Thiên thạch "khủng" đang lao về phía Trái đất, NASA tính thế nào?

Google News

Một tảng thiên thạch "khủng" đang lao về phía Trái đất và chuẩn bị có một cú bay sượt khá gần với hành tinh của chúng ta bằng 1/8 khoảng cách tới Mặt trăng.
 

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sẽ tận dụng cơ hội thiên thạch "khủng" đang lao về phía Trái đất này để kiểm tra khả năng xử lý với mối đe dọa từ thiên thạch vũ trụ.
Kênh RT (Nga) dẫn thông tin từ NASA cho hay, thiên thạch 2012 TC4 đang tiếp cận Trái đất với vận tốc 14km/giây, dự kiến sẽ bay sượt qua quỹ đạo hành tinh của chúng ta ở khoảng cách 43.500km vào ngày 12/10.
Ước tính ban đầu do NASA công bố hồi tháng 7 cho thấy tảng đá vũ trụ - được phát hiện lần đầu tiên cách đây 5 năm – sẽ bay sượt qua trái đất ở khoảng cách gần hơn nhiều lần, chỉ 6.700km. 2012 TC4 có đường kính từ 10 – 30m.
Thien thach "khung" dang lao ve phia Trai dat, NASA tinh the nao?
 Ảnh minh họa.
Trong khi “vị khách vãng lai” này không gây đe dọa với Trái đất, NASA sẽ tận dụng nó để thử khả năng “phục hồi, mô tả và báo cáo về một vật thể nguy hiểm tiềm ẩn đang tiếp cận Trái đất”. Cụ thể là kiểm tra hoạt động của mạng lưới theo dõi và phát hiện thiên thạch trên toàn thế giới cũng như đánh giá khả năng hợp tác để tìm ra một nguy cơ thiên thạch thực sự tiềm tàng.
Với đường kính từ 10 – 30m, 2012 TC4 được tiên đoán là to bằng hoặc lớn hơn tảng thiên thạch có tên Chelyabinsk nặng 10 tấn. Năm 2013, Chelyabinsk rơi xuống lãnh thổ Nga đã gây ảnh hưởng hàng trăm tòa nhà và thổi bay hàng ngàn cửa kính. Khoảng 1.200 người dân đã cần tới hỗ trợ y tế sau sự việc này, song may mắn không ai thiệt mạng.
Ánh sáng chói lòa của thiên thạch Chelyabinsk được trông thấy từ nhiều vùng lãnh thổ Nga và Kazakhstan.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức

>> xem thêm

Bình luận(0)