CSGT trưng dụng thiết bị cá nhân: Có vi phạm quyền sở hữu tài sản?

Google News

(Kiến Thức) - “CSGT trưng dụng thiết bị cá nhân và tổ chức rõ ràng là vi phạm tài sản, quyền sở hữu cá nhân", luật sư Phạm Hồng Thái nhận định.

Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 tới đây có một số điều khoản gây tranh cãi trong dư luận. 
Một số ý kiến cho rằng, quyền dừng các phương tiện đang lưu hành của CSGT là đang nới rộng quyền của CSGT. Đặc biệt, trong thông tư mới này, CSGT được phép trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. 
Việc CSGT trưng dụng thiết bị cá nhân sẽ giảm quyền giám sát của người dân nếu CSGT trưng dụng phương tiện thông tin liên lạc mà người dân sử dụng để quay clip lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ có hành vi sai trái không đúng chức năng nhiệm vụ của lực lượng này. Nhiều ý kiến còn khẳng định, việc quy định trưng dụng các thiết bị trên là vi phạm luật dân sự.
CSGT trung dung thiet bi ca nhan: Co vi pham quyen so huu tai san?
 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, dường như với một số quy định trong thông tư 01/201/TT-BCA, ngành công an có nhiều quyền quá! Tại mục 6 của điều 5 này cũng quy định rõ: “CSGT được phép trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật” rõ ràng là vi phạm tài sản, quyền sở hữu cá nhân.
Cụ thể, Điều 169. Bảo vệ quyền sở hữu (Bộ luật Dân sự 2005) quy định rõ:
1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
3. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc trưng dụng điện thoại và các thiết bị khác phải chăng là vi phạm luật dân sự đó sao”, Luật sư Thái dẫn luật và phân tích.
Nói về việc, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, hình thức tuần tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông trong thông tư 01/2016 là “nới them” quyền cho CSGT, Luật sư Thái nhìn nhận: “Trước đây, thông tư 65 (2012) quy định có 5 trường hợp cụ thể CSGT được quyền dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra. Nội dung này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 12, Thông tư số 01/2016 như đã nêu ở trên nên quyền hạn, nội dung, hình thức tuần tra kiểm soát dường như không thay đổi. Cụ thể, điều 12 thông tư 01/2016 quy định rõ các trường hợp cán bộ được dừng các phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Tin báo, tố giác tội phạm về hành vi vi phạm pháp luật và phương tiện tham giao thông.
Hải Ninh

Bình luận(0)