Siêu thị Trần Anh dùng người mẫu mặc quân phục vi phạm điều cấm?

Google News

(Kiến Thức) - Siêu thị Trần Anh dùng người  mẫu mặc quân phục, tay bồng súng  có thể vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Xoay quanh việc siêu thị Trần Anh dùng người mẫu mặc quân phục, tay bồng súng đứng ở cửa siêu thị Trần Anh tại Nam Định đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, Báo điện tử Kiến Thức đã có buổi trao đổi nhanh với Luật Sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam.
Theo quan điểm của luật sư Hào, việc siêu thị điện máy Trần Anh sử dụng chiêu trò quảng cáo tiếp thị bằng việc cho người mẫu mặc trang phục quân nhân, rồi bồng súng trong bối cảnh cả nước đang hướng tới kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 cần phải xem xét về mục đích, tính chất của hành vi này.
Sieu thi Tran Anh dung nguoi mau mac quan phuc vi pham dieu cam?
Hình ảnh nhân viên mặc quân phục, tay ôm súng đứng trước cửa siêu thị Trần Anh gây tranh cãi. Ảnh: Mạng xã hội. 
“Có thể những nhân viên bán hàng muốn thu hút sự chú ý của khách hàng tạo hình ảnh thân thiện, gắn việc kinh doanh với việc ghi nhớ những ngày kỷ niệm của đất nước tuy nhiên lại không xét đến những yếu tố khác về lịch sử cũng như bối cảnh xã hội nhạy cảm hơn trong những ngày lễ lịch sử trọng đại của đất nước.
Ngoài ra một số hành vi quảng cáo trong kinh doanh cần phải được sự phê duyệt và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì mới hợp pháp. Mà theo Điều 8 Luật quảng cáo 2012 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo gồm các hoạt động: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”, “Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội”, “Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực”.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, việc siêu thị Trần Anh sử dụng mẫu mặc quân phục, tay bồng súng đứng ở cửa siêu thị Trần Anh tại Nam Định có thể bị xem xét về hành vi vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Đối với những hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cụ thể:
Với hành vi Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điểm d khoản 4 Điều 51 Nghị định 158/NĐ-CP)
Với hành vi Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/NĐ-CP)
Và trường hợp hành vi quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Điểm c Khoản 2 Điều 50 Nghị định 158/NĐ-CP).
Mời độc giả xem clip: Trần Anh sẽ bị phạt nặng vì dùng người mẫu bikini 
Hồng Liên

Bình luận(0)