Bảo kiếm hung tà, "xuất kiếm phải cho uống máu” của người Nhật

Google News

Người dân Nhật Bản thời phong kiến truyền miệng rằng, có một thanh kiếm nguy hiểm đến mức mỗi khi rút khỏi bao phải cho nó "uống máu” người, nếu không chủ nhân sẽ chịu hậu quả thay.

Đi cùng với samura Nhật Bản luôn là thanh kiếm tượng trưng cho linh hồn của họ. Ảnh minh họa. 
Theo Ancient Origins, Nhật Bản vốn nổi tiếng với những Samurai huyền thoại. Những thanh kiếm của họ còn coi là “linh hồn của samurai”. Điều này đã được đề cập trong tác phẩm "Bushido: The Soul of Japan" xuất bản năm 1899 của Nitobe Inazo.
Trong tác phẩm này, những nghệ nhân rèn kiếm được phác họa là những người tạo nên linh hồn cho thanh kiếm, gắn liền với người sở hữu và tạo nên sức mạnh cho các samurai.
Bảo kiếm sắc bén bậc nhất
Nghệ nhân rèn kiếm Muramasa Sengo là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông sống trong thời Muramachi (giữa thế kỷ 14 và thế kỷ 16), là học trò thiên tài của nghệ nhân rèn kiếm lừng danh Masamune Gorō.
Trái với tính cách của người thầy trứ danh, Muramasa lại hết sức điên rồ và bạo lực. Thanh kiếm mà ông tạo ra cũng mang tính cách bạo ngược như chủ nhân. Người cầm thanh kiếm Muramasa huyền thoại được cho là sẽ trở nên điên cuồng giống như nghệ nhân rèn kiếm năm xưa.
Tương truyền rằng, Muramasa từng phạm lỗi và bị thầy phạt. Đáp trả lại, Muramasa thách thức người thầy tham gia cuộc thi rèn kiếm, để chứng minh ai mới là nghệ nhân nổi danh nhất nước Nhật.
Cả hai người thợ sau đó đã cho ra thanh kiếm mang tên mình. Bảo kiếm Muramasa được cho là cắt mọi thứ dù khó khăn đến đâu. Người ta thử độ sắc bén của thanh kiếm bằng cách nhúng nó xuống suối rồi thả những chiếc lá lên lưỡi kiếm.
 Muramasa thực chất là thanh kiếm katana do nghệ nhân nổi tiếng cùng tên tạo nên.
Người ta đã phải trầm trồ khi tất cả những chiếc lá đều bị cắt ngọt làm đôi khi vừa chạm nhẹ vào lưỡi kiếm.
Ngược lại, thanh kiếm Masamune của người thầy không cắt được bất cứ thứ gì, nhưng chính điều này đã giúp chủ nhân của nó chiến thắng. Bởi trong khi thanh kiếm Muramasa được xem là hiện thân của ma quỷ thì bảo kiếm Masamune lại là biểu tượng của sự hướng thiện, vị tha.
Thanh kiếm Muramasa dài 70,9cm, rộng 2,4cm, chuôi chỉ ngắn 14,5cm. Trải qua hàng thế kỷ, Muramasa vẫn còn nguyên vẹn và là một trong những thanh kiếm đẹp, sắc bén bậc nhất của Nhật Bản.
Quỷ kiếm Muramasa
Danh tiếng của nghệ nhân Muramasa Sengo lan rộng nhờ bảo kiếm Muramasa. Trong suốt 200 năm sau đó, các học trò của ông đã đúc nên hàng trăm thành kiếm tương tự, nhưng chỉ thanh kiếm đầu tiên do Muramasa tạo ra được coi là bảo vật tuyệt tác.
Trong hàng thế kỷ, người ta đồn đại rằng, thanh kiếm Muramasa có thể tạm thời ban cho chủ nhân sức mạnh “bất khả chiến bại” và khả năng chịu đựng được đau đớn đến tận cùng.
Đổi lại, một khi lưỡi kiếm được rút ra, nó trở nên khát máu một cách tàn nhẫn, bắt buộc phải “uống máu” người nếu không chính chủ nhân của nó sẽ trở thành nạn nhân để bảo kiếm Muramasa giải tỏa cơn thịnh nộ. Kể từ đó, Muramasa còn được gọi là Quỷ kiếm hay Tà kiếm.
Ở thời Mạc Phủ Tokugawa Leyasu, thanh kiếm Muramasa và những bản sao của nó bị săn lùng ráo riết. Người cha và ông nội của Mạc Phủ được cho là bị giết bởi thanh kiếm Muramasa. Bản thân Tokugawa Leyasu từng bị trọng thương bởi thanh kiếm này trong khi thị sát đơn vị quân đội.
Leyasu là người mở đầu cho thời thống trị Nhật Bản của gia tộc Tokugawa, cho đến thời Minh Trị Duy Tân năm 1868.
 Bảo kiếm Muramasa hiện đang được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Nhật Bản.
Leyasu sau đó đã nghiêm cấm không cho ai được sở hữu kiếm Muramasa. Nhiều thanh kiếm tương tự được đem nấu chảy, nhưng một số khác rơi vào tay các lực lượng chống đối.
Lợi dụng danh tiếng của bảo kiếm Murasama, nhiều nghệ nhân rèn kiếm thời Mạc Phủ cũng chế tạo các bản nhái tương tự, khiến cho các nhà khảo cổ ngày nay gặp không ít khó khăn trong việc phân biệt đâu là thanh kiếm nguyên bản.
Có những giai thoại truyền rằng Muramasa từng được chủ nhân dùng để lấy mạng kẻ thù chỉ bằng một nhát chém.
Năm 1823, một võ sĩ tên Matsudaira Geki đã dùng Muramasa để chiến đấu với với 5 kẻ thù và giành chiến thắng.
Trận chiến xảy ra ở một thư viện mang tên Nishimaru. Geki lần lượt kết liễu 3 kẻ thù chỉ bằng 3 nhát chém. Hai người còn lại cố gắng bỏ chạy nhưng đều bị kết liễu.
Điều này phần nào thể hiện sức mạnh của bảo kiếm Muramasa trong tay một võ sĩ dày dạn kinh nghiệm, theo Ancient Origins.
Khi triều đại phong kiến ở Nhật sụp đổ, Muramasa không còn là thanh kiếm bị nguyền rủa. Ngược lại, các nhà khảo cổ Nhật Bản coi nó là một tuyệt tác, một bảo vật chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cất giữ trong bảo tàng.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)