“Mổ xẻ” vụ ti vi Samsung bỗng dưng phát nổ ở Hưng Yên

Google News

(Kiến Thức) - Trong lúc đang xem truyền hình, anh Hoàng Mạnh Đức (Hưng Yên) bỗng nghe thấy có tiếng nổ nhỏ, sau đó màn hình ti vi có vết rạn nứt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, ti vi nói chung hay màn hình nói riêng khó có thể bị nứt hoặc nổ, càng không có chuyện tự dưng lại nổ, nứt. Vì thế, người dân không nên quá lo ngại về độ an toàn của thiết bị điện tử này. 

Đi tìm nguyên nhân

Ngày 29/1, anh Hoàng Mạnh Đức (thôn Đồng Tỉnh, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên) vẫn chưa hết bức xúc cho biết, ngày 8/12/2012, trong lúc đang xem ti vi anh bỗng nghe thấy tiếng nổ "tách" rất nhỏ (giống với tiếng nổ khi chiếc cốc thủy tinh bị vỡ do đổ nước nóng vào) phát ra từ chiếc màn hình ti vi Samsung PS51E470A1R. Sau tiếng nổ, anh thấy màn hình có một vết nứt nhỏ. Điều anh Đức thắc mắc là tại sao ti vi "không ai làm gì" lại có thể nổ, nứt. Vì chiếc ti vi này được kê trên một chiếc kệ  xung quanh không để bất cứ vật gì khác.

Về thắc mắc của anh Đức, TS Nguyễn Phan Kiên, Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích: Sản phẩm chỉ có thể bị nổ, nứt vì một số nguyên nhân. Thứ nhất là lỗi do thiết kế. Thứ hai lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất (lắp ráp không đúng). Một lỗi khác có thể dẫn đến chập, nổ, nứt là do tác động từ môi trường bên ngoài như bị sét đánh. 

Nhiều người lo ngại việc vận chuyển, xê dịch, nguồn điện... có thể dẫn đến chập, nổ, nhưng theo TS Nguyễn Phan Kiên, việc vận chuyển, xê dịch... không thể gây nổ, nứt cho ti vi. Lý do là vì ti vi hoạt động là nhờ các mạch điện tử. Các mạch điện tử chỉ có thể chập, nổ khi có các vật dụng dẫn điện lọt vào trong gây chập mạch điện tử. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra do các thiết bị điện tử được thiết kế hoàn chỉnh cho các trường hợp này. Vỏ ti vi cũng có các khe chỉ làm nhiệm vụ tản nhiệt, vì thế, người ta phải thiết kế sao cho các vật khác không thể "chui" được vào bên trong. 

Việc cắm điện cũng khó gây ra chạm, chập vì khi cắm điện, nguồn điện sẽ ăn theo mạch điện tử. Các trường hợp chập do cắm điện thường xảy ra do lỗi ổ cắm hoặc cho dây điện lâu ngày ngâm trong tường bị ẩm. Tuy nhiên, các trường hợp chập điện bên ngoài này thường gây sự cố điện không chỉ riêng cho thiết bị cắm điện mà còn có thể ảnh hưởng tới các thiết bị điện khác. 

Lỗi do con người khiến ti vi chập, nổ, nứt chỉ có thể xảy ra trong trường hợp để nước, các chất lỏng xung quanh ti vi. Trong trường hợp vô tình, các chất lỏng này chảy qua các khe tản nhiệt tiếp xúc với mạch điện tử gây chập, nổ...

Vết nứt trên màn hình ti vi của anh Đức. 

Không loại trừ nguyên nhân do người dùng

Về trường hợp của anh Đức, TS Nguyễn Phan Kiên cho rằng, vết nứt trên màn hình có thể là do trong quá trình sản xuất đã xảy ra sai sót trong khâu nào đó hoặc việc tản nhiệt không đều dẫn đến nhiệt tập trung gây nứt mặt kính của màn hình. Ngoài ra, có thể do chất lượng màn hình bảo vệ bị lỗi trong quá trình sản xuất kèm thêm sự chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài màn bảo vệ dẫn đến sự rạn nứt bề mặt màn hình bảo vệ. Lỗi này có thể không liên quan tới mạch điện tử bên trong mà chỉ là vấn đề rạn nứt cơ khí dưới tác động nhiệt. 

TS Nguyễn Phan Kiên cho biết thêm, bất kể một sản phẩm nào mà nguồn của chúng có tụ (ví dụ như ti vi) đều có thể bị phát nổ, tụ càng lớn thì nổ càng to và nguy hiểm càng lớn. Vì thế, một khi ti vi đã xảy ra lỗi thì người sử dụng không được chủ quan, tuyệt đối không tự ý sửa chữa bởi các mạch điện trong ti vi có thể gây nổ rất lớn thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Và không nên sử dụng tiếp sản phẩm khi chưa tìm được nguyên nhân.

Ngoài ra, mặc dù yếu tố con người ít khi là nguyên nhân khiến ti vi chập, nổ nhưng không phải là không có. Vì thế, người sử dụng ti vi cũng cần nắm vững một số kiến thức cơ bản. Nhiều người có thói quen để lọ hoa, bình nước trên mặt hoặc cạnh ti vi, kê thẳng ti vi xuống mặt đất hoặc kê sát tường. Tất cả những điều này nên tránh. Hãy kê ti vi trên kệ cách mặt đất và cách tường ít nhất khoảng 50cm... Các ổ cắm có dây điện ngầm trong tường nên được kiểm tra xem có bị ẩm hay không. Nếu tường bị ẩm trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng chập điện bên ngoài ngay từ ổ cắm khi cắm thiết bị điện tử vào.

Các thiết bị cầm tay như điều khiển từ xa không có khả năng phát nổ. Nguyên nhân là vì các thiết bị này thường sử dụng pin, nguồn điện không lớn. Khi bị chập, chúng chỉ "xoẹt" một cái đã "ăn" hết nguồn điện có trong pin nên không thể gây ra nguy hiểm cho tính mạng con người.
Minh Châu

Bình luận(0)