Thanh tra huyền thoại Eliot Ness: Nỗi ác mộng của giới tội phạm

Google News

Eliot Ness sinh ngày 19.4.1903 tại Chicago, Illinois (Mỹ). Ông là con út trong gia đình 5 người con của ông Peter Ness và bà Emma Ness. Cha mẹ ông đều là dân nhập cư Na Uy, sống bằng nguồn thu từ tiệm bánh mì.

Eliot Ness học trung học tại Trường Christian Fenger ở Chicago. Tốt nghiệp Đại học Chicago năm 1925 với tấm bằng cử nhân kinh tế. Ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò là điều tra viên của công ty tín dụng bán lẻ tại Atlanta. Sau đó, ông trở lại trường đại học để tham gia khóa học về tội phạm học và nhận bằng thạc sĩ về lĩnh vực này.
Năm 1929, Eliot Ness là Chỉ huy Đội cảnh sát điều tra nhắm vào băng tội phạm Al Capone. Hắn là “kẻ thù số 1 của công chúng”. Sự tự mãn của hắn làm Tổng thống Mỹ lúc ấy là Herbert Hoover đã phải phản ứng: “Tôi ra lệnh, tất cả lực lượng Cảnh sát Liên bang theo dõi thật kỹ Al Capone và những mối liên hệ của hắn ta”.
 
Eliot Ness đã tuyển chọn những cảnh sát ưu tú và đáng tin cậy nhất, vì lúc bấy giờ tham nhũng tràn lan trong lực lượng Cảnh sát Chicago, ban đầu ông tuyển chọn 50 người, sau đó giảm xuống còn 15 người, và cuối cùng là 11 người. Đây là những người được tin cậy nhất, họ được gọi là “Những kẻ bất khả xâm phạm” (The Untouchables).
“Những kẻ bất khả xâm phạm” là ai?
Chicago những năm 1920-1930 là kinh đô tội phạm của nước Mỹ, đứng đầu thế giới ngầm tội ác này là Al Capone. Oái oăm thay, chính phủ gần như bó tay với đối tượng này, bởi vì Al Capone đã mua chuộc gần như hầu hết quan chức trong chính quyền.
Có thể nói Al Capone mới thật sự là kẻ nắm quyền sinh sát ở Chicago lúc bấy giờ. Bao nhiêu tội ác đã diễn ra, ai cũng biết chủ mưu đứng phía sau là Al Capone, nhưng hắn vẫn bình an vô sự bởi không đủ bằng chứng kết tội hắn. Al Capone là “Kẻ bất khả xâm phạm” trong thế giới ngầm của nước Mỹ lúc bấy giờ, và hắn ngày càng trở nên kiêu căng, tự mãn.
Và “Kẻ bất khả xâm phạm” Al Capone rồi cũng đến ngày phải đối đầu với “Những kẻ bất khả xâm phạm” khác. Đó là biệt danh của Đội cảnh sát do Chính phủ liên bang thành lập và do đích thân thanh tra Eliot Ness tuyển chọn.
Họ là những thanh tra cảnh sát thiện nghệ, thông minh, dũng cảm, không sợ chết. Nhưng quan trọng hơn hết, biệt danh “Những kẻ bất khả xâm phạm” do chính Eliot Ness đặt ra với ý nghĩa “không gì có thể khuất phục, không gì có thể mua chuộc được, dù với bất cứ giá nào”.
Ông trùm Al Capone không còn “bất khả xâm phạm”
Eliot Ness cùng đồng đội có nhiệm vụ thu thập các bằng chứng về tội buôn bán rượu lậu của Al Capone. Người nhiệt thành nhất trong số đó là Elmer Irey, thám tử của Đội điều tra hình sự.
Lúc đầu, Capone không biết gì về chiến dịch đang được triển khai để chống lại hắn. Vào tháng 5.1929, Al Capone đến dự một cuộc họp ở thành phố Atlantic. Đây là thời điểm mà các tay anh chị đủ loại từ mọi miền nước Mỹ tụ họp về đây để bàn chuyện chia lại địa bàn và bắt tay cấu kết hoạt động...
Sau cuộc họp, Al Capone đi xem phim ở Philadelphia, và cảnh sát đã chờ sẵn hắn ở bên ngoài. Al Capone bị bắt giữ vì tội sở hữu vũ khí trái phép và bị tống giam tại nhà tù quận Holmesburg, sau đó là nhà tù Eastern Penitentiary.
Trong thời gian ở tù, hắn trao quyền điều hành tổ chức tội phạm cho người anh trai là Ralph. Tháng 3.1930, Al Capone được ra tù.
Thanh tra Eliot Ness hiểu rằng muốn thành công phải có nội gián trong tổ chức của Al Capone. Ông cùng Irey nảy ra một ý nghĩ táo bạo: cử hai nhân viên đóng giả là những tay gangster trà trộn vào tổ chức của Al Capone. Đó là Michael J. Malone và Graziano.
Cả hai khoác trên mình bộ quần áo đắt tiền, lảng vảng ở khu vực quầy bar của khách sạn và lặng lẽ đọc báo. Rốt cục thì các thuộc hạ của Al Capone cũng đến làm quen và hỏi một số câu về nguồn gốc bản thân.
Vài tháng sau, Graziano được kết nạp vào tổ chức tội phạm của Al Capone. Anh được bọn chúng giao nhiệm vụ đi giao bia. Bằng nghiệp vụ điều tra, Eliot Ness và các cộng sự phát hiện ra nhiều bí mật trong tổ chức của Al Capone và đã ghi lại được hàng nghìn vụ vi phạm luật cấm sản xuất và kinh doanh rượu lậu của Al Capone.
Ngày 5.6.1931, bồi thẩm đoàn họp và đưa ra một bản cáo trạng buộc tội Al Capone 22 lần trốn thuế với tổng số tiền lên đến 200.000 USD. Sau đó, bản cáo trạng tiếp theo được đưa ra với những bằng chứng mà thanh tra Eliot Ness đã công bố.
Ngày 6.10.1931, Al Capone được cảnh sát áp giải đến phiên tòa. Quan tòa Wilkerson tuyên Al Capone mức án 11 năm tù, nộp phạt 50.000 USD, cộng với án phí 30.000 USD. Phiên tòa không cho phép nộp tiền bảo lãnh, Al Capone bị giam giữ tại nhà tù Penitentiary ở Atlanta, sau đó là nhà tù Alcatraz. Tại đây hắn ta bị biệt lập hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhờ có thái độ cải tạo tích cực nên Al Capone được giảm án xuống còn 6 năm 5 tháng. Năm cuối cùng chịu án tù, hắn phải vào bệnh viện để điều trị bệnh.
Tháng 11.1939, Al Capone được trả tự do. Trong những năm tháng sau đó, sức khỏe của hắn dần dần suy sụp. Hắn sống lặng lẽ trong ngôi biệt thự xa hoa trên đảo Palm và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25.1.1947 ở tuổi 48.
Tiêu diệt tên “tên đồ tể bệnh hoạn” Torso Killer
Từ năm 1934-1938, Torso Killer hay còn được biết đến với biệt danh “Tên đồ tể bệnh hoạn xứ Kingsbury Run” đã biến Kingsbury Run thuộc tiểu bang Ohio (Mỹ) thành sân chơi của những trò giết chóc ghê rợn. Hắn cũng biến giới hình sự Mỹ thành “những viên cảnh sát bù nhìn”.
Cho tới giờ phút này, ngoài những nạn nhân bị hắn băm vằm, chưa một ai trông thấy mặt tên sát nhân bí ẩn. Giới hình sự nước Mỹ hầu như chưa một lần chạm trán “tên đồ tể”, thế nên có rất nhiều giai thoại khác nhau về thân phận của Torso Killer.
Với hy vọng kìm hãm trò giết chóc kinh hoàng của “Tên đồ tể bệnh hoạn”, năm 1934, chính quyền nơi đây quyết định điều vị thanh tra nổi tiếng Eliot Ness giữ chức Giám đốc An ninh thành phố Cleveland, đối đầu với “Torso Killer”. Cả nước Mỹ hồi hộp theo dõi cuộc đấu trí giữa thanh tra Eliot Ness và sát thủ khét tiếng Torso Killer.
Eliot Ness đã triển khai hơn 500 trinh sát len lỏi, thâm nhập vào các tụ điểm được ông khoanh vùng từ trước. Vào thời gian đó, người dân nơi này tin rằng hầu hết ăn xin, tài xế lái xe hay lao công làm việc tại đây đều là cảnh sát chìm. Tuy nhiên, những ngón đòn của Eliot Ness tung ra đều không một lần chạm được vào người tên đồ tể bí ẩn.
Để đáp lại những đòn hiểm của vị thanh tra nổi tiếng, tên đồ tể sau thời gian “án binh bất động” lại ra tay. Ngày 16.7.1937, người ta phát hiện thi thể một người đàn ông bị băm nát và vứt vương vãi tại khu bờ sông Cuyahoga. Lần này, hung thủ còn viết mấy dòng để lại hiện trường với lời lẽ châm chọc: “Tôi vẫn ngay đây, bên cạnh ông và chơi trò giết mổ”.
Ngày 16.8.1938, dã man hơn tên giết người đã đem một vài bộ phận thi thể của một nữ nạn nhân treo trên cột điện trên đường số E.9 và Lakeside, nơi Eliot Ness có thể nhìn thấy qua cửa sổ phòng làm việc của ông.
Lập tức, thanh tra Eliot Ness đã công bố cuộc truy quét tên đồ tể trên toàn bộ khu vực Kingsbury Run. Họ đã phá hủy, đốt trụi các khu ổ chuột của Kingsbury Run được cho là nơi chứa chấp, lẩn trốn của tên giết người bí ẩn.
Sau cuộc truy quét này, chính quyền không còn nhận được bất kỳ một thông báo nào về những vụ giết người man rợ nữa. Có thể “Torso Killer” đã chết cháy trong các khu ổ chuột của Kingsbury Run.
Những chiến công của Eliot Ness và nhóm “Những kẻ bất khả xâm phạm” đã được ghi lại trong “The Untouchables” dựa theo hồi ức của thanh tra Eliot Ness và người đồng đội Oscar Fraley, sách ấn hành năm 1957, vài tháng sau khi Eliot Ness qua đời vào ngày 16.5.1957 ở tuổi 54.
Thanh tra lừng danh Eliot Ness vẫn sống mãi với series phim truyền hình ăn khách “The Untouchables” trên kênh truyền hình ABC năm 1959 với 118 tập. Đến giữa thập niên 1980, Hãng Paramount quyết định đưa “The Untouchables” lên màn ảnh rộng. Và từ đó, vị thanh tra huyền thoại Eliot Ness đã đến được với khán giả khắp thế giới.
Theo Hoa Nam /Cảnh sát toàn cầu

>> xem thêm

Bình luận(0)