Thảm sát ở Nghệ An: Hung thủ có thể bị tử hình

Google News

(Kiến Thức) - Hành vi giết 4 người trong vụ thảm sát ở Nghệ An (trong đó có một bé 8 tháng tuổi) có thể cấu thành tội Giết người theo Điều 93 BLHS.

Sau 17 ngày vào cuộc điều tra, công an đã bắt được nghi can chính của vụ thảm sát ở Nghệ An, xảy ra tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Nghi phạm là Vi Văn Mằn (SN 1991, tên thường gọi là Hai). Mằn là một người dân trong bản và là hàng xóm của gia đình nạn nhân.
Vụ việc đã gây chấn động dư luận bởi sự tàn độc của kẻ gây án. Với hành vi tàn ác của mình, hung thủ gây ra vụ thảm sát 4 người ở Nghệ An có thể phải nhận hình phạt như thế nào?
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Tham sat o Nghe An: Hung thu co the bi tu hinh
Nghi phạm Vi Văn Mằn và hiện trường vụ án. 
Phân tích vụ thảm sát ở Nghệ An, luật sư Tiến cho biết, hành vi giết 4 người (trong đó có một bé 8 tháng tuổi) có thể cấu thành tội Giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS) với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình với các tình tiết tăng nặng theo điểm a “giết nhiều người”, điểm c “giết trẻ em”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung theo khoản 3 Điều 93 BLHS: Có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm tùy vào hành vi thực tế và kết quả điều tra của cơ quan công an.
Theo khoản 1, Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nếu người đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Như tin đã đưa, tại cơ quan điều tra, Vi Văn Mằn đã khai nhận hành vi phạm tội và đang là nghi can duy nhất của vụ án.
Công an tỉnh Nghệ An đang thu thập chứng cứ liên quan để củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án. Con dao - hung khí gây án - đã được gửi đi giám định. 
Điều 93 Bộ luật hình sự:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
Hồng Liên

Bình luận(0)