Phẫu thuật thành công ca chấn thương nặng hiếm gặp

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM vừa phẫu thuật thành công một ca đa chấn thương nặng và rất hiếm gặp cho bệnh nhân 50 tuổi kèm nhiều bệnh lý nội khoa (tăng huyết áp và đái tháo đường). 

Bệnh nhân bị tai nạn khiến trật bả vai lồng ngực, trật khớp cùng đòn, gãy nền xương mỏm quạ, gãy 3 xương sườn, chấn thương gối bên phải.
Nguy cơ tổn thương thần kinh mạch máu cao
TS.BS Phan Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM cho biết: “Khoa Chi Trên của bệnh viện đã phẫu thuật và điều trị thành công 1 ca đa chấn thương nặng (trật bả vai lồng ngực, trật khớp cùng đòn, gãy nền xương mỏm quạ, gãy 3 xương sườn, chấn thương gối bên phải) kèm nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, men gan tăng cao... loại chấn thương này rất nặng và hiếm gặp, thường kèm theo tổn thương thần kinh mạch máu vùng cánh tay với tỷ lệ rất cao (80%). Bệnh nhân bị đa chấn thương kèm nhiều bệnh lý nội khoa nên bệnh viện đã mời các chuyên gia về tim mạch và nội tiết để hội chẩn kỹ trước phẫu thuật”.
Phau thuat thanh cong ca chan thuong nang hiem gap
 
Bệnh nhân là ông T.H.N. (50 tuổi, quận 10, TPHCM) bị tai nạn giao thông khi đi xe máy ngã đập xuống đường. BSCK II Lê Gia Ánh Thỳ, Phó trưởng khoa Chi Trên, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM cho hay: “Chúng tôi đã phẫu thuật để nắn lại xương bả vai, cố định khớp cùng đòn bằng nẹp vít và kết hợp xương mỏm quạ. Phần chấn thương gối phải là trật khớp gối tự nắn, sau nhập viện mạch mu chân bên phải khó bắt, bệnh nhân được siêu âm mạch máu và chụp DSA để theo dõi tình trạng có tắc mạch khoeo vùng gối phải sau vài ngày cho kết quả siêu âm và DSA cho thấy không có gì bất thường nên sau đó chúng tôi đã xử trí nẹp bột đùi bàn chân phải”.
Chấn thương rất nặng và hiếm gặp
BSCK II Lê Gia Ánh Thỳ cho biết thêm: “Trường hợp này bị chấn thương rất nặng và hiếm gặp, thường kèm theo tổn thương thần kinh mạch máu vùng cánh tay với tỷ lệ rất cao (80%). Tại Việt Nam chưa có báo cáo nào về loại chấn thương này. Theo y văn thế giới thì chỉ có một vài báo cáo nói về loại chấn thương này, theo tác giả Zelle và cộng sự báo cáo với số lượng nhiều nhất là 25 trường hợp, còn lại là báo cáo riêng lẻ từng ca. Loại tổn thương có cơ chế chấn thương rất mạnh, thường kèm theo chấn thương đầu, ngực với tỷ lệ tử vong là 11%. Ngoài ra, còn có thể tổn thương thần kinh mạch máu vùng chi bị chấn thương, nên có nguy cơ đoạn chi và gây ra tỷ lệ tàn tật cao”.
BSCK II Lê Gia Ánh Thỳ chia sẻ thêm: “Khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê vùng mà các thuốc này phần lớn được chuyển hóa tại gan và thận mà bệnh nhân này có các bệnh lý nội khoa đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng men gan thì nguy cơ trong cuộc mổ có thể là các biến chứng gây mê hồi sức, nguy cơ chảy máu không cầm được, nguy cơ thuyên tắc phổi... nhưng do bệnh viện đã hội chẩn kỹ với các chuyên gia về nội khoa và dự trù các phương án dự phòng nên ca mổ đã thành công tốt đẹp”.
Hiện bệnh nhân đã ổn định hết đau, tiếp tục điều trị và tập vật lý trị liệu. Các chuyên gia lưu ý, khi bệnh nhân bị chấn thương vùng chi trên nếu phải phẫu thuật thì sau mổ phải theo dõi biến chứng: Thường gặp là nhiễm trùng và tổn thương thần kinh, mạch máu. Mang đai nẹp bảo vệ trong giai đoạn đầu và tập phục hồi chức năng. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị tai nạn nên ăn chế độ ăn nhiều đạm và chất xơ, uống nhiều nước, không nên kiêng khem.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Bùi Hương

>> xem thêm

Bình luận(0)