Cần phải xây dựng lại văn hóa lễ phục Việt Nam?

Google News

Nhiều ý kiến đa chiều đã được đề xuất tại Hội thảo Lễ phục nhà nước do Bộ VH-TT-DL tổ chức vào sáng 17.4 tại TP.HCM. 

Phân định rõ trang phục dân tộc, quốc phục với lễ phục

Nhằm giải quyết những tranh cãi nhập nhằng giữa quốc phục và lễ phục, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM) đã phân tích rõ về đặc trưng của trang phục dân tộc, quốc phục và lễ phục. Ông cho rằng quốc phục nằm ở vị trí trung gian giữa trang phục dân tộc và lễ phục, nên nó trở thành thứ trang phục hội tụ quá nhiều đòi hỏi: vừa dùng chung cho cả quốc gia, vừa có tính bắt buộc, lại vừa có tính truyền thống, có giá trị khu biệt bản sắc dân tộc - đó chính là lý do vì sao hầu như không nước nào quy định quốc phục.

Từ đó, GS Thêm cũng đưa ra 4 đề nghị: (1) Không sử dụng từ “quốc phục” một cách tùy tiện dễ gây hiểu sai, áp dụng sai; (2) Chính thức công nhận bộ Âu phục cho nam và áo dài cho nữ làm lễ phục ngoại giao chủ yếu của Việt Nam, có thể xây dựng thêm một bộ lễ phục ngoại giao mang bản sắc văn hóa dân tộc sử dụng trong những hoàn cảnh thích hợp; (3) Chính thức thừa nhận áo dài (khăn đóng) cho nam và áo dài tân thời cho nữ là trang phục dân tộc truyền thống Việt Nam; (4) Tiến hành hoàn thiện và quy chuẩn hóa cặp trang phục dân tộc truyền thống này để có thể dùng trong hoạt động ngoại giao, hoặc xây dựng thành một bộ lễ phục ngoại giao mang bản sắc văn hóa dân tộc, để sử dụng trong những hoàn cảnh thích hợp và khuyến khích áp dụng rộng rãi trong dân chúng.
 Áo dài được nhiều người chọn là trang phục dân tộc, truyền thống của Việt Nam - Ảnh: Đ.T 

Cần xây dựng văn hóa lễ phục

PGS-TS Phan Thị Thu Hiền (ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM) lại gợi ý nên nghiên cứu văn hóa lễ phục của Hàn Quốc để từ đó tìm kiếm gợi ý lễ phục Việt Nam cho phù hợp với từng trường hợp. Mỗi trang phục cần chuyển tải một thông điệp riêng, đồng thời phải hài hòa khi kết hợp trang sức, phụ kiện. “Người Hàn có phong trào dùng hàng Hàn, nhưng người Việt còn ít phong trào dùng hàng Việt. Chúng ta cần ý thức đúng đắn về vai trò và vị trí của lễ phục, quan hệ của văn hóa lễ phục để quảng bá hình ảnh dân tộc”, bà Hiền nói, “Việc sử dụng lễ phục ngoại giao cần được chú trọng như một cơ hội quảng bá thương hiệu và việc xây dựng văn hóa lễ phục là điều cần thiết”.

PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên - Phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM đặc biệt phê phán cách phối hợp Đông - Tây trong cách ăn mặc: veston và áo dài. Theo ông, việc nam mặc veston, nữ mặc áo dài trong mọi cuộc họp từ trong nước tới ngoại giao, trong mọi ngày lễ lạt truyền thống thể hiện sự nghèo nàn về nghệ thuật, là sự phối hợp khập khiễng, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Việc lễ phục nhà nước chưa được chú trọng trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay khiến người dân thấy chưa thuận mắt, khó có thể khích lệ lòng tự hào dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

“Nên dùng áo dài khăn đóng làm lễ phục trong các ngày lễ hội truyền thống của quốc gia, lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân tộc; biến thể như thế nào thì tùy để cho phù hợp. Khi sử dụng veston và áo dài trong lễ phục ngoại giao, hội nghị thì cần cải tiến chi tiết, chất liệu và biến thể của áo cùng chất liệu vải cho phù hợp tùy mùa. Không thể để nguyên xi veston của phương Tây phối hợp cùng áo dài được”, ông Tiên nói.

Trong khi đó, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL lại cho rằng không nên bó hẹp trong phạm vi lễ hội nhà nước, mà cần mở rộng thành tìm kiếm lễ phục Việt với các tiêu chí đẹp, tiện dụng, đa nghĩa, sử dụng được trong nhiều bối cảnh.

Phần lớn các đại biểu đều nhất trí rằng việc xây dựng thiết kế lễ phục cần huy động từ nhiều nguồn lực: các học giả, nhà thiết kế, giới truyền thông đại chúng..., đặc biệt cần trưng cầu ý kiến rộng rãi của người dân.
 “Việc chọn cặp “complet - áo dài” làm lễ phục ngoại giao chủ yếu của Việt Nam chỉ là chính thức hóa một thực tế đang hiện hữu… Trong cuộc sống có giao lưu hội nhập, bản sắc văn hóa không đứng yên một chỗ. Không Âu hóa mới lạ, không Âu hóa là bảo thủ. Vấn đề chỉ là Âu hóa đến mức độ nào”.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm

“Sớm hoàn thiện một bộ lễ phục nhà nước là rất cần thiết. Lễ phục nhà nước trước hết phải mang tính truyền thống, hiện đại của dân tộc khi tham gia hành các lễ trọng của đất nước, thể hiện lòng tự hào, tự cường dân tộc; phải thể hiện được tính dân tộc, tính truyền thống, tính văn hóa, tính ứng dụng, phải đẹp, ưa nhìn, phải được người trong và ngoài nước kính trọng, thích thú, nhìn là nhận ra ngay bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Cần sự phối hợp các ngành, các cấp để vạch ra các tiêu chí, lộ trình thực hiện cho lễ phục nhà nước”.

PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên

TIN LIÊN QUAN

Theo Thanh Niên

Bình luận(0)