các khoản nợ. Điều này được ghi chép cẩn thận. Tào Nhữ Lâm lại biện hộ, nói: Việc Trương Tịnh Hiên thay mặt Trình Nguyệt Trinh và mẹ cô ta trả các món nợ của nhà họ Vương thuần túy là tự nguyện. Cũng vì Trương Tịnh Hiên trả các món nợ, Trình Nguyệt Trinh mới đồng ý trở thành vợ bé của Trương. Nhà họ Vương tuy có nợ với Trương song đã lấy sức lao động làm công cụ trả nợ. Hơn nữa, sau khi Trương Tịnh Hiên và Trình Nguyệt Trinh kết hôn, tài sản của hai vợ chồng sẽ không còn phân biệt nữa. Do đó, bất luận là trước khi kết hôn tài sản giữa hai bên nhiều ít ra sao, sau khi kết hôn thì tài sản là sở hữu chung. Món nợ trả hộ của nhà họ Vương đối với Trương cũng vì thế mà không còn tồn tại nữa.

Luật sư Tào Nhữ Lâm cũng chỉ ra rằng, Trương Tịnh Hiên trước khi vào cung làm thái giám đã từng kết hôn. Hiện tại, người vợ trước của Trương vẫn còn sống khỏe mạnh và hai bên vẫn chưa ly dị. Trương Tịnh Hiên không quan tâm tới người vợ đầu mà tiếp tục lấy người vợ bé, đó là hành động bất nghĩa. Tào Nhữ Lâm cũng cho rằng, vì trước khi kết hôn có món nợ mà trói buộc sự tự do cá nhân trong cuộc sống hôn nhân là trái ngược với tinh thần pháp luật của Dân quốc cũng như thể chế cộng hòa.

Tào Nhữ Lâm đã rất khôn khéo khi vận dụng uyển chuyển các khái niệm vừa hiện đại như tự do, nhân đạo kết hợp với những quan niệm truyền thống để đòi quyền lợi cho Trình Nguyệt Trinh. Cuối cùng, khi phán quyết, thẩm phán gần như tiếp thu toàn bộ ý kiến của Tào Nhữ Lâm, đồng ý cho Trình Nguyệt Trinh ly hôn với vị thái giám già. Tuy nhiên, thẩm phán cũng cho rằng, việc Trình Nguyệt Trinh mang theo vàng bạc châu báu trong nhà bỏ trốn là điều vô lý, do đó, Trình Nguyệt Trinh buộc phải trả lại cho Trương Tịnh Hiên số tiền này.

Chính vì thế, trong thời kỳ mà ngành công nghiệp tin tức mới bắt đầu hưng thịnh như thời điểm đầu thế kỷ 20 tại Trung Quốc thì đương nhiên chuyện ly hôn giữa Trương Tịnh Hiên và Trình Nguyệt Trinh trở thành chủ đề bàn tán khắp các hang cùng ngõ hẻm. Độ nổi tiếng của sự kiện này lớn tới mức, vị luật sư họ Tào sau vụ kiện này đã trở thành luật sư nức tiếng, mở đầu cho sự nghiệp rực rỡ của vị luật sư này về sau.

Vị thái giám đã vi phạm chế độ... “một vợ một chồng”

Như vậy chỉ cần dựa vào lý do thứ 3 (Trương Tịnh Hiên đã từng kết hôn một lần, nay vẫn chưa giải quyết xong với vợ đầu đã lấy vợ bé, như vậy là vi phạm pháp luật) pháp luật hiện hành của ta cũng sẽ tuyên hủy án ly hôn và phạt tội người kết hôn trái pháp luật rồi. Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 (có hiệu lực từ 01/01/2015) quy định kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm về điều kiện kết hôn.

Người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Nếu hành vi kết hôn trái pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự: Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS). Nếu thuộc khoản 1 bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; thuộc khoản 2 bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149 BLHS) sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Đời sống & Pháp luật

Bình luận(0)