Cháy chung cư Xa La: Đại gia Thản có phải bồi thường cho dân?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu nguyên nhân vụ cháy chung cư Xa La có lỗi của Chủ đầu tư, đơn vị quản lý và công ty điện lực thì tất cả các đơn vị đều phải bồi thường.

Liên quan đến vụ cháy tại chung cư CT4A, 4B, KĐT Xa La (Hà Nội) vào chiều tối ngày 11/10, khiến 10 người bị thương do nhiễm khói (trong đó có bốn chiến sĩ PCCC). Về tài sản, bước đầu xác định cháy khoảng 200 xe máy, 45 xe đạp và một ôtô bị ảnh hưởng nhiệt bong tróc sơn. Toàn bộ kết cấu tầng hầm của tòa nhà bị thiệt hại do nhiệt, đến giờ các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, sớm làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhưng đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại vụ cháy vẫn đang được dư luận đặt câu hỏi.
Trong những ý kiến tranh luận về việc đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vụ cháy nổi lên một số ý kiến đang quan tâm. Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân ban đầu gây ra vụ cháy xuất phát từ tủ kỹ thuật điện ở tầng hầm. Tủ kỹ thuật điện là tài sản của Điện lực quận Hà Đông để phục vụ bán điện cho người dân ở tòa nhà, không phải là tài sản của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên vì thế có thể đơn vị quản lý, vận hành khu đô thị Xa La sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản do vụ cháy chung cư Xa La xảy ra đêm 11/10. Thứ hai, có ý kiến cho rằng, nếu xác định được nguyên nhân vụ cháy do điện hoạt động bình thường nhưng do người sử dụng hoặc người vận hành không đúng thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà trên.
Chay chung cu Xa La: Dai gia Than co phai boi thuong cho dan?
 Vụ cháy khiến 10 người bị thương, khoảng 200 xe máy bị cháy, 45 xe đạp và một ôtô bị ảnh hưởng nhiệt bong tróc sơn. (Ảnh Minh Bái).
Mới đây nhất khi trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, chủ đầu tư chung cư CT4 còn để hàng loạt sai phạm trong công tác PCCC. Trên thực tế, tòa nhà CT4A và CT4B đã lắp họng từ tầng hầm đến tầng 34. Có trụ nước chữa cháy tòa nhà, có bố trí bình chữa cháy tại tầng, hệ thống báo cháy cũng được trang bị ở hầm và các hành lang...Tuy nhiên, chủ đầu tư chung cư Xa La chưa thực hiện các kiến nghị tại thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy như: thiết kế buồng thang kín cửa chống cháy, chịu lửa trên 45 phút,...; không có giải pháp chống tránh lan theo chiều thẳng đứng. Hành lang dài trên 60m chưa có giải pháp ngăn cháy, bơm chữa cháy chưa đảm bảo lưu lượng theo quy định; chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động tại các tầng nổi; phương tiện chiếu sáng khi thoát nạn không đầy đủ và đảm bảo khoảng cách theo quy định; giải pháp chống tụ khói chưa có theo quy định (hành lang, hầm, thang). Hệ thống báo cháy tự động chỉ có ở hành lang không có trong căn hộ.
Bản thân ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên khi trả lời báo chí cho hay, do chưa xác định được nguyên nhân chính xác của vụ cháy nên chưa thể xác định được trách nhiệm bồi thường.“Nếu nguyên nhân cháy do điện thì bên phụ trách điện sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho người dân, còn nếu là nguyên nhân của Ban quản lý thì Ban quản lý sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống ở các toà nhà này”, ông Thản khẳng định.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, việc đơn vị điện lực Hà Đông hay chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vụ cháy trên phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến vụ cháy. Do đó phải xác định chính thức nguyên nhân cháy mới có thể đưa ra việc đơn vị nào chịu trách nhiệm chính thức.
Khi trao đổi về ý kiến cho rằng, nguyên nhân ban đầu gây ra vụ cháy ở tòa nhà CT4A - KĐT Xa La xuất phát từ tủ kỹ thuật điện ở tầng hầm. Đây là tài sản của Điện lực quận Hà Đông để phục vụ bán điện cho người dân ở tòa nhà này thì điện lực quận Hà Đông có phải chịu trách nhiệm, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, trong trường hợp dù nguyên nhân cháy có xuất phát từ tủ kỹ thuật điện ở tầng hầm, là tài sản của Điện lực Hà Đông nhưng phải xem vì sao tủ điện cháy. Nếu tủ điện hoạt động bình thường nhưng do người sử dụng hoặc người vận hành không đúng hoặc do cư dân trong đó có hoạt động gì khiến tủ điện quá tải, đoản mạch thì trách nhiệm lại thuộc về đơn vị quản lý tòa nhà. Nói tóm lại phải xem lỗi của ai thì người đó phải bồi thường chứ không phải tài sản của ai.
“Ví như ô tô của anh cho bạn mượn, bạn đi quá tốc độ gây tai nạn thì bạn anh phải đền còn anh là người liên đới chịu trách nhiệm, chứ không phải anh chịu trách nhiệm”, Luật sư Thái dẫn giải.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, để xảy ra vụ cháy, nếu chủ đầu tư không tuân thủ quy định PCCC dẫn đến vụ cháy thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường.
“Thực chất, các quy định về PCCC của Việt Nam khá đầy đủ nhưng việc thực hiện nó thì vẫn không nghiêm. Nếu kiểm tra toàn bộ các nhà chung cư thì hiếm có tòa nhà nào đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy. Ngay như quy định tập huấn theo phương án phòng cháy chữa cháy cho người dân và cấp giấy chứng nhận 2 năm 1 lần nhưng chắc cũng không nhiều người tham gia tập huấn. Qua vụ cháy, người dân mới thấy tầm quan trọng của công tác này”, Luật sư Thái cho biết.
“Nhưng có một vấn đề nữa đáng quan tâm là thiết bị điện liệu có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều những sản phẩm giả, nhái từ dây điện đến các thiết bị điện khác mà có chất lượng kém hơn hàng thật rất nhiều. Bên cạnh đó cũng cần xem xét vị trí đặt tủ điện cho phù hợp với quy định PCCC hay không? Nếu không phù hợp hay tủ điện kém chất lượng thì điện lực Hà Đông phải chịu trách nhiệm. Bởi anh lắp đặt và ngay cả người nghiệm thu đều phải chịu trách nhiệm. Việc này không chỉ riêng chủ đầu tư, đơn vị quản lý và Công ty điện lực, nếu có lỗi của các đơn vị này thì tất cả các đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Hải Ninh

Bình luận(0)