Những hiện tượng thiên văn đặc biệt năm 2013

Google News

(Kiến Thức) Năm 2012 đã kết thúc mà không có ngày tận thế, vũ trụ vẫn cứ lung linh và ẩn chứa vô vàn các hiện tượng thú vị. Chúng ta hãy cùng chào đón những sự kiện thiên văn của năm mới 2013, năm được dự đoán với những sao chổi ngoạn mục.

Mưa sao băng Quadrantids: Đây là trận mưa sao băng đầu tiên, và là một trong những trận có mật độ lớn nhất hàng năm, đạt tới 40 vệt/giờ. Tuy vậy, trận mưa sao này có khoảng thời gian cực điểm rất ngắn chỉ trong vài giờ rạng sáng ngày 04/01, với tâm điểm gần chòm sao Mục Phu của Bán thiên cầu Bắc nên khó quan sát được tại Nam bán cầu.

Sao chổi C/2011 L4: Được phát hiện vào tháng 06/2011, sao chổi C/2011 L4 hứa hẹn sẽ toả sáng bầu trời đêm mùa xuân năm tới. Nó sẽ tiến gần Trái Đất nhất ở khoảng cách 164 triệu km vào ngày 05/03. Độ sáng của nó được dự báo ngang với ngôi sao Chức Nữ, tức là hoàn toàn có thể quan sát được bằng mắt thường.

 Sao chổi C/2011 L4 ngày 09/08/2012. Ảnh: Đài quan sát Las Cumbres

Nguyệt thực một phần: Nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 26/04. Ta sẽ thấy trăng tròn bị tối một chút ở rìa phía Bắc so với bình thường. Lần nguyệt thực này quan sát được tại Úc, phần lớn châu Á, châu Âu và châu Phi, trong đó có Việt Nam.

Nhật thực hình khuyên: Nhật thực hình khuyên lần này, Mặt trăng chỉ che khuất 95,5% Mặt trời, tạo thành một hình khuyên mỏng và sáng. Các khu vực quan sát được là Bắc Australia, Thái Bình Dương, Việt Nam không quan sát được hiện tượng này.

Các hành tinh tụ hội: Sao Thuỷ, Sao Mộc và Sao Kim cùng hội ngộ tạo nên một khung cảnh ngoạn mục ở phía chân trời Tây khi Mặt trời lặn. Tới đầu tháng 06, ba hành tinh này gần như thẳng hàng với nhau.

Mô phỏng chân trời Tây lúc hoàng hôn ngày 28/05/2013. Ảnh: Stellarium

Siêu trăng: Ngày 23/06, trăng tròn vào lúc 18g34 UTC, sau khi vừa đi qua điểm cận địa 20 phút trước đó, với khoảng cách tới Trái Đất là 357.000 km, làm nó trông có vẻ lớn hơn bình thường.

Mưa sao băng Perseids: Là một trong những trận mưa sao băng được mong chờ nhất trong năm, mưa sao băng Perseids có mật độ lý tưởng đạt 80-100 vệt/giờ với nhiều vệt sáng. Cực điểm được dự báo là rạng sáng ngày 13/8, với điều kiện quan sát thuận lợi là không có ánh trăng.

Nguyệt thực nửa tối: Mặt trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của bóng Trái đất tới 76% bề mặt vào rạng sáng ngày 19/10. Ở Việt Nam, chúng ta có thể quan sát hiện tượng này lúc Mặt trăng sắp lặn trước lúc bình minh.

Nhật thực hỗn hợp: Nhật thực hỗn hợp là một hiện tượng rất hiếm gặp khi chỉ chiếm 3% tổng số các loại nhật thực trong thế kỷ XXI. Lần nhật thực này diễn ra vào ngày 03/11. Rất tiếc, hiện tượng này chỉ quan sát được ở Trung Phi và Đại Tây Dương.

 Nhật thực hỗn hợp xảy ra khi có nơi quan sát được nhật thực toàn phần (nửa trái) và có nơi quan sát được nhật thực hình khuyên (nửa phải). Ảnh: APOD

Mưa sao băng Leonids: Mật độ sao băng sẽ đạt 40 vệt/giờ vào thời điểm cực đại trong hai ngày 17 và 18 tháng 11. Năm nay, trăng tròn có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới việc quan sát.

Sao chổi C/2012 S1: Sao chổi được mong đợi nhất trong năm 2013 này sẽ tiến gần Mặt Trời nhất vào ngày 28/11 với khoảng cách chỉ 1,2 triệu km và đạt độ sáng rất lớn, có thể lớn hơn so với Mặt Trăng. Ta có thể quan sát sao chổi này trước và sau thời điểm đó để tránh ánh sáng Mặt Trời, tức là từ giữa tháng 11 vào lúc hoàng hôn và đầu tháng 12 trước lúc bình minh.

Sao Kim trở thành Sao Hôm: Tháng 12 là khoảng thời gian Sao Kim đạt vị trí cao nhất và độ sáng lớn nhất trên bầu trời hoàng hôn cuối năm.

Mưa sao băng Geminids: Mật độ sao băng có thể lên tới 100-120 vệt/giờ sau khi Mặt Trăng lặn vào rạng sáng ngày 14/12. Đây là trận mưa sao băng có mật độ cao và dễ quan sát hàng năm.

*Thời gian trong bài đều là giờ Việt Nam (GMT+7)

Vũ Lộc

Bình luận(0)