Đội quân bồ câu của quân đội Anh trong Chiến tranh thế giới lần 2

Google News

Con chim bồ câu mang tên mã NURP 39 của tình báo Anh không phải là con chim thường mà là "chiến sĩ giao liên" quan trọng phục vụ cho quân đội Anh vào những ngày đen tối nhất trong chiến tranh thế giới lần 2.

Con chim này là một thành viên trong đội quân bồ câu đưa thư thu thập thông tin tình báo cực kỳ hiệu quả từ các lực lượng quân kháng chiến ở châu Âu trong sứ mạng có tên mã là “Chiến dịch Columba” của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Câu chuyện về đội quân bồ câu được tác giả Gordon Corera kể lại trong cuốn sách “Secret Pigeon Service” (tạm dịch: Đội quân Bồ câu Bí mật) dựa theo các hồ sơ giải mật cũng như mô tả cá nhân ở Anh và châu Âu.
Bồ câu NURP 39 trong tay quân kháng chiến Bỉ của Raskin. 
Trong Chiến dịch Columba, hàng ngàn con chim bồ câu đã qua huấn luyện được thả ra trong nỗ lực thu thập thông tin tình báo về quân đội Đức Quốc xã. Nghe có vẻ khó tin song đội quân bồ câu hùng hậu này đã có tác động tích cực đến cuộc chiến chống Đức Quốc xã của quân đội và tình báo Anh.
Về sau, một số con chim được trao thưởng Dickin Medal – huân chương cao quý nhất của Hiệp hội Động vật từ thiện Anh (PDSA) dành cho động vật có thành tích cao và dũng cảm trong Chiến tranh thế giới lần 2 cũng như được nhân rộng sau này.
NURP 39 là con chim giống Bỉ thuộc sở hữu của một người chơi chim bồ câu và sau đó được chuyển đến thành phố Newmarket thuộc hạt Suffolk miền Đông nước Anh, nơi đặt căn cứ của phi đội đặc nhiệm RAF (Không quân hoàng gia Anh) – đơn vị thực hiện sứ mạng mạo hiểm là thả điệp viên xâm nhập khu vực châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng.
NURP 39 nằm trong đội quân bồ câu bí mật được giao thực hiện những sứ mạng tuyệt mật cho Cục Chiến dịch Đặc biệt (SOE), tiền thân của cơ quan tình báo Anh (MI-6). Một điệp viên mật có thời gian 2 giây để suy nghĩ trước khi nhảy dù song con chim bồ câu không có sự lựa chọn như thế nên khả năng sống sót là rất thấp. Có trường hợp dân làng bắt được bồ câu Anh và do quá đói nên làm thịt nó.
 Bản đồ mô tả đường bay của bồ câu trong Chiến tranh thế giới lần 2.
Tuy nhiên, NURP 39 may mắn rơi vào tay một nhóm quân kháng chiến nhỏ bé của Bỉ gọi là “Leopold Vindictive” do một giáo sĩ Công giáo tên là Joseph Raskin lãnh đạo. Sau khi bắt được NURP 39, Raskin và bạn bè của ông trải qua nhiều ngày mã hóa những thông tin mà họ có được lên trên mảnh giấy nhỏ mà quân đội Anh cung cấp sẵn. Cuối cùng, thông tin tình báo quý giá được gói gọn trong hộp chứa màu xanh bé nhỏ - không lớn hơn thân cây bút bi là mấy – kẹp lên chân con chim bồ câu.
Sau khi NURP 39 bay trở về căn cứ của RAF ở Anh, hộp thư nhỏ bé được chuyển ngay đến đội điều hành Chiến dịch Columba phụ trách để xử lý. Những người chịu trách nhiệm mở “hộp thư” phải mang thiết bị bảo hộ che chắn cẩn thận nhằm tránh trường hợp quân Đức giấu chất nổ nhỏ bên trong. Thông điệp mật của Raskin chứa lượng thông tin đồ sộ dẫn đến việc biên soạn báo cáo tình báo dài đến 12 trang của quân đội Anh.
Nội dung thông điệp tiết lộ nhiều chi tiết về địa điểm đóng quân của Đức Quốc xã khắp nước Bỉ cũng như những vị trí ngụy trang trọng yếu có thể tấn công bằng đường không. Raskin cũng cung cấp thông tin về tinh thần chiến đấu của binh lính Đức quốc xã và cả tâm trạng dân thường. Đặc biệt là chi tiết về tòa lâu đài ở Bỉ được quân Đức sử dụng làm căn cứ chỉ huy – nơi mà người Anh không biết gì.
Thông điệp của quân kháng chiến Raskin cũng được trình lên Thủ tướng Wilston Churchill bởi vì ông rất thích xem thông tin tình báo thô do bồ câu mang về mặc dù điều đó không hề cần thiết. Điều đó được giải thích rằng Churchill hiểu hơn bất cứ ai về tinh thần kháng chiến chống quân Đức Quốc xã ở châu Âu.
Vào mùa xuân năm 1942, tức 9 tháng sau khi NURP 39 tiếp xúc thành công với quân kháng chiến Leopold Vindictive, nhiều thành viên nhóm bị quân Đức bắt giữ. Sau đó, 3 nhân vật chính – trong đó bao gồm cả Raskin – bị dẫn giải về Đức và bị hành hình năm 1943.
Hơn 1.000 con chim bồ câu đưa thư cung cấp thông tin giá trị về những địa điểm phóng tên lửa V1 của Đức Quốc xã, các mạng lưới quân kháng chiến khắp châu Âu và thậm chí cả những mảnh giấy ghi chép của phi công RAF bị bắn rơi được chuyển giao về cho gia đình họ. Đội quân bồ câu đưa thư bí mật của Winston Churchill đã giúp quân đội Anh giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần 2. Trong cuộc chiến khủng khiếp này, quân đội Anh đã sử dụng tổng cộng 250.000 con chim bồ câu đưa thư và chúng có thể bay xa đến 1.800km.
Theo Trang Thuần/ANTG

>> xem thêm

Bình luận(0)