Định nghĩa con người theo quan điểm Phật giáo (2)

Google News

Con người không phải là "Tâm cộng với Thân", hay "Danh và Sắc", mà là "Danh-Sắc", một sự phối hợp chặt chẽ giữa hai thành phần - vật chất và tâm linh.

Phần "tâm" trong con người
Phối hợp với phần vật chất (Sắc), trong guồng máy phức tạp của con người còn có một yếu tố quan trọng. Đó là cái Tâm. Cũng như có vài tác giả uyên thâm thích nói rằng, con người không phải là "Tâm cộng với Thân", hay "Danh và Sắc", mà là "Danh-Sắc", một sự phối hợp chặt chẽ giữa hai thành phần - vật chất và tâm linh.
Các nhà khoa học nói rằng đời sống khởi sanh từ vật chất, và tâm phát sanh từ đời sống. Nhưng các vị này không cung ứng cho ta một giải thích thỏa đáng về lịch trình phát triển của tâm.
Không giống như cơ thể vật chất, tâm không có hình thể và ta không thể thấy. Mặc dù vậy ta có thể trực tiếp thọ cảm. Có hai câu nói của người thời xưa như sau:
"Tâm là gì? - Không có vật chất
Vật chất là gì? - Không bao giờ có tâm"
Chúng ta hay biết những tư tưởng, những cảm giác,... bằng cách trực tiếp tri giác, và chúng ta suy luận rằng người khác cũng tri giác theo cùng kiểu như vậy.
Tiếng Pali có nhiều danh từ để chỉ cái Tâm, trong đó ba danh từ "mana", "citta" và "vinnana" là thông dụng nhất. Chúng ta hãy so sánh căn "man", có nghĩa suy tư, với chữ "man" trong tiếng Anh, có nghĩa con người, và Phạn ngữ "manussa", có nghĩa người đã có tâm thức được phát triển.
Trong Phật Giáo không có sự phân biệt giữa "tâm" (citta) và "thức" (vinnana). Hai danh từ này được sử dụng đồng nghĩa với nhau. Tâm chỉ giản dị được định nghĩa là "sự hay biết đối tượng", bởi vì không có một thực thể tác động, hay một linh hồn chỉ đạo tất cả những sinh hoạt tâm linh. Chỉ có những trạng thái tâm luôn luôn sanh rồi diệt, nhanh như chớp.
Dinh nghia con nguoi theo quan diem Phat giao (2)
 Theo Phật giáo, tâm chỉ giản dị được định nghĩa là "sự hay biết đối tượng".
Sông từ nguồn chảy ra biển cả. Trong dòng trôi chảy, sông tiếp nhận những luồng nước mới từ các rạch ngòi đổ vào. "Với sự sanh là nguồn và tử là cửa biển, tâm đều đặn trôi chảy như một dòng sông, không ngừng tiếp nhận những luồng nước khác nhau do các rạch ngòi giác quan cung ứng."
Mỗi chặp tư tưởng (sát na tâm) của dòng đời luôn luôn biến đổi này khi diệt, chuyển trao tất cả năng lực, tất cả những cảm xúc đã thâu nhận và không thể xóa bỏ, cho chặp tư tưởng kế đến. Như vậy, mỗi chặp tư tưởng mới bao gồm những tiềm năng của chặp trước và thêm vào những gì khác.
Vì tất cả những cảm xúc đã được ghi nhận vững chắc trong cái tâm luôn luôn biến đổi, và bởi vì tất cả những tiềm năng đều được chuyển trao từ kiếp sống này sang kiếp khác nên có người còn có thể nhớ lại tiền kiếp, hoặc một vài diễn biến của tiền kiếp, mặc dù cơ thể đã trải qua giai đoạn tạm thời hoại diệt.
Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc vỏn vẹn nơi bộ óc, thì khi cân não hoại diệt cùng với cơ thể vật chất ắt không ai còn hồi nhớ gì.
Như điện lực, tâm có khả năng rất hùng mạnh, để xây dựng cũng như để tiêu diệt, như một khí giới bén cả hai bề, mà ta có thể xử dụng để làm điều phải hay điều quấy.
Chỉ một tư tưởng phát sanh trong cái tâm vô hình này cũng có thể cứu vãn hay tiêu diệt thế gian. Một ý nghĩ có thể giúp an cư lạc nghiệp hay tàn phá toàn thể một quốc gia. Chính tâm tạo thiên đàng cho ta, cũng chính tâm tạo địa ngục cho ta.
(còn tiếp)
Trích từ sách "Đức Phật và Phật pháp" - Nguyên tác: Đại đức Narada - Dịch: Phạm Kim Khánh
Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận(0)