Gây tai nạn chết người, tài xế bỏ trốn bị xử thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Có hàng loạt vụ tai nạn giao thông chết người mà tài xế gây nạn đã bỏ chạy. Vậy đây có phải là tình tiết tăng nặng hay định tội?

Vụ xe tải chở nước đá lùi lên vỉa hè phía cổng sau Thảo Cầm Viên Sài Gòn để trả hàng nhưng không may sụt hố ga, xe lật và đè chết một người phụ nữ đang ngồi bán hàng cạnh đó khiến dư luận không khỏi xôn xao. Những người chứng kiến có lẽ vẫn không thôi ám ảnh trước cảnh tượng nạn nhân quơ tay cầu cứu thảm thiết nhưng ai cũng bất lực vì không thể cứu được, còn tài xế xe tải đã bỏ chạy từ lúc nào. Thực tế, có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà tài xế gây ra tai nạn thường bỏ chạy vì nhiều lý do như hoảng loạn, sợ bị người dân, người nhà nạn nhân đánh đập... Vậy theo luật, việc lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn chết người có phải là tình tiết tăng nặng hay không? Về trường hợp xe tải lật đè chết người phụ nữ kể trên, lái xe không ở lại cứu người mà bỏ trốn phạm tội gì, bị xử lý dân sự/hình sự như thế nào? Với nguyên nhân chiếc xe bị lật dẫn đến đè chết người là do sụt hố ga thì tài xế có bị xử phạt không?
Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về những vấn đề trên.
 Hiện trường vụ tai nạn xe tải lật, đè chết một người phụ nữ tại cổng sau Thảo Cầm Viên TP HCM.
- Theo luật, việc lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn chết người, ngoài việc xử phạt về hành vi gây tai nạn chết người thì tình tiết họ bỏ trốn có phải là tình tiết tăng nặng hay định tội không, xử phạt như thế nào, thưa anh?
- Luật sư Hoàng Văn Thạch: Khi lái xe gây tai nạn dẫn đến chết người thì nạn nhân dù sao cũng đã chết nên ở đây không đặt vấn đề cứu giúp người bị nạn mà đặt vấn đề về mục đích rời khỏi hiện trường để làm gì?
Nếu mà rời bỏ hiện trường để trốn tránh trách nhiệm thì đây là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật giao thông đường bộ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi gây ra tai nạn thì “Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất”. Như vậy có thể thấy pháp luật cho phép người gây tai nạn được rời khỏi hiện trường nhưng phải trong trường hợp “bị thương phải đi cấp cứu hoặc đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc bị đe dọa đến tính mạng”. Việc đe dọa đến tinh mạng như người nhà nạn nhân hoặc người dân có những hành vi, thái độ quá khích có thể xâm phạm đến tính mạng của tài xế. Còn nếu không vì lý do này thì việc rời khỏi hiện trường là trái với quy định. Về việc phạt thì nếu nạn nhân đã chết thì họ rời hiện trường rồi sau đó đến trình báo với cơ quan Công an thì hiện nay rất tiếc lại không có quy định phạt trong trường hợp này, tức là trái pháp luật nhưng lại không bị phạt (chỉ bị phạt hành chính hoặc hình sự về hành vi gây tai nạn); hiện pháp luật mới chỉ có quy định về việc xử phạt đối với hành vi bỏ trốn mà không đến trình diện cơ quan Công an. Mức phạt đối với người lái xe ô tô là 4 – 6 triệu đồng theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Liên quan đến vụ xe tải lật đè chết người phụ nữ bán hàng trên vỉa hè Thảo Cầm Viên ở TP HCM, xe tải lật là do sụp phải hố ga trên vỉa hè, vậy tài xế bị xử phạt như thế nào? Việc tài xế bỏ chạy mà không ở lại tìm cách cứu nạn nhân (vì nạn nhân đang còn sống và đang kêu cứu thảm thiết) sẽ bị định tội ra sao?
- Luật sư Hoàng Văn Thạch: Nếu lý do gây tai nạn chỉ là do sụp nắp cống trên hè phố và tài xế không có lỗi gì khác thì đương nhiên tài xế không bị xử phạt gì. Tuy nhiên khi xảy ra tai nạn người bị nạn vẫn còn sống, nhưng tài xế tự ý rời khỏi hiện trường. Do vậy cần xem xét nếu tài xế ở lại thì có cứu giúp được người bị nạn hay không.
Nếu tài xế ở lại thì có khả năng cứu giúp được người bị nạn nhưng họ không ở lại cứu giúp khiến người bị nạn chết thì họ sẽ bị xử lý về tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 BLHS 1999. Trường hợp này thì việc không cứu giúp người bị nạn là tình tiết định tội, không phải là tình tiết tăng nặng.
Còn nếu việc tài xế ở lại hiện trường cũng không thể giúp được gì hơn (theo báo chí thì ở đó có nhiều người nhưng cũng không giúp gì được và phải chờ đến xe cứu hộ) thì việc tài xế rời bỏ hiện trường (có thể là rất nhẫn tâm nếu lúc đó không bị ai đe dọa hay có hành vi quá khích) và cái chết của nạn nhân không có mối quan hệ nhân quả do vậy tài xế cũng không phải chịu trách nhiệm hành chính hay hình sự về cái chết của nạn nhân mà chỉ là trách nhiệm dân sự. Tất nhiên nếu anh ta không đến trình diện với Công an thì sẽ bị xử phạt hành chính như mục trên tôi đã nêu.
Tuy nhiên cần lưu ý theo nội dung bài báo thì xe bị sụt hố khi đang lùi trên vỉa hè để trả hàng tức là chuẩn bị dừng xe để xếp dỡ hàng hóa. Vì vậy cần xem xét xem địa điểm trên có phải là nơi được dừng xe theo quy định của Thành phố không? Nếu không thì theo quy định chung tại Điều 18, 19 Luật giao thông đường bộ thì việc dừng xe chỉ được thực hiện sát lề đường, hè phố (tức trong lòng đường) chứ không được dừng xe trên hè phố. Do vậy việc đưa xe tải lên hè phố là vi phạm quy định và với hậu quả như vậy tài xế có thể bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 BLHS, tất nhiên người bị hại cũng có phần lỗi là ngồi buôn bán không đúng nơi quy định.
- Xin cảm ơn ông!
Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Minh Hiếu

Bình luận(0)