"Ma trận" tương ớt bẩn tấn công thị trường Việt

Google News

(Kiến Thức) - Tương ớt bẩn, tương ớt không rõ nguồn gốc đang được bày bán nhiều trên thị trường Việt. 

Mời các bạn xem trailer của chương trình:
Trên thị trường Việt hiện nay, rất nhiều tương ớt bẩn, tương ớt không rõ nguồn gốc, không hợp vệ sinh được đưa ra tiêu thụ, thực sự là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Những chai tương ớt không nhãn mác hiện nay được sản xuất tại các cơ sở không hợp vệ sinh hay không được cấp phép thường rất bẩn, chứa nhiều loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Các cơ sở thường cho thêm chất chống mốc, ôi thiu, chất bảo quản không biết nguồn gốc xuất xứ.
Tương ớt không rõ nguồn gốc được bày bán khá nhiều tại các chợ với giá rất rẻ 26.000 đồng/5 lít.
Người bán thì cứ vô tư bán, còn người tiêu dùng cũng vô tư thưởng thức dù có thể biết nó không hợp vệ sinh mặc cho báo chí và truyền hình cảnh báo nhiều lần về tình trạng này. Có lẽ vì thói quen đã có từ lâu, nên họ dường như chẳng quan tâm đến liệu chai tương ớt trong quán kia có xuất xứ từ đâu? Có được chế biến đảm bảo an toàn hay không?
Để tìm hiểu loại tương ớt bẩn vốn được bán ở hầu khắp những quán hủ tiếu, bún, hay cơm gà xối mỡ mà người ta vẫn truyền tai nhau là có giá siêu rẻ, những người thực hiện chương trình "8h 15 phút tối" đã tìm đến một tiệm tạp hóa chuyên bán các loại tương ớt để tìm hiểu rõ hơn về giá cả cũng như nguồn gốc của loại tương ớt kém chất lượng này. Tại đây, chúng tôi nhận được câu trả lời thật bất ngờ, khi can tương 5 lít giá rẻ nhất chỉ có giá 26.000 đồng.
Cận cảnh một nồi tương ớt được chế biến theo phương thức rẻ nhất hợp ý các chủ quán mà không nghĩ đến việc ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. 
Dạo qua một vài chợ khác khu vực nội thành, không khó để bắt gặp những can, thùng tương ớt được đóng sẵn để bán cho khách. Tại các khu chợ như Chợ Lớn, Chợ Bà Chiểu, Chợ Kim Biên, khu vực gần cầu Ông Lãnh (Q.1-TP HCM), các loại tương ớt “ba không” được bày bán nhan nhản. Thậm chí, nhiều chủ hàng chẳng ngần ngại về nói về địa chỉ bán các sản phẩm trôi nổi này.
Theo tìm hiểu loại tương ớt giá rẻ thường được đóng trong các chai lớn khoảng từ 2 lít đến 10 lít có chứa một hóa chất có tên Rhodamine B. Đây là một loại phẩm màu công nghiệp khó phân hủy, do vậy khi ăn vào sẽ tồn dư tại các cơ quan nội tạng, nhiều nhất ở gan, thận. Điều đáng nói là đây là loại hóa chất dùng để nhuộm quần áo, cấm dùng trong thực phẩm.
Để đảm bảo sức khỏe gia đình và bản thân, chúng ta có thể tự làm tương ớt ở nhà với công thức đơn giản hoặc mua tương ớt tại các siêu thị lớn có nhãn mác tránh việc ăn phải tương bẩn như hiện nay. 
Trước đây, người tiêu dùng đã từng biết đến hóa chất này dùng để nhuộm hạt dưa. Tuy nhiên, khi có mặt trong tương ớt thì chất độc này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần do đi vào cơ thể trực tiếp qua đường tiêu hóa. 
Các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, hóa chất trên rất khó nhận biết vì đó là phẩm màu không mùi, không vị. Người tiêu dùng có thể học cách nhận biết qua màu sắc của tương ớt, ớt bột. Ớt nguyên chất có màu đỏ của vỏ, màu vàng của hạt nên khi nghiền thành bột có màu da cam hoặc hơi đỏ chứ không có màu đỏ đều, sặc sỡ. Tương ớt có sử dụng chất màu Rhodamine B thường có màu sặc sỡ, khi dính vào thức ăn khác như thịt sẽ để lại màu như nhuộm, không phai màu trong nước.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Thúy Anh – Phòng khám đa khoa Ngọc Minh - cho biết: “Ngoài giá rẻ, một nguyên nhân khác khiến cho sản phẩm tương ớt không đảm bảo vẫn “sống khỏe” đến từ thói quen sử dụng thức ăn đường phố có phần dễ dãi của mọi người. Điều này đã vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ sản phẩm tương ớt không có nguồn gốc đảm bảo vào thẳng bàn ăn của người dân”.
Tương ớt, ớt bột có dùng hóa chất thường có giá thành rất rẻ, không nhãn mác, vì vậy người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua phải sản phẩm chứa độc tố.
Mời các bạn đón xem chương trình "Cận cảnh công xưởng làm tương ớt bẩn" trong dải giờ "8 giờ 15 phút tối" trên kênh An ninh Thế giới (ANTG) – Truyền hình An Viên:
- Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Tư (16/9/2015)
- Phát lại: 9h00 thứ Năm (17/9/2015) & 15h00 thứ Sáu (18/9/2015)
Vinh Sơn

Bình luận(0)