Hành trình một năm đưa “Hồ sơ Panama” ra ánh sáng

Google News

Câu chuyện kể về việc gần 400 nhà báo toàn cầu hợp lực điều tra suốt một năm trời về bí mật "Hồ sơ Panama" rúng động thế giới.

 Marina Walker nhớ lại khoảnh khắc cô được nguồn tin tiết lộ nắm trong tay một lượng thông tin mật “lớn hơn bất kì những gì trước kia cô từng chứng kiến”. Walker – Phó giám đốc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đang sở hữu 11,5 triệu tài liệu, chứa trong 2,6 terabyte dữ liệu, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản lên tới hàng tỷ đô la của họ, trong đó xuất hiện nhiều cái tên của các nhà lãnh đạo thế giới, vận động viên, người nổi tiếng.
Hanh trinh mot nam dua
CIA đã sử dụng các công ty vỏ bọc trong “Hồ sơ Panama”. Ảnh sueddeutsche.de 
Để thực hiện việc đưa một khối lượng tài liệu mật lớn đồng loạt công bố trên các phương tiện truyền thông đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía những phóng viên điều tra dày dạn, có kinh nghiệm cùng sự hợp tác, tin tưởng lẫn nhau một cách tuyệt đối.
Nỗ lực toàn cầu
ICIJ là cơ quan đầu tiên đi tiên phong giúp kết nối gần 400 nhà báo trên toàn thế giới cùng nhau thực hiện chương trình điều tra hồ sơ khủng này. Bà Walker cho biết: “Ngay sau khi nghe ngóng được thông tin ban đầu, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc. Đầu tiên chúng tôi huy động một nhóm các phóng viên điều tra đến từ khắp nơi trên thế giới, thực hiện công việc giám sát, thu thập dữ liệu kéo dài hàng tháng trời. Trong khoảng thời gian đó, các nhà báo đã gặp khó khăn trong việc đọc dữ liệu cũng như phải đảm bảo an toàn chia sẻ thông tin một cách bí mật. Công việc này khiến chúng tôi mất gần một năm để có thể chắt lọc, sắp xếp và chuẩn bị đưa thông tin lên mặt báo”. Tổng cộng có hơn 370 nhà báo đến từ hơn 100 cơ quan truyền thông của gần 80 quốc gia tham gia nghiên cứu lượng thông tin khủng này.
Chuyên án điều tra “Hồ sơ Panama” đã thu hút được nhiều công ty truyền thông quốc tế lớn trên thế giới, trong đó bao gồm tờ The Guardian, BBC, báo Le Monde của Pháp, đài truyền hình NDR và WDR của Đức hay các nhà xuất bản của Mỹ như Univision, Fusion và McClatchy. Theo bà Walker, việc đòi hỏi một lượng lớn các phóng viên cùng cơ quan truyền thông toàn cầu là điều cần thiết. Với rất nhiều quốc gia, công ty và cá nhân dính líu tới vụ trốn thuế có tên trong tài liệu, việc tìm các nhà báo địa phương với kiến thức tại nơi sở tại là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông Gerard Ryle - Giám đốc ICIJ giải thích “Nếu như bạn muốn tìm hiểu tài liệu về Brazil, tất nhiên bạn phải kiếm một phóng viên người Brazil”.
Tính bảo mật của chương trình “Hồ sơ Panama” cũng được coi là điều khá ấn tượng, đặc biệt là với lượng dữ liệu khổng lồ và đòi hỏi nỗ lực điều tra lớn. ICIJ cho xây dựng một công cụ tìm kiếm trực tuyến bí mật giữa các tổ chức thành viên bao gồm một hệ thống trò chuyện và phương pháp xác thực dùng hai nhân tố (loại phương pháp dựa trên những thông tin mà người dùng biết như số PIN, mật khẩu cùng với những gì mà người dùng có như SmartCard, USB, Token, Grid Card… để chứng minh danh tính).
Sheila Coronel – giáo sư giảng dạy tại Đại học Báo chí Columbia nhận xét “Hồ sơ Panama” đã mở ra một phương thức hợp tác hoàn toàn mới trong giới truyền thông. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một màn hợp tác nào thu hút được số lượng nhà báo cũng như các cơ quan truyền thông lớn mà ăn ý như vậy. Không chỉ có thế, tôi cũng đánh giá cao tính độc lập và hiệu quả mỗi cá nhân trong việc tìm tòi, khai thác được câu chuyện hay đưa tới độc giả”.
Việc nghiên cứu “Hồ sơ Panama” xuất hiện trong bối cảnh ngành báo chí điều tra nói riêng và truyền thông nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Số phóng viên sẵn sàng đi điều tra, đưa tin, ít nhất tại Mỹ đang ngày một suy giảm. Họ chuyển sang các công việc khác liên quan đến viết lách nhưng kiếm được thu nhập cao hơn, như làm trong ngành quan hệ công chúng (PR). Thậm chí hai nhà báo xuất sắc giành giải Pulitzer 2015 – một giải quan trọng ở Mỹ về văn học và báo chí – cũng đã bỏ việc đi làm PR.
Vắng mặt những ông lớn?
Có thể dễ dàng nhận thấy những cái tên lớn trong truyền thông Mỹ như The New York Times, The Wall Street Journal và Washington Post không tham gia vào dự án điều tra “Hồ sơ Panama” cũng như thực hiện các loạt bài liên quan. Hay như tờ Intercept - hoạt động với một cơ chế mở đặc biệt dưới sự dẫn dắt của 3 nhà báo Glenn Greenwald, Laura Poitras và Jeremy Scahill tiết lộ tài liệu của Edward Snowden – cũng dường như "bốc hơi' trong cuộc điều tra này. Khi được hỏi lí do tại sao những tổ chức này không thuộc một phần của dự án, bà Walker cho biết việc công khai thông tin giữa các thành viên tham gia là điều bắt buộc. Có một số tờ báo thoải mái và quen thuộc với phương thức chia sẻ thông tin kiểu này, nhưng cũng có nhiều tờ báo lại có quy định chặt chẽ về tính bảo mật. Có lẽ đó là lí do vì sao một số cơ quan báo chí lớn lại từ chối tham gia điều tra “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh cánh cửa ICIJ luôn rộng mở chào đón các đối tác. “Điều này không có nghĩa là chúng tôi không thể làm việc với tờ Washington Post hay the New York Times về 'Hồ sơ Panama'", bà Walker đảm bảo.
Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả những thông tin có được về “Hồ sơ Panama” đều dựa vào nguồn tài liệu có được trong tay các nhà báo. Toàn bộ dữ liệu về vụ việc này vẫn chưa được công khai toàn bộ trên mạng do có chứa nhiều thông tin nhạy cảm và cá nhân. Bà Walker cho biết "một số loại thông tin như tên các công ty, chủ sở hữu có thể đăng tải rộng rãi nhưng những chi tiết khác sẽ được giữ bí mật và chỉ cung cấp khi thấy cần thiết. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Vẫn còn rất nhiều câu chuyện hay phía sau chưa được tiết lộ’”.
Video Thủ tướng Iceland từ chức do vụ tiết lộ "Hồ sơ Panama". (Nguồn TTXVN):

Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)