Cung nữ 96 tuổi kể chuyện cuộc sống nơi lầu son gác tía

Google News

Người cung nữ của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam - ở tuổi gần 100 vẫn nhớ tường tận cuộc sống nơi lầu son gác tía.

 Lầm lũi phận tôi tớ

Chiều Huế mưa rả rích. Trong phủ Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, TP.Huế) u tịch, một cụ bà tóc bạc lặng lẽ cầm những nén hương thắp lên án thờ các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định và Bảo Đại. Cơn gió se lạnh từ bên ngoài rít qua cánh cửa phủ sờn cũ khiến cụ bà run rẩy. Cụ lẩm bẩm khấn vái, đôi mắt mờ đục hướng lên di ảnh các vị vua. Người dân sống xung quanh phủ Kiên Thái Vương gọi cụ là mệ Dinh, tên đầy đủ của cụ là Lê Thị Dinh.

Mệ Dinh là một trong số ít cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn hiện còn sống. Đã bước sang tuổi 96 nhưng mệ vẫn nhớ như in những ngày làm người hầu nơi cung cấm. Năm lên 8 tuổi, đang học lớp 5 trường Đồng Khánh, mệ được Thánh Cung Hoàng hậu - vợ vua Đồng Khánh, gọi vào cung. Đến năm 15 tuổi, khi Thánh Cung qua đời, mệ chuyển sang hầu Đức Từ Cung- vợ vua Khải Định. Mỗi tháng mệ được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo).

Cung nu 96 tuoi ke chuyen cuoc song noi lau son gac tia
Cụ bà Lê Thị Dinh - một trong số ít cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống. T.H Ảnh lớn: Cung nữ theo hầu Hoàng Thái hậu trong cung nhà Nguyễn. ảnh: Tư Liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đức Từ Cung chuyển về cung An Định, sau đó về sống tại 147 Phan Đình Phùng (Huế), mệ Dinh tiếp tục theo hầu. Là cung nữ nhưng đồng thời cũng là con cháu hoàng tộc, nên sau khi Đức Từ Cung qua đời, mệ chuyển đến phủ Kiên Thái Vương để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, từ năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại.

Mệ kể, khi hay tin mình được vào cung, mệ vừa mừng vừa lo. Mừng vì làm cung nữ là một vinh dự lớn, bởi trong mắt dân thường, cung nữ là người có địa vị cao, được phép ra vào nơi lầu son gác tía. Lo vì mệ từng nghe rất nhiều câu chuyện buồn về thân phận cung nữ phải gánh chịu nhiều bi kịch. “Cung nữ thực chất chỉ là nô lệ hạng sang, sướng thì có sướng nhưng họa sát thân có thể giáng xuống đầu bất cứ lúc nào”- mệ đúc kết về phận cung nữ.

Đôi mắt mờ đục của mệ ứa nước khi những ký ức buồn ùa về. Trong chuỗi ngày làm người hầu ở nơi quyền quý, mệ đã chứng kiến nhiều cung nữ phải chịu những trận đòn tàn bạo. “Hình phạt đối với cung nữ hết sức hà khắc, chỉ cần một sai sót nhỏ là phải ăn đòn. Có lần một cung nữ vì sợ ma mà la thét lên khiến hoàng hậu giật mình tỉnh giấc. Việc đơn giản như thế nhưng cung nữ này đã bị lôi ra sau cung đánh đập thừa sống thiếu chết”- mệ vừa kể vừa đưa bàn tay gầy guộc quệt nước mắt.

Theo lời mệ Dinh, là thân phận tôi tớ nên các cung nữ chỉ biết lầm lũi làm việc theo sự sai khiến của chủ nhân, không dám cãi nửa lời. Những cung nữ thường vào cung từ năm 8-10 tuổi, rời cung tuổi đã ngoài 30, khi đã quá lứa lỡ thì. Một quy tắc bất di bất dịch đối với mọi cung nữ là phải thủ tiết cho đến ngày rời cung...

Thâm cung bí sử

Mỗi khi đến bữa ăn, mệ phụ trách kiểm tra các món ăn. Đến thời Đức Từ Cung, mệ còn được sai viết thư thăm hỏi vua Bảo Đại mỗi lần vua đi du hí”. 

Cụ bà Lê Thị Dinh

Cuộc sống nhung lụa của những ông hoàng bà chúa, sau hơn 70 năm mệ Dinh vẫn nhớ tỉ mẩn. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, những bậc “bề trên” được người hầu dùng nước ngâm các loài hoa để rửa chân, rửa mặt. Sáng dậy, các ngài tắm bằng nước ngâm các loại hoa lài, hồng, hoặc nước nấu bằng lá các loại cây như sả, bưởi, chanh…

Vào các dịp lễ tết, triều đình tổ chức rất nhiều lễ cúng linh đình, đồ cúng có đủ sơn hào hải vị, được chuẩn bị trước đó hàng tháng trời. Ấn tượng nhất là lễ hội pháo hoa đêm giao thừa “bắn lên những long, phụng đủ sắc màu và đẹp chi lạ” phục vụ cho hoàng gia kéo dài cả giờ đồng hồ nơi hoàng cung.

Tôi hỏi mệ, trong số những ông hoàng bà chúa ngày đó, mệ nhớ người nào nhất. Mệ chậm rãi, có hai người mệ nhớ nhất là Đức Từ Cung và con trai bà là vua Bảo Đại. Trong ký ức của mệ, Đức Từ Cung là một người biết lo lắng cho vận mệnh của hoàng tộc và rất thương dân. Ngài rất thích nghe những bài vè, bài vịnh về những người phụ nữ khí phách của nước Nam như Huyện Thanh Quan, Triệu Ấu, công chúa Huyền Trân… Mỗi lần nghe những bài đó, ngài bảo đàn bà con gái trong nước phải biết noi gương những người khí tiết ấy. Khi biết một vùng quê nào đó có dân đói khổ, ngài liền sai người hỗ trợ lương thực. Khi nghe thông tin về hoạt động mị dân của thực dân Pháp, ngài rất buồn và lo lắng...

“Đức Từ Cung đức hạnh, thương dân thương nước như vậy, còn đức Bảo Đại hư hỏng lắm. Thấy con suốt ngày chỉ biết mê mẩn tửu sắc trong khi người Pháp ngang ngược lộng hành, ngài ăn không ngon ngủ không yên”- mệ Dinh mở đầu câu chuyện về vua Bảo Đại. Mệ kể, Bảo Đại là người không có nhiều cung tần, thứ phi ở trong cung nhưng lại hay “lăng nhăng” bên ngoài.

Mệ bảo mình còn biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” khác, nhưng không muốn kể. “Mình là con cháu hoàng tộc, kể những chuyện không hay ho chi về tiền nhân là có lỗi. Chuyện chi qua rồi phải để cho nó qua đi”- mệ cười buồn.

Theo Trần Hòe / Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)