Bí ẩn rùa Hoàng gia ở Suối Tiên

Google News

Sau khi biết thông tin cá thể Rùa Hoàng gia đang có ở Việt Nam, phía nước bạn Campuchia đã xúc tiến xin lại...

- Rùa Hoàng gia - một loài rùa đặc biệt quan trọng đối với Campuchia hiện gần như đã tuyệt chủng, tình cờ được phát hiện tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, TPHCM. Sau khi biết thông tin cá thể rùa này đang có ở Việt Nam, phía nước bạn Campuchia đã xúc tiến xin lại...

Cá thể rùa quý hiếm

Rùa Hoàng gia chính là tên gọi của cá thể rùa nước ngọt lớn có tên khoa học Batagur affinis - một loài rùa nước ngọt vốn sống tại khu vực rừng ngập mặn ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia... Tuy nhiên, đáng buồn là từ một loài rùa từng có số lượng quần thể rất lớn đến nay đã gần như đã tuyệt chủng bởi chúng bị người dân đánh bắt lấy trứng và thịt.

Đối với người dân Campuchia thì loài rùa này không chỉ có giá trị bảo tồn mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt. Quốc vương Campuchia tuyên bố loài rùa này là tài sản của Hoàng gia và nghiêm cấm các hành vi săn bắt. Tuy nhiên, rùa Batagur đã từng được coi là đã biến mất hoàn toàn tại Campuchia. Cho đến đầu năm 2000, một số cá thể của giống rùa quý hiếm này được phát hiện tại hệ thống sông Sre Ambe - Tây Nam Campuchia.

Ngay sau sự phát hiện đặc biệt này đã một Dự án Bảo tồn rùa Batagur ra đời tại lưu vực sông Sre Ambel. Dự án này được triển khai, tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn quần thể rùa quý này khỏi những tác động tiêu cực của con người đến môi trường sống và khỏi việc buôn bán trái phép. Các nhà khoa học ước tính chỉ còn vài cá thể rùa cái trong thời kỳ sinh sản và loài rùa quý hiếm này gần như tuyệt chủng!

Tình cờ vào tháng 10/2010, một cán bộ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã phát hiện ra một cá thể rùa Hoàng gia cái, đang được nuôi dưỡng tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, TPHCM...

Rùa Hoàng gia nuôi ở Suối Tiên.
Rùa Hoàng gia nuôi ở Suối Tiên.

Trở về Campuchia sau gần 30 năm

Ông Đinh Văn Vui, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Suối Tiên cho biết, mùa lũ năm 1980, một người nông dân đã tình cờ bắt được một con rùa Batagur trong tự nhiên. Thấy rùa có nhiều màu sắc lạ nên người dân đem bán cho Khu du lịch Suối Tiên, khi đó rùa nặng khoảng 2kg. Lúc này các cán bộ của Khu du lịch cũng không biết gì về loài rùa này mà chỉ thấy đẹp nên mua nuôi làm cảnh. Sau hơn 30 năm, chú rùa Batagur ở Suối Tiên đã nặng hơn 45kg.

Được tin, ông Nao Thuok, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Campuchia đã đại diện Chính phủ Campuchia gửi công văn xin phía Việt Nam giúp đỡ cho xin lại cá thể rùa Hoàng gia lưu lạc này để đưa về Campuchia. Trước đề nghị của nước bạn, chính quyền TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với Khu du lịch Suối Tiên để xem xét tặng lại Rùa Hoàng gia cho nước bạn.

Đầu tháng 10 vừa qua, phía Campuchia đã cử phái đoàn sang Việt Nam tiếp nhận chú rùa đặc biệt này. Sau khi làm các thủ tục bàn giao, đoàn đã làm lễ rước rùa long trọng về nước. Ông Ing try, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Campuchia cho biết: "Đây là một tin vui đối với người dân Campuchia. Theo quyết định của Chính phủ Campuchia, chú rùa này sẽ được chuyển cho Dự án Bảo tồn rùa Batagur ở lưu vực sông Sre Ambel. Cá thể rùa Batagur sẽ đóng góp đáng kể cho chương trình nhân giống nhằm tăng số lượng quần thể rùa Batagur và cũng như để tăng sự đa dạng cho nguồn gen của loài này".
 
Đại diện Kiểm lâm Việt Nam trao quyết định vận chuyển đặc biệt Rùa Hoàng gia.
Đại diện Kiểm lâm Việt Nam trao quyết định vận chuyển đặc biệt Rùa Hoàng gia.
"Đây là một loài động vật đặc biệt quan trọng, không chỉ có giá trị bảo tồn mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt với người dân Campuchia. Việc mang được cá thể rùa cái vẫn còn khả năng sinh sản này về nước, hy vọng sẽ giúp gia tăng quần thể loài rùa quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Campuchia".
Ông Nao Thuok (Cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Trưởng ban Khoa học CITIES về nguồn lợi thủy sản Campuchia)
Việt Nhân
[links()]

Bình luận(0)