Đời tư “sóng gió-ngọt ngào” của TBT Tập Cận Bình

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận ít biết "Đệ  nhất phu nhân" của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là ai và cuộc sống riêng tư của hai người như thế nào?

 Cặp vợ chồng Tập Cận Bình-Bành Lệ Viện

Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc ở tuổi 59 trong Đại hội đảng 18 tháng 11/2012. Dư luận các nước đều biết lai lịch về hoạt động trên chính trường, nhưng ít người biết đời tư của ông.

Tập Cận Bình sinh tháng 6/1953 tại huyện Phú Bình tỉnh Thiểm Tây. Ông là con của Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân- một Phó thủ tướng nổi tiếng thời kỳ Mao Trạch Đông. Nhưng khác với con của các vị chức sắc lãnh đạo cấp cao, ông Tập Cận Bình đã lăn lộn ở nông thôn hơn 6 năm, khi ông bị đưa đi “cải tạo lao động” vào năm 1969 trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Năm 1975, ông về học lại tại Khoa hóa Trường Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông làm việc tại Văn phòng Chính phủ ở Bắc Kinh 3 năm, nhưng ngay sau đó lại xin về nông thôn công tác và làm việc một mạch tới 24 năm ở địa phương từ cấp huyện tới cấp tỉnh.

Năm 2007 khi đang giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Tập Cận Bình được bầu vào Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ chính trị, Ban bí thư trong Đại hội 17 và Phó Chủ tịch nước. Lúc đó ông mới về Bắc Kinh làm việc và trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 18 và sẽ là Chủ tịch nước vào tháng 3 năm 2013.

Nhưng đời tư của ông ra sao thì hầu như ít người biết tới, vì “đời tư của các nhà lãnh đạo cấp cao dường như thuộc về bí mật quốc gia” nên báo chí ít được phép đưa tin về mảng này.

Bà Bành Lệ Viện, vợ Phó chủ tịch Tập Cận Bình, được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện nghệ thuật quân đội với hàm Thiếu tướng.

Khi ông được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, báo chí chính thức của Trung Quốc chỉ đưa tin bà Bành Lệ Viện, vợ Phó chủ tịch Tập Cận Bình vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện nghệ thuật quân đội với hàm Thiếu tướng.

Bà Bành Lệ Viện có lẽ nổi tiếng trước ông Tập Cận Bình. Bà sinh ngày 20/11/1962, tại tỉnh Sơn Đông. Năm 1976 khi 14 tuổi, bà thi đậu vào Học viện nghệ thuật tỉnh Sơn Đông chuyên về âm nhạc dân tộc. Năm 1980, khi 18 tuổi bà trở thành ca sĩ nổi tiếng trong Hội diễn liên hoan nghệ thuật toàn quốc tổ chức ở Bắc Kinh, với hai bài dân ca “Làn điệu Bao Lăng” và “ Núi Kỳ Mông quê tôi”, từ đó là ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Năm 1982 trong Đêm liên hoan mừng Xuân, với bài dân ca “Trên thảo nguyên hy vọng” bà được dân chúng, giới văn nghệ đánh giá cao và trở thành “Ca sĩ nghệ thuật dân gian” tầm cỡ. Năm 1984, bà được Tổng cục chính trị quân đội chọn lên Đoàn văn công quân đội. Bà cùng đoàn văn công khi khắp đất nước biểu diễn ở vùng sâu vùng xa, ở các đơn vị bộ đội trên biên giới hải đảo, cũng từ đó cái tên “Bành Lệ Viện” rất quen thuộc với dân chúng Trung Quốc, nhất là về làn điệu dân ca.

 Bà Bành Lệ Viện nổi tiếng trước ông Tập Cận Bình

Năm 1986, bà được bạn bè đưa duyên chắp mối, giới thiệu với ông Tập Cận Bình, khi đó đang giữ chức Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, một Đặc khu kinh tế và Thành phố mở cửa ở Trung Quốc.

Trong hồi ký của mình, Bành Lệ Viện viết: “Được bạn bè giới thiệu, nên nhân dịp chuyến đi công tác về Hạ Môn biểu diễn, hai người sẽ trực gặp nhau. Trong buổi gặp đầu tiên, tôi cố ý ăn mặc xuê xoa với bộ quần áo bông quân đội dày cộp và không hề trang điểm gì để xem ông cán bộ này phản ứng ra sao. Khi gặp mặt,  tôi cảm thấy Tập Cận Bình đặc sệt nông dân, trông hình dáng bên ngoài già hơn tuổi tác. Ông ấy ít nói, cư xử vụng về, nên làm tôi thất vọng”.

“Tuy nhiên, không giống như các lãnh đạo cấp cao khác, khi gặp gỡ họ chỉ hỏi công tác, thành tích, hay những chuyện liên quan tới lĩnh vực chính trị. Còn Tập Cận Bình ngay giây phút đầu tiên, đã không đề cập tới những vấn đề trên mà lại hỏi về nghệ thuật dân ca, các làn điệu khác nhau của các dân tộc, địa phương. Tập Cận Bình nói rất từ tốn, mộc mạc và rất khiêm tốn, sau đó lắng nghe một cách rất chăm chú và thú vị khi tôi giới thiệu về đặc điểm dân ca từng địa phương. Thái độ của ông ta rất chân thành, rất bình dị và không hề kênh kiệu. Điều này làm tôi cảm phục và sau gần 40 phút trò chuyện, trái tim tôi thực sự đã rung động trước tình cảm chân thành này.”

Sau khi hai người kết hôn vào tháng 9/1987 thì Tập Cận Bình cũng thổ lộ với Bành Lệ Viện rằng: “Sau gần 40 phút trò chuyện với em hôm đó, anh xác định ngay đây chính là người vợ lý tưởng của mình.”

Do đặc điểm công tác của hai người, nên họ ít gặp nhau, thường xa cách. Tới năm 1992, hai người sinh được một con gái tên là Tập Minh Trạch. Do ba mẹ ít phô trương, nên Tập Minh Trạch rất ít khi xuất hiện trước công chúng và rất ít người biết tới.

Khi được báo giới hỏi về sự nghiệp và gia đình, bà Bành Lệ Viện nói: “Gia đình và chồng con là chỗ dựa vững như núi của tôi trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật. Đây là mái nhà an toàn nhất, ấm cúng nhất. Gia đình tôi cũng bình dị như bao gia đình dân thường khác ở Trung Quốc, đó là một tổ ấm nho nhỏ, một niềm vui, niềm hạnh phúc. Sở dĩ tôi thành công trong sự nghiệp là do tôi có được một gia đình hạnh phúc. Đối với phụ nữ thì sự nghiệp và gia đình đều quan trọng như nhau, không thể bỏ một trong hai”.

Tuy nhiên trước khi có một gia đình ấm cúng, hạnh phúc với Bành Lệ Hoàn, Tập Cận Bình đã từng thất bại trong hôn nhân. Người vợ đầu tiên của ông là Kha Tiểu Minh hay còn gọi là Kha Linh Linh, con gái ông Kha Hoa, Đại sứ Trung Quốc ở Vương Quốc Anh. Cuộc hôn nhân này do sự sắp đặt của hai gia đình vào năm 1980, khi họ ở gần nhau.

Kha Linh Linh là người tao nhã, dễ thương và tốt nghiệp đại học. Nhưng do tính cách của hai người  khác nhau nên thường xuyên xảy ra cãi vã. Năm 1982 khi Kha Hoa làm Đại sứ ở Anh thì Kha Linh Linh theo cha sang Anh sinh sống và có ý định định cư lâu dài, lập nghiệp ở Anh. Trong khi đó Tập Cận Bình lại xung phong về nông thôn làm việc tại huyện Định tỉnh Hà Bắc. Kha Linh Linh từ nước Anh viết thư về yêu cầu Tập Cận Bình sang  Anh chung sống, nếu không sẽ ly hôn. Khi đó đời sống rất khó khăn, nên hầu như mọi người đều muốn ra nước ngoài sinh sống, nhưng Tập Cận Bình đã từ chối và họ đã chia tay.

Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời khi đó chưa tới 30 tuổi của Tập Cận Bình để 30 năm sau, tức là năm 2012 ông bắt đầu tiến lên đỉnh cao về quyền lực. Có lẽ đây cũng là duyên số và định mệnh. Sau khi chia tay, Kha Linh Linh từ nước Anh về Hồng công lao vào đầu tư bất động sản, nhưng bị thua lỗ nên lại trở về Bắc Kinh sinh sống với cha mẹ.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:



TIN LIÊN QUAN:



Kiều Tỉnh

Bình luận(0)