Phạt nữ cán bộ nói Chủ tịch tỉnh “mặt kênh kiệu” có đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Nên làm rõ câu nói Chủ tịch tỉnh “mặt kênh kiệu” có phải hành vi xúc phạm. Nếu xử phạt không có căn cứ, người bị phạt có quyền khiếu nại.

Xung quanh vụ việc bà Lê Thị Thùy Trang bị phạt vì nói Chủ tịch tỉnh "mặt kênh kiệu", Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, khi đưa ra quyết định xử phạt cần phải làm rõ hành vi vi phạm. 
Trước đó, bà Trang là tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị phạt 5 triệu đồng do “khi đọc báo nội dung Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang, bà Trang tải lại thông tin này lên facebook cá nhân rồi vào bình luận chê chủ tịch UBND tỉnh: “nhìn cái mặt kênh kiệu…” và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang cũng bị phạt 5 triệu đồng vì vào comment (bình luận), like trên facebook của bà Trang.
"Trong trường hợp này cần làm rõ xem câu nói “nhìn cái mặt kênh kiệu” có phải là hành vi xúc phạm lãnh đạo tỉnh An Giang để đưa ra mức độ xử lý phù hợp, nếu câu nói đó không mang hàm ý xúc phạm thì người bị xử phạt có quyền khiếu nại quyết định này vì quyết định xử phạt không có căn cứ", Luật sư Thái nhận định.
“Trên thực tế, xúc phạm danh dự theo điều 121 Bộ luật Hình sự chính là tội “làm nhục người khác. Ở điều này không có xử phạt hành chính. Cụ thể, điều 121 quy định tội làm nhục người khác như sau: “ 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm", Luật sư Thái cho biết.
Phat nu can bo noi Chu tich tinh “mat kenh kieu” co dung luat?
 Thông tin việc xử lý đăng trên Cổng thông tin điện tử An Giang.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích thêm, "Làm nhục người khác" thực chất là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện”.
Bên cạnh đó, trong Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì bị xử phạt hành chính, cụ thể: "1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Theo cơ quan chức năng An Giang cho biết, việc xử phạt hành chính bà Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang được áp dụng theo điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Luật sư Thái đánh giá, trong điều 66, chỉ có điểm g, khoản 3 là nói về hành vi xúc phạm cá nhân cụ thể “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Tuy nhiên điểm g, khoản 3, điều 66 áp dụng với thông tin số. 
Trong khi đó, thông tin số là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số. Cần làm rõ việc, các đối tượng bị xử phạt khi chia sẻ bài báo có nội dung thông báo về những sai phạm của Chủ tịch tỉnh trong quá trình lãnh đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và đã để xảy ra sai phạm, kèm theo câu nói “nhìn cái mặt kênh kiệu” có phải là hành vi vi phạm về thông tin số hay không?
“Nếu quyết định xử phạt trên không có căn cứ, người bị phạt có quyền khiếu nại quyết định này”, Luật sư Thái nhìn nhận.
Liên quan đến vụ việc trên, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. 
Một số chính kiến cho rằng, việc chỉ chia sẻ một bài báo lên mạng xã hội Facebook kèm theo câu nói “ nhìn cái mặt kênh kiệu” chưa đến mức vi phạm hành vi xúc phạm uy tín danh dự người khác. Để làm rõ câu nói "nhìn cái mặt kênh kiệu" có phải là hành vi xúc phạm, một diễn đàn đã lập bảng thăm dò ý kiến thành viên, đa số đều cho rằng, câu nói đó chỉ là cảm tưởng cá nhân, nhiều ý kiến khác thì cho rằng đó là "phê bình nhẹ nhàng". 
Theo từ điển Tiếng Việt, nghĩa “kênh kiệu” là làm cao để tỏ vẻ hơn người, nếu câu nói này ám chỉ chủ tịch tỉnh cũng chưa đến mức là hành vi xúc phạm uy tín cá nhân đến mức tỉnh này phải huy động nhiều cơ quan chức năng vào xử lý. Ngoài việc bị phạt hành chính, hai người bị phạt còn bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng, bị cơ quan thông tin của tỉnh này đăng tải trong kết quả xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xét về tình và cân nhắc xem xét kỹ thì mức độ vi phạm của ba cán bộ trên chưa đáng bị xử lý nặng như thế, vô tình tạo thêm dư luận không tốt. Có ý kiến còn thẳng thắn nhìn nhận, việc xử phạt trên đi ngược lại với các quy định của pháp luật cũng như chủ trương đường lối của Nhà nước về việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận, về sự giám sát của nhân dân đối với các chức danh lãnh đạo.
Phat nu can bo noi Chu tich tinh “mat kenh kieu” co dung luat?-Hinh-2
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến nhìn nhận, hiện nay trên mạng xã hội, không ít người có những phát ngôn, lời nói nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà chưa bị xử lý. Việc tự do ngôn luận, tự do báo chí phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ pháp luật, cần phải áp dụng những chế tài trong một số trường hợp cần thiết để đảm bảo giới hạn của các quyền tự do. Đây cũng là bài học cho nhiều người khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội và cũng là bài học quý để các cơ quan chức năng nhìn nhận khi ra quyết định xử phạt những hành vi xúc phạm đó.
Hải Ninh

Bình luận(0)