Người chồng cắt gân tay, gân chân vợ có thể chịu án tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - Tùy vào bằng chứng thực tế và kết luận của cơ quan điều tra, người chồng cắt gân tay, gân chân vợ có thể chịu mức án cao nhất là tử hình.

Liên quan đến việc đối tượng Chu Quang Đạo (SN 1966, trú tại thôn Chớp, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) - nghi can trong vụ chồng cắt gân tay, gân chân vợ - đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi gây thương tích cho vợ là chị Dương Thị Hồng (SN 1983, cùng thôn) vào ngày 11/8, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Nguoi chong cat gan tay, gan chan vo co the chiu an tu hinh?
 Chu Quang Đạo tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Bắc Giang.
Luật sư Tiến nhận định, nghi can Chu Quang Đạo có bản tính hung hăng, côn đồ (có hai tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cướp tài sản"), dù đã bị trừng trị bởi pháp luật nhưng không tỉnh ngộ mà vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như nhẫn tâm dùng dao cắt gân chân, gân tay vợ. Dã man hơn, đối tượng Đạo còn dùng dao đâm vào vùng mắt vợ khiến chị này bị thương nặng.
Trên thực tiễn, có hai tội phạm rất dễ gây nhầm lẫn là “Giết người chưa đạt” và “Cố ý gây thương tích”. Về mặt khách quan thì giữa giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích rất giống nhau nhưng về mặt chủ quan thì giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn nạn nhân chết nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ, còn cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho người khác chứ không muốn làm chết người.
Vì vậy, để xác định chính xác ý thức chủ quan này, cơ quan tố tụng phải đánh giá, đối chiếu, phân tích các tình tiết khách quan một cách toàn diện. Xét những thông tin ban đầu cho thấy, với hành vi mà nghi can Đạo đã thực hiện và hậu quả mà Chị Hồng phải gánh chịu, nghi can Đạo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác" (Điều 104 BLHS) hoặc tội "Giết người" (Điều 93, BLHS).
Việc định tội danh chính xác đối với nghi can Đạo thì cần có kết luận cuối cùng của Cơ quan tố tụng. Bằng nghiệp vụ của mình, Cơ quan tố tụng phải tìm ra được câu trả lời về mục đích, động cơ phạm tội; Nghi can Đạo có thấy trước hậu quả nghiêm trọng, mong muốn hay để mặc nó xảy ra hay không…để có căn cứ định tội đối với nghi can Đạo.
Đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác" về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 104 BLHS, tùy vào tỷ lệ thương tật của người bị hại và hành vi của nghi can Đạo mà có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, 2, 3 hoặc khoản 4 của Điều này. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là “phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.”
Đối với tội "Giết người" theo Điều 93, phải tùy vào bằng chứng thực tế và kết luận của cơ quan điều tra mà hành vi của nghi can Chu Quang Đạo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất là “phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm tù, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm.
Bên cạnh đó, nghi can Đạo từng có 2 tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cướp tài sản", nghi can này mới ra tù năm 2007. Đặt giả thiết, nghi can Đạo phải chịu hình phạt tù từ 15 năm thì tính đến thời điểm tháng 8/2015, nghi can Đạo đã được xóa án tích theo quy định tại Điều 64 BLHS. Do đó, hai tiền án này không được sử dụng là tình tiết tăng nặng hình phạt theo quy định tại Điều 49 BLHS về Tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Điều 104 BLHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Điều 64. Đương nhiên được xoá án tích
Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.
Điều 49. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Hồng Liên

Bình luận(0)