5 tiểu phẩm hài Tết hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh

Google News

(Kiến Thức) - Xuân Hinh là nghệ sĩ sản xuất hài Tết từ đầu những năm 90 và gây được nhiều dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.

5 tieu pham hai Tet hay nhat cua nghe si Xuan Hinh
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh trong tiểu phẩm "Người ngựa, ngựa người". 
Xuất thân từ một nghệ sĩ hát dân ca, nghệ sĩ Xuân Hinh đến với nghiệp diễn hài cũng rất tình cờ. Năm 1988, nghệ sĩ Xuân Hinh tham gia diễn tiết mục chèo "Cu Sứt" trong Festival Cười ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, được khán giả khen ngợi. Từ đó ông bắt đầu tham gia vào nghiệp diễn hài.
Những tiểu phẩm hài đầu tiên của nghệ sĩ Xuân Hinh vẫn mang nặng phong vị chèo cổ. Những tiểu phẩm này mang ý nghĩa phê phán thói hư tật xấu trong cuộc sống thường ngày. Về sau, cùng với sự thay đổi của nhịp sống hiện đại, nghệ sĩ Xuân Hinh cho ra đời nhiều hơn các vở hài mang hơi thở thời đại, yếu tố chèo được lược bớt đi.
Xuân Hinh cũng được coi là nghệ sĩ đầu tiên sản xuất hài Tết. Thời kỳ phong trào sản xuất hài - giải trí chưa phát triển, những vở kịch của Xuân Hinh được người ta xem đi xem lại mà không biết chán. Từ đó đến nay đã gần 30 năm, nhưng những tiểu phẩm hài Tết của Xuân Hinh vẫn luôn được người ta chờ đón mỗi dịp Tết đến xuân về.

Sau đây là 5 tiểu phẩm hài Tết đặc sắc nhất của nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh:

1. Xuân Hinh đi hỏi vợ

"Xuân Hinh đi hỏi vợ" là một tiểu phẩm hài Tết được Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền diễn rất thành công năm 1997. Tiểu phẩm nói về một anh chàng đến thăm nhà người yêu để xin cưới vợ, nhưng bị mẹ vợ thách cưới quá cao khiến anh không thể đáp ứng được. Cuối cùng 2 bên đã đi đến quyết định tổ chức một đám cưới đơn giản và tiết kiệm.

Tiểu phẩm ra đời nhằm phê phán hủ tục thách cưới rình rang và hưởng ứng phong trào thực hiện đám cưới theo nếp sống mới.

2. Thầy dởm

"Thầy dởm" được phỏng tác từ những câu truyện tiếu lâm Việt Nam. Bộ phim kể về 3 ông thầy có vai vế trong các làng quê Việt Nam xưa là thầy đồ, thầy bói (cúng), thầy thuốc.

Bộ phim hài có sự góp mặt của Công Lý (vai thầy đồ), Quốc Anh (vai thầy thuốc), Xuân Hinh (vai thầy bói). Mặc dù không có nhiều năng lực lại hám ăn, hám gái... các ông thầy đã phải trả giá cho những hành động lừa đảo của mình.

3. Lên voi

"Lên voi" là bộ phim hài Tết được giới thiệu năm 2006 của đạo diễn Phạm Đông Hồng với sự góp mặt của nhiều danh hài nổi tiếng như Quang Thắng, Xuân Hinh, Kim Oanh, Quốc Anh...

Bộ phim lấy bối cảnh Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Câu chuyện kể về một anh ở đợ tên Ất (Xuân Hinh) đã vô tình lấy được cô hoa khôi Bắc kỳ nhờ cậu chủ xấu tính. Cậu chủ của Ất vốn là một đại gia muốn lấy cô hoa khôi Bắc kỳ làm vợ nhưng tội cái ít học, ngắn chữ nên gia đình cô không đồng ý. Ôm hận, cậu chủ Kim Ấm của Ất đã cải trang cho Ất làm Việt Kiều để đến xin cưới cô Hoa khôi kia. 
Sẵn có trong người chút thơ văn và ngoại ngữ học mót, Ất có dịp trổ tài để lọt vào mắt gia đình cô hoa khôi. Để rồi, từ một thằng ở đợ không lễ nghĩa, không học hành, Xuân Hinh đã được cô vợ dạy chữ, lễ nghĩa và đỗ đạt làm quan.

4. Người ngựa, ngựa người

"Người ngựa, ngựa người" là câu chuyện xúc động về 2 kẻ khốn cùng cơ cực trong xã hội cũ, một người là gái bán hoa, một người là phu kéo xe. 
Anh phu xe (Xuân Hinh) vì muốn kiếm thêm vài đồng cho đàn con 5 người ở nhà nên cố chạy xe đêm 30 Tết nhưng vô tình lại có khách là một cô gái bán hoa không một đồng trong túi đang cố rong ruổi tìm khách kiếm đôi đồng qua đêm giao thừa. Hai kẻ khốn cùng đã vô tình va phải nhau trong đêm 30 Tết rồi cùng kéo nhau đi kiếm tiền cho đến hết đêm giao thừa.
Tiểu phẩm mang đến cho khán giả sự xúc động nghẹn ngào trước cảnh sống khốn cùng của con người trong xã hội cũ. 

5. Người lịch sự

Được ra đời từ năm 2008, tiểu phẩm "Người lịch sự" đã gây được tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Tiểu phẩm kể về một buổi uống rượu ăn thề của 2 anh chàng nghiện rượu nhưng bị tan vỡ vì có kẻ thứ 3 phá đám. Kẻ thứ 3 đó là một cô gái bợm rượu (do Xuân Hinh giả gái), cô này không được mời đến nhưng bằng nhiều mánh khóe đã uống sạch rượu ăn thề của 2 anh chàng kia.

Tiểu phẩm đả kích sâu cay thói nghiện rượu trong dân gian, đồng thời chỉ trích thói xấu, tìm đủ lý do để uống rượu của những kẻ suốt ngày say khướt.
Tuấn Lê

Bình luận(0)