Chính sử qua tay những nhà “nghiên cứu” nhẹ dạ

Google News

(Kiến Thức) - Có những tài liệu, những ghi chép "mượn danh" lịch sử để đưa đến người đọc những thông tin động trời.

Lỗi chính trong việc đưa thông tin không chính danh đến độc giả chính là do những nhà nghiên cứu nhẹ dạ.

Các thông tin động trời


"Tôi đọc trên mạng được biết: Hùng Duệ Vương sinh 22 con trai, 24 con gái. Thời kỳ đầu thông minh chính trực, từ khi lấy con gái họ Lê thì đam mê tửu sắc, bị Thục Vương và Cao Lỗ lừa cho uống rượu say, lại được người con gái họ Lê (là cô ruột Thục Phán) sai khiến đến nỗi giết hết con trai và con rể rồi mang họa diệt thân (khi chết còn say chưa tỉnh). Thậm chí, 2 chàng rể là Nguyễn Tuấn và Chử Đồng Tử đều chết về tay Cao Lỗ và Thục Phán... Xưa nay tôi đọc sử chỉ thấy Hùng Duệ Vương có hai con gái là Tiên Dung và Ngọc Hoa còn Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì cùng bay lên trời... Sao bây giờ  lại có những thông tin lạ như thế?" - đó là thắc mắc của bạn Hoàng Đức (Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội).

Trả lời về việc này, nhà nghiên cứu Phan Duy Kha viết: Đọc thắc mắc của bạn làm tôi lại nhớ lại câu chuyện cách đây trên 20 năm. Trong một cuộc hội thảo về dòng họ, tôi được một người không quen biết dúi vào tận tay một tập giấy khổ A4 đánh máy vi tính, với lời dặn: "Anh về đọc đi, trong này có nhiều thông tin mới lạ, đặc biệt lắm!".  

Về nhà, tôi mở ra xem. Đó là tập "Phả họ Nguyễn Thanh Oai - Văn Nội" được trích dịch từ bộ  "Cổ Lôi ngọc phả truyền thư" (xin viết tắt là Cổ Lôi ngọc phả), nghe nói đây là một bộ sách cổ, quý giá, do một lần họ này đục tường làm nhà gì đó, mới phát hiện ra ở trong hốc tường (!).

Tôi đã đọc một mạch hết tập tài liệu. Đúng là có nhiều thông tin đặc biệt: Kinh đô cũ Phong Châu của vua Hùng không phải ở khu vực đền Hùng, Phú Thọ hiện nay, mà ở làng Văn Nội, Thanh Oai, Hà Tây (tên cổ là Cổ Lôi hay Vân Lôi, gần Ba La - Bông Đỏ, nay thuộc Hà Nội). Kinh đô Phong Châu gọi là thành Ong (ở Văn Nội) có lịch sử lâu đời 7.000 năm, còn Đền Hùng chỉ được xây dựng vào đời vua Khải Định (1916-  1925). Rồi thì người chỉ huy 10 vạn quân Tây Sơn tấn công quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu (1789) lại là Nguyễn Thiếp và 4 người con trai của ông.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội mới có từ đời Hậu Lê, cụ thể là năm 1442, còn Văn Miếu ở làng Đa Sỹ (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) mới là Văn Miếu lâu đời của Việt Nam ta, nhưng đã bị Ngô Thì Nhậm người làng Tả Thanh Oai làm quan thời Tây Sơn, đốt mất... Toàn là chuyện động trời, xưa nay chưa từng có sử sách nào ghi chép. 

Ảnh minh họa. 

Những hiểu lầm tai hại

Nhưng tại sao những thông tin đặc biệt như thế này mà xưa nay không ai biết? Thì đây, chính Ngọc phả đã trả lời. Số là tổ tiên của dòng họ Nguyễn đã quy định với nhau rằng, đây là những thông tin "mật" trong nội bộ hoàng tộc (là người họ Nguyễn ở Văn Nội tự nhận thế), "tha nhân bất ngoại truyền" (tuyệt đối không được truyền cho người ngoài). Ở đầu mỗi đề mục đều có câu này để nhắc nhở người sử dụng (vậy sao bây giờ người ta lại dịch ra để phát cho mọi người, không sợ vi phạm lời truyền của dòng họ?).

Sau đó một thời gian, trên các sách báo tạp chí của ta bắt đầu xuất hiện những bài viết giật gân "phát hiện" những chi tiết "mới" trong lịch sử, đặt vấn đề cần nhìn nhận lại, cải chính lại lịch sử cho chính xác. Tất cả những thông tin đòi "cải chính lại lịch sử" đó đều khai thác từ Cổ Lôi ngọc phả và tập "Phả họ Nguyễn" được phát trên kia. Tất cả những bài báo đó rộ lên một thời kỳ (đầu những năm 2000) rồi dần dần tắt ngấm. Thậm chí có 2 cuốn sách cũng đã bị thu hồi, nhưng cũng đã để lại những hiểu lầm tai hại.

Phan Duy Kha

Bình luận(0)