Thảm sát ở Bình Phước: Nghi phạm thứ 3 phạm tội thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Nghi phạm thứ 3 vụ thảm sát ở Bình Phước có thể bị truy tố tội "Giết người" vì nắm rõ kịch bản gây án ngay từ đầu đã đồng ý tham gia.

Liên quan đến thông tin, ngày 10/8, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú quận Gò Vấp, TP.HCM) - nghi phạm thứ 3 trong vụ thảm sát ở Bình Phước về hành vi “không tố giác tội phạm”, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Tiến nhận định, với những tình tiết mới trong vụ án giết 6 người ở Bình Phước được đưa ra là nghi can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh) đã nhiều lần bàn bạc, đưa kịch bản cho Trần Đình Thoại - người được cho là nắm rõ kịch bản gây án của Nguyễn Hải Dương - xem, đồng thời rủ thanh niên này tham gia nhưng Thoại đã bỏ cuộc do người nhà ngăn cản cho thấy hành vi giết người của Dương và Tiến là có tổ chức.
Thực tế, không phải khi nào người thực hành cũng thực hiện đúng những hành vi do các đồng phạm khác (như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức) đặt ra. Có trường hợp người thực hành tự ý không thực hiện tội phạm hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm.
Trường hợp của nghi phạm Thoại cũng vậy, dù nắm rõ kịch bản gây án của Nguyễn Hải Dương, được đối tượng Dương rủ tham gia và Thoại cũng đã đồng ý nhưng nửa chừng bỏ cuộc.
Tham sat o Binh Phuoc: Nghi pham thu 3 pham toi the nao?
Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú quận Gò Vấp, TP.HCM) - nghi phạm thứ 3 trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.
Theo quan điểm của luật sư Tiến, việc xác định có hay không có đồng phạm là một trong những yêu cầu quan trọng khi giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án giết người. Do tội phạm là một thể thống nhất và không thể chia cắt.
Hơn nữa, tội phạm được thực hiện là do nỗ lực chung của những người đồng phạm, hành vi của mỗi người góp phần tạo nên hậu quả chung nguy hiểm cho xã hội. Chính vì thế, theo nguyên tắc này, tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử theo cùng một tội danh, cùng điều luật và trong phạm vi chế tài của điều luật ấy.
Hành vi mà nghi can Dương và Tiến đã thực hiện, có thể cấu thành tội phạm Giết người được quy định tại Khoản 1 điều 93 Bộ Luật hình sự, với tình tiết tăng nặng “giết nhiều người” và “có tổ chức”. Do đó, nghi can Thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người (Điều 93 Bộ Luật hình sự) mà nghi can Dương và Tiến đóng vai trò là người thực hành.
Bên cạnh đó, nếu có kết luận nghi can Thoại biết rõ kế hoạch giết người của nghi can Dương đang được chuẩn bị thực hiện và nếu nghi can Thoại không thuộc một trong những đối tượng được quy định tại Khoản 2, Điều 314 BLHS thì nghi can Thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm.
Tham sat o Binh Phuoc: Nghi pham thu 3 pham toi the nao?-Hinh-2
Nghi can Thoại là đồng phạm với vai trò người giúp sức cho bị can Nguyễn Hải Dương (bên phải) và Vũ Văn Tiến (trái).
Cụ thể, trách nhiệm hình sự về Tội phạm Giết người, Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm”. Trong đó:
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Chỉ trong trường hợp phạm tội có tổ chức mới có người tổ chức. Người tổ chức có thể có hành vi như: Khởi xướng việc phạm tội, vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như chế độ che giấu tội phạm, rủ rê, lôi kéo người khác cũng thực hiện tội phạm…
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Trực tiếp thực hiện tội phạm là trực tiếp có hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm như: trực tiếp dùng dao chém nạn nhân, cầm súng bắn nạn nhân, trực tiếp chiếm đoạt tài sản…
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Trong một vụ án có đồng phạm, vai trò của người giúp sức cũng rất quan trọng, nếu không có người giúp sức thì người thực hiện tội phạm sẽ gặp khó khăn.
Như vậy, ở vụ án này, nếu có kết luận của cơ quan điều tra về việc kế hoạch thảm sát do nghi can Dương thực hiện rất chi tiết, có sự tham gia của nghi can Thoại, giúp cho hành động của nghi can Tiến và Dương diễn ra nhanh chóng thì có thể xác định, nghi can Thoại là đồng phạm với vai trò người giúp sức. Bởi đặt giả thiết, nếu không có sự giúp sức của nghi can Thoại thì vụ thảm sát có thể không diễn ra như ý muốn của Dương từ trước.
Theo quy định tại Điều 53 về Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Mà trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân, do đó, nghi can Thoại có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở hành vi của mình nếu hành vi của nghi can Thoại cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nghi can Thoại không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá giới hạn của nghi can Tiến và Dương.
Còn trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm, với hành vi thể hiện dưới dạng “không hành động”, nghi can Thoại có thể bị truy tố với khung hình phạt là “phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.
Hồng Liên

Bình luận(0)