Bí ẩn chuyện tình giữa thái giám và cung nữ Trung Quốc

Google News

Trong cung cấm Trung Hoa, chuyện thái giám và cung nữ yêu nhau vốn là chuyện cấm kỵ, tuy nhiên bất chấp tất cả, họ vẫn có tình cảm với nhau.

Dưới thời phong kiến Trung Quốc, tồn tại một số chế độ hà khắc đối với những người kẻ hầu người hạ trong cung cấm. Trong chế độ đó, nam không phải người đàn ông hoàn chỉnh, nữ không thể lấy chồng, âm dương mất cân bằng, xã hội xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường. Và như một sự bù đắp cho khuyết tật của xã hội, những con người đau khổ là thái giám và cung nữ đã tìm đến với nhau rồi thành vợ thành chồng.
Theo sử sách ghi chép lại, thời nhà Minh là thời kỳ hoạn quan có quyền lực nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, do vậy họ cũng có nhiều bổng lộc. Đây cũng là một trong những lý do mà rất nhiều kỹ nữ ở kinh thành thời bấy giờ "tình nguyện" qua lại với các hoạn quan.
Trong ghi chép của cuốn "Hậu cung", thái giám và cung nữ ở cùng nhau được gọi là "đối thực" - một cách gọi mang hương vị của việc "góp gạo nấu cơm chung". Thực tế này từ thời nhà Hán đã xuất hiện. Nhưng tới thời vua Vạn Lịch của triều Minh thì câu chuyện "đối thực" càng trở nên phổ biến và công khai, People's Daily cho hay.
Bi an chuyen tinh giua thai giam va cung nu Trung Quoc
Ảnh minh họa 
Theo sách của Thẩm Đức Phú, một nhà văn dưới triều Minh ghi chép lại, ở thời vua Vạn Lịch, nếu cung nữ nào vẫn chưa có bạn trai hay thái giám nào chưa có bạn gái thì coi như đã "bị ế". Họ thậm chí còn công khai khoác vai nhau giữa chốn ban ngày như những đôi vợ chồng bình thường khác.
Tình yêu "đối thực" rất thực tế, mối quan hệ giữa thái giám và cung nữ không chỉ dừng lại ở quan hệ luyến ái, mà còn phát triển thành quan hệ vợ chồng, thậm chí còn vô cùng lãng mạn.
Đã yêu nhau thành vợ thành chồng thì cũng phải có tên gọi cho rõ ràng. Trong Tử Cấm Thành, Thái giám gọi câu "Nương tử ơi!", cung nữ gọi câu "Phu quân ơi!" đương nhiên là chuyện cấm kỵ, nên họ luôn có ám hiệu riêng. Thái giám làm chồng của cung nữ, được gọi là "Thái Hộ", cách xưng hô này nghe có vẻ như vị công công này là món ăn của một cung nữ nào đó.
Nhưng sau này ám hiệu đã trở nên công khai, đến cả Hoàng đế cũng biết, thậm chí còn có xu hướng chấp nhận cả sự thực này, khi gặp cung nữ nào đó còn có thể hỏi "Bạn trai của ngươi là ai?" hoặc hỏi thái giám "Bạn gái của ngươi là ai?".
Thái giám và cung nữ cũng không cần phải sợ hãi, giấu giếm, họ thừa nhận rất thẳng thắn. Dù sao thì sự kết hợp giữa hai thân phận đau khổ ấy cũng không làm tổn hại tới ai, có thể nhắm mắt làm ngơ.
Trong phần “Hoạn quan truyện” của sách “Tống sử” (Sử nhà Tống) có chép chuyện một hoạn quan tên là Lâm Ức sau khi cáo lão về quê đã quyết định nuôi một kỹ nữ tên là Doanh Lợi để “bầu bạn” những năm cuối đời.
Một truyện khác lại chép, một hoạn quan tên là Trần Nguyên do phạm tội trong hậu cung bị biếm chức. Tuy nhiên, sau đó Trần Nguyên vẫn chứng nào tật nấy, mang cả kỹ nữ vào nơi làm việc để dâm loạn. Nhiều người sau đó đã nghi ngờ rằng, Trần Nguyên có thể trăng hoa với gái lầu xanh thì không thể là một hoạn quan hoàn toàn được.
Thời nhà Minh, sử sách cũng ghi lại rất nhiều trường hợp hoạn quan là “bạn thân” với các kỹ nữ. Thậm chí có nhiều hoạn quan còn công khai lấy kỹ nữ về làm vợ.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, thời kỳ nhà Minh là thời kỳ hoạn quan có quyền lực nhất, do vậy cũng có thu nhập cao nhất.
Mặc dù mối quan hệ giữa hoạn quan với kỹ nữ hay các cung nữ dù có chút dị thường, xong vẫn được nhiều người đồng tình. Bởi lẽ, xét đến cùng, hoạn quan, cung nữ hay kỹ nữ đều là những người có hoàn cảnh bi đát nhất trong xã hội phong kiến.
Một người bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, mất đi khả năng đàn ông, một người bị bắt khỏi gia đình vào cung phục dịch quanh năm, còn một người thì phải bán thân nuôi miệng.
Việc họ vì lý do này hay lý do khác tìm đến với nhau dẫu sao vẫn là đáng thương hơn là đáng trách.
Ngược lại, việc các hoạn quan dựa vào quyền thế của mình, ức hiếp người vô tội, cướp vợ của những người yếu thế thì lại là chuyện khiến người ta cảm thấy căm ghét.
Sách “Vạn Lịch dã hoạch biên” có chép chuyện Thạch Doãn thường cải trang làm thường dân tới thăm hỏi những nhà thường dân có con gái bị thái giám cưỡng bức mà chết.
Tới thời Minh Anh Tông, quan trấn thủ Đại Đồng (Sơn Tây, Trung Quốc) là Vỹ Lực Chuyển cưỡng bức vợ của một viên tướng dưới quyền. Khi người phụ nữ này tìm cách chống cự đã bị Vỹ tức giận dùng côn đánh cho tới chết.
Sau này, Vỹ Lực Chuyện còn giở trò dâm loạn với vợ của con nuôi mình. Khi mọi chuyện vỡ lở, con nuôi của Vỹ phát hiện, Vỹ đã dùng cung tên bắn chết đứa con nuôi rồi chiếm luôn người con dâu làm vợ.
Những câu chuyện nói trên chứng tỏ rằng, hoạn quan không những tồn tại nhu cầu tính dục mà thậm chí còn bị nhu cầu này biến thành những ác nhân. Vậy hoạn quan và phụ nữ làm cách nào để thực hiện chuyện ái ân? Đây là chuyện mà trước nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Có một số Hoàng đế không ưa chuyện tình giữa thái giám và cung nữ. Chu Nguyên Chương là một ví dụ điển hình. Ông thậm chí còn đưa ra hình phạt lột da những thái giám nào có quan hệ luyến ái. Sách "Nội giám" có chép rằng: "Thời Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương), nội cung được quản lý rất nghiêm. Phàm là thái giám lấy vợ đều phải chịu tội lột da".
Ở thời của Hoàng đế Vạn Lịch mặc dù chuyện "đối thực" rất phổ biến nhưng chính Vạn Lịch cũng không chấp nhận chuyện này. Chỉ cần phát hiện ra có hiện tượng "đối thực" thì những người liên quan đều chịu cực hình.
Tuy nhiên, nhu cầu mang tính bản năng của con người không phải cứ lột da hay dùng cực hình là có thể ngăn cấm được. Vì thế chuyện "đối thực" giữa thái giám và cung nữ vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi.
Theo Thu Hà/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)